Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bạo lực và câu chuyện ứng xử qua sai lầm của con trẻ

Tuần qua, cả báo chí lẫn mạng xã hội bàn tán về chuyện bé gái lấy cắp chiếc váy có giá 160 đồng bị hành hung và làm nhục quá đáng. Đây là chuyện đau buồn nhưng cần bình tĩnh xử lý có tình, có lý.

Vợ chồng chủ cửa hàng bị khởi tố.

Vợ chồng chủ cửa hàng bị khởi tố.

Cần rõ ràng, sòng phẳng trong cách nhìn nhận, đánh giá

Việc nữ sinh vào cửa hàng thời trang, bí mật lấy một chiếc váy mang về nhà. Hôm sau, thấy chủ cửa hàng thông báo trên mạng xã hội là đã biết người lấy đồ, nữ sinh này mới chủ động liên hệ với chủ cửa hàng, xin lỗi và tìm cách khắc phục. Mục đích của nữ sinh là không muốn chủ cửa hàng làm lộ chuyện xấu của mình để gia đình, nhà trường, bạn bè biết. Cô bé này vẫn có lòng tự trọng, muốn sửa chữa lỗi lầm để làm người tử tế.

Song, phải gọi thẳng hành vi của nữ sinh là “ăn cắp” chứ không phải “cầm nhầm” như một số tờ báo đã viết để giảm nhẹ lỗi lầm của nữ sinh. Hành vi ăn cắp phải được giáo dục, bị lên án và phải chịu sự trừng phạt. Cần làm vậy để con người phải từ bỏ hành vi xấu xa và phạm pháp này. Tuy nhiên, phải làm những việc đó có văn hóa, đúng pháp luật, hợp đạo lý.

Gia đình chủ cửa hàng đã lợi dụng lỗi lầm của nữ sinh để thể hiện quyền lực của kẻ mạnh; hành hung, làm nhục người yếu thế lại mắc sai lầm. Hơn thế nữa, nhân cơ hội này, vợ chồng chủ cửa hàng còn tìm cách cưỡng đoạt tài sản hàng chục triệu đồng của gia đình nữ sinh. Ðây là hành động tham lam một cách thái quá và hơi ngu dốt, vì người ta nghèo túng mới đi ăn cắp món đồ 160 ngàn đồng thì lấy đâu ra hàng chục triệu đồng để “nộp phạt” một cách phi lý. Những người này còn tự tin đến mức đã quay clip và chủ động đưa lên mạng xã hội để gây thanh thế mà không biết rằng, đấy là hành vi vi phạm pháp luật, thiếu văn hóa và vô đạo đức.

Thấu hiểu, thông cảm và tha thứ cho con trẻ

Nữ sinh ăn cắp váy hình như đã nhận thức được tính nghiêm trọng trong hành động tắt mắt của mình. Việc cô bé và bạn trực tiếp đến cửa hàng xin lỗi và tìm cách khắc phục hậu quả là khởi đầu quá trình từ bỏ cái xấu. Ðây cũng chính là cơ hội để gia đình chủ cửa hàng thể hiện lòng vị tha, sự hào phóng, tình thương yêu của mình. Trong trường hợp này, nếu là người tử tế thì chủ cửa hàng răn dạy cô bé ăn cắp kia thật nghiêm khắc bằng lời lẽ rồi mở rộng từ tâm tặng lại chiếc váy kia cho cô bé (giá trị chiếc váy không là gì so với gia sản của chủ cửa hàng). Rất có thể cô bé không dám nhận, nhưng hãy nói rằng: “Nếu em rất thích chiếc váy này thì hãy mang về và mặc nó, khi nào kiếm được tiền thì mang đến cửa hàng trả cũng được!”. Nếu chủ cửa hàng làm được như vậy, chắc chắn cô bé kia sẽ cảm động rơi nước mắt và nhiều khả năng sẽ bỏ hẳn tính tắt mắt của mình.

Nhưng rất không may là gia đình chủ cửa hàng không phải là những người tử tế, sống có thiện tâm, có lòng vị tha, hiểu và thông cảm với lứa tuổi mới lớn. Thay vì tha thứ cho cô bé, họ đã hành hung, đã làm nhục và tống tiền cô bé. Hành động của gia đình chủ cửa hàng khiến cả xã hội bức xúc, phẫn nộ và… xấu hổ nữa. Chúng ta cứ nói mãi về việc xây dựng nếp sống văn hóa, cách sống có tình thương, nhưng đụng phải một gia đình có cả vợ, chồng, mẹ chồng và nhân viên đều không có tính người. Họ không hiểu, không thông cảm, không tha thứ cho trẻ em!

Nữ sinh đã quỳ xin lỗi.

Nữ sinh đã quỳ xin lỗi.

Phải xem lại văn hóa ứng xử trong xã hội

Cách hành xử của gia đình chủ cửa hàng thời trang Mai Hường ở Thanh Hóa không phải là ngoại lệ hay trường hợp hiếm hoi. Quan sát cuộc sống hàng ngày, đọc báo, lướt mạng xã hội, chúng ta thấy lối ứng xử bạo lực ngày càng phổ biến. Những người thường dùng đến bạo lực là những người tự cho mình là kẻ mạnh. Mạnh cả về sức lực (trẻ, khỏe, đông người…), mạnh về thế lực (có chức, có quyền, quen biết rộng…), mạnh về tiền bạc (ông chủ, bà chủ, tiền nhiều, bất động sản lắm), mạnh về tính hung hăng, bất cần đời (sẵn sàng đâm chém, ăn vạ…). Cách hành xử của những người này khiến chúng ta lo, buồn, hoang mang. Chúng ta càng lo, buồn, hoang mang hơn khi thấy một số người có trách nhiệm tỏ ra thờ ơ, thậm chí là về hùa với những kẻ càn quấy này để bắt nạt những người yếu thế.

Rõ ràng, văn hóa ứng xử của chúng ta đang có vấn đề; biểu hiện ở chỗ một số ít kẻ càn quấy có thái độ và hành động nhơn nhơn tự đắc trong cuộc sống hàng ngày; nhiều hành xử theo cách “mũ ni che tai” - việc không liên quan đến ta thì ta mặc kệ; đại bộ phận dân lành lo lắng nhưng bất lực; cơ quan chức năng phản ứng chậm, nhiều khi chỉ làm chiếu lệ…

Những người có trách nhiệm với xã hội hình như đã nhận thấy vấn đề. Việc tổ chức hội nghị văn hóa vừa rồi nằm trong tiến trình khôi phục lại nét đẹp văn hóa trong cuộc sống của người Việt Nam, trong đó có văn hóa ứng xử. Muốn có một xã hội văn minh, con người sống đầy tình thương và trách nhiệm, một mặt khơi gợi lại những nét đẹp trong cách ứng xử của con người; mặt khác, chính quyền phải phản ứng nhanh, nhạy và thực thi pháp luật nghiêm túc.

Trong vụ việc xảy ra ở cửa hàng thời trang tại Thanh Hóa, hoan nghênh công an Thanh Hóa đã vào cuộc khá kịp thời, cương quyết khởi tố và bắt tạm giam vợ chồng chủ cửa hàng. Vụ việc này phải được giải quyết có tình, có lý. Nữ sinh ăn cắp phải nhận được bài học nhớ đời (và sẽ được thông cảm, chở che, giúp đỡ) để làm người tử tế. Vợ chồng chủ cửa hàng phải trả giá cho hành vi độc ác, lòng tham mù quáng của mình. Còn tất cả chúng ta, sau khi bức xúc, phẫn nộ, xấu hổ thì suy ngẫm để tìm ra cách ứng xử cho lòng nhẹ nhõm hơn.

"Không thể vì cái sai này của trẻ mà xử lý bằng cái sai khác của người lớn được. Người bị hại trong vụ việc là đối tượng vị thành niên, cần được bảo vệ. Pháp luật nghiêm cấm hành vi bạo hành, xúc phạm nhân phẩm trẻ”. Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) Đặng Hoa Nam khẳng định trước vụ việc này.