Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bạo lực tình dục: Khoảng trống pháp luật và dịch vụ hỗ trợ

Nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2018, sáng nay (ngày 5/12), tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức tọa đàm về “Bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái: khoảng trống pháp luật và dịch vụ hỗ trợ”.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà chia sẻ về những khó khăn trong công tác xử lý, hỗ trợ nạn nhân bạo lực tình dục.

 

Tham dự Tọa đàm có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà và bà Đỗ Thị Thu Hà, phụ trách Văn phòng UNFPA tại Việt Nam cùng đại diện các Bộ, ban, ngành, các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội.

Trên 50% phụ nữ từng phải chịu ít nhất 1 trong 3 dạng bạo lực

Báo cáo về phụ nữ thế giới năm 2015 của Liên hợp quốc, trên thế giới cứ 03 phụ nữ thì có 01 người từng trải qua bạo lực thân thể hoặc tình dục trong cuộc đời; ở một số quốc gia, con số này là 70%. Vấn đề bạo lực sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ cho phụ nữ và các trẻ em gái như bị tổn thương cơ thể, trầm cảm, mang thai ngoài ý muốn, bị mua bán, thậm chí là tử vong.

Ở Việt Nam, hiện vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể về tình trạng bạo lực với phụ nữ và trẻ em, nhưng có thể ước tính khoảng trên 50% phụ nữ từng phải chịu ít nhất một trong ba dạng bạo lực về thể xác, tình dục hoặc tinh thần trong đời. Bạo lực với phụ nữ và trẻ em diễn ra dưới nhiều hình thức và ở nhiều môi trường khác nhau, từ trong gia đình tới cộng đồng và xã hội. Tình trạng bạo lực gây nên những trở ngại cho nỗ lực thúc đẩy phát triển bền vững, gìn giữ hòa bình và bình đẳng trong mọi xã hội. Để giải quyết tình trạng bạo lực trên cơ sở giới,  các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực như hoàn thiện thể chế chính sách, phê duyệt các chương trình, đề án như Đề án Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

 

Các đại biểu tham dự tọa đàm.

 

Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai các hoạt động, một số mô hình như Địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh tại cộng đồng, Cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới, Trung tâm công tác xã hội cung cấp dịch vụ bình đẳng giới, Trường học an toàn, thân thiện không bạo lực, Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em gái góp phần từng bước nâng cao nhận thức của cộng đồng, giảm thiểu nguy cơ và cải thiện chất lượng dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới.

“Tuy nhiên, so với các dạng bạo lực khác, việc xử lý, can thiệp kịp thời các vụ việc bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái cũng còn gặp những khó khăn nhất định như: Phụ nữ khó tố cáo các vụ việc bị bạo lực tình dục và tìm kiếm sự hỗ trợ, tư vấn kịp thời so với những vấn đề về bạo lực thể xác. Việc xử lý và can thiệp đôi lúc chưa kịp thời, chưa thỏa đáng đã gây ra sự bất bình trong xã hội” – Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà chia sẻ.

Vì sao nạn nhân không lên tiếng?

Chia sẻ một nghiên cứu ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội năm 2014, bà Đỗ Thị Thu Hà, phụ trách Văn phòng UNFA tại Việt Nam cho biết, trong số những người bị quấy rối tình dục được phỏng vấn, chỉ có 1,9% nói rằng họ đã tìm kiếm hỗ trợ từ cơ quan chức năng, còn trong số những người đã chứng kiến phụ nữ bị quấy rối ở khu vực công cộng, 65% chia sẻ đã không thực hiện bất kỳ hành động hỗ trợ nào giúp nạn nhân. Nhiều phụ nữ không an toàn trong nhà riêng của họ, họ bị chồng ép hoặc cưỡng bức quan hệ tình dục khi họ không muốn.

“Những định kiến chống lại nạn nhân bạo lực tình dục đã làm cho họ chưa được bảo vệ một cách đầy đủ và phải đối mặt với những hậu quả tiêu cực khi lên tiếng và đi tìm công lý. Họ thường bị đổ lỗi và còn bị cho là phải chịu trách nhiệm đối với những hành vi bạo lực hay quấy rối. Chính vì điều đó, nhiều người đã không tin vào các câu chuyện mà phụ nữ đã chia sẻ, thậm chí có người còn quay lưng chống lại họ, đẩy họ vào tình thế im lặng” – bà Đỗ Thị Thu Hà lý giải.

 

Tạo đàm chỉ ra những hạn chế, bất cập trong chính sách pháp luật

 

Bà Hà Quỳnh Anh – Cán bộ UNFA cho rằng, bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái là vấn đề những nhối trong xã hội. Những vụ việc được phát hiện và xử lý được chỉ như phần nổi của tảng băng chìm. Do đó để giải quyết vấn đề này hoàn thiện hệ thống pháp lý cần được hoàn thiệm đảm bảo giải quyết bạo lực được thỏa đáng để nạn nhân có được sự tin tưởng để lên tiếng.

Để giải quyết vấn đề bạo lực tình dục, các đại biểu cho rằng, cần thiết lập các dịch vụ hỗ trợ có chất lượng bao gồm chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tâm lý, an toàn, trợ giúp pháp lý và hệ thống tư vấn hỗ trợ thông tin sẵn có và dễ tiếp cận với nạn nhân của bạo lực tình dục. Phải thay đổi tư duy và thái độ của người dân về bạo lực giới, đặc biệt là bạo lực tình dục, bao gồm quấy rối tình dục. Nam giới cần phải nhận ra rằng phụ nữ bình đẳng với họ, và tôn trọng quyền của phụ nữ để đảm bảo phụ nữ được an toàn trong bất kỳ môi trường nào ở nhà, nơi làm việc hay ở nơi công cộng. Cần có số liệu thống kê quốc gia toàn diện về bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái trong mọi môi trường. Dữ liệu từ cuộc khảo sát quốc gia này sẽ cung cấp bằng chứng quan trọng làm cơ sở cho việc xây dựng các hoạt động để chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Cần cải thiện các luật hiện hành và việc thực thi pháp luật cũng là việc rất quan trọng để đảm bảo công lý được thực thi với các trường hợp bạo lực tình dục.