Theo báo Nhân dân, chiều 18/12, vùng tâm bão số 9 đã đi qua khu vực đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa, với cường độ giật trên cấp 17. Tại đảo Song Tử Tây có 2 trạm đo gió là trạm đo gió thủ công và trạm đo gió tự động. Ngay từ khi mới ảnh hưởng, bão số 9 đã làm đổ cột đo gió thủ công và sau khi bão đi qua với sức gió bão giật trên cấp 17 khiến cột đo gió tự động cũng bị gãy đổ.
“Gió mạnh, trời mưa to, sóng biển cao gây khó khăn trong công tác quan trắc, lượng mưa từ 13 giờ - 14 giờ lên đến 120mm, gió giật chưa từng thấy”, anh Mai Phương Nam, cán bộ khí tượng thủy văn đang thực hiện nhiệm vụ tại trạm khí tượng hải văn Trường Sa cho biết.
Theo các nhà khí tượng học, vùng mắt bão số 9 có độ rộng khoảng 60km, tốc độ di chuyển của bão khoảng 20km, nên chỉ khoảng 14h30 phút – 15h chiều sau khi gió mạnh lần đầu sẽ xuất hiện gió mạnh lần 2; với hai lần gió mạnh ngược hướng nhau đã vặn gãy cột gió tại Song Tử Tây và từ thời điểm 16h30 phút trở đi, cột gió bị đổ.
VOV điện tử dẫn nguồn tin từ Thượng tá Trần Văn Hùng, Chính trị viên đảo Song Tử Tây, bão số 9 và hoàn lưu bão đã ảnh hưởng trực tiếp đến đảo Song Tử Tây và làm thiệt hại trên đảo, sơ bộ ban đầu: Bão làm lốc mái trên 500m2 ngói, hỏng 15 tấm pin năng lượng mặt trời, tốc mái trên 400m2 vườn và sập 1 vườn tăng gia, khoảng 90% cây cối trên đảo bị bật gốc và gẫy. Hiện quân, dân trên đảo và các ngư dân tránh trú bão đều bảo đảm an toàn.
Còn tại đảo Sinh Tồn, tính đến 22h đêm 18/12 có 90 tàu cá và gần 800 ngư dân đã được các lực lượng cán bộ chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn, nhân viên âu tàu gia cố, chằng buộc đảm bảo an toàn cho tàu cá. Hướng dẫn cho ngư dân nổ máy chống sóng và hỗ trợ dây. Hiện nay bà con ngư dân và tàu an toàn về mọi mặt, được cán bộ chiến sĩ đảo và âu tàu làm tốt công tác phòng chống thiên tai khi có tình huống xảy ra.
Trung úy Đoàn Trung Kiên, Chỉ huy trưởng Trung tâm dịch vụ Hậu cần – Kỹ thuật đảo Sinh Tồn, Hải đoàn 129, Tổng Công ty Tân Cảng Cảng Sài Gòn cho biết: “Khi bão tan, cán bộ nhân viên âu tàu sẽ kiểm tra con người và phương tiện, nếu có hỏng hóc âu tàu sẽ sửa chữa cho ngư dân, kịp thời cung cấp dịch vụ nhiên liệu, nước ngọt, nhu yếu phẩm để ngư dân tiếp tục vươn khơi, bám biển”.
Theo thống kê của các đảo, âu tàu, làng chài tại Quần đảo Trường Sa, hiện tại chưa có thiệt hại về người nhưng ảnh hưởng của bão đã làm tốc mái các cơ sở doanh trại trên đảo và âu tàu, có hàng trăm gốc cây xanh bị đổ. Các lực lượng trên đảo đang tiến hành khắc phục đồng thời sẵn sàng các phương án ứng cứu bà con ngư dân và tàu thuyền bị ảnh hưởng của hoàn lưu bão.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Quốc gia, hồi 9h ngày 19/12, vị trí tâm bão số 9 ở khoảng 13,4 độ Vĩ Bắc; 111,1 độ Kinh Đông, cách Bình Định khoảng 205km, cách Phú Yên khoảng 200km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 - 15 (150-185km/giờ), giật cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 250km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc, mỗi giờ đi được 15 - 20km. Đến 7 giờ ngày 20/12, vị trí tâm bão ở khoảng 16,6 độ Vĩ Bắc; 111,1 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Tây quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 - 14 (135 - 165km/giờ), giật cấp 16.