Khu vực bãi biển Tân Thành, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang, đang có mưa to. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN).
TTXVN cho biết, tại cuộc họp giao ban ứng phó với bão số 9, sáng 25/11, tại Hà Nội, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Trường Sơn chỉ đạo chính quyền các địa phương và người dân khu vực ảnh hưởng bão số 9 cần chủ động, tránh tư tưởng chủ quan trong công tác ứng phó với bão.
Để tiếp tục chủ động trong công tác ứng phó, phòng tránh, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Trường Sơn đề nghị, các địa phương chịu ảnh hưởng của bão tiếp tục thực hiện nghiêm các Công điện của Thủ tướng Chính phủ; Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai về ứng phó với bão số 9 và mưa lũ; thực hiện nghiêm lệnh cấm biển, quản lý chặt chẽ tàu thuyền, tuyệt đối không để người ở lại trên tàu thuyền và các lồng bè, chòi canh; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; kịp thời ứng phó với các tình huống.
Các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, căn cứ vào tình hình thực tiễn của bão để chủ động ứng phó, mưa lũ sau bão. Đối với các tỉnh Trung Bộ và Tây Nguyên chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với mưa, lũ, ngập lụt và đảm bảo an toàn hồ chứa.
Các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ thực hiện tốt công tác kiểm tra, phối hợp trong ứng phó với bão. Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải theo dõi, giám sát các địa phương, các đơn vị liên quan để có phương án ứng phó và đảm bảo an toàn cho hành khách.
Bộ Công thương chỉ đạo các đơn vị, địa phương liên quan sẵn sàng ứng phó và kiểm tra ngay hệ thống thông tin liên lạc ở khu vực các hồ thuỷ điện. Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT kiểm tra phương án ứng phó trong tình trạng khẩn cấp, hồ đầy nước, chuẩn bị xả, hạ du các hồ chứa có nguy cơ; ứng trực 24/24 giờ tại các hồ xung yếu, theo dõi chặt chẽ, đôn đốc các địa phương và các chủ hồ chủ động các biện pháp ứng phó, tham mưu kịp thời.
Các cơ quan thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương tăng cường sự phối hợp với các cơ quan liên qun trong việc tuyên truyền, đưa tin chính xác, kịp thời về tình hình, công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh tăng cường cán bộ, phương tiện để nâng cao hiệu quả công tác trực ban, tham mưu ứng phó với bão, mưa lũ.
Đến thời điểm này, đã có chín tỉnh, thành phố ven biển từ Khánh Hòa đến Trà Vinh và tỉnh Bạc Liêu đã ban hành lệnh cấm biển.
Theo Vov.vn, thông tin từ Phòng Khách vận ga Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, hiện nay các chuyến tàu đi qua các khu vực Hòa Tân (tỉnh Phú Yên), Tháp Chàm (thành phố Phan Rang - Tháp Chàm) đều bị ách tắc do mưa lũ. Từ tối qua, các chuyến tàu SE2, SE4, SE10 chạy tuyến TP Hồ Chí Minh đi Hà Nội do tuyến đường sắt bị tắc nghẽn vẫn chưa tới được ga Nha Trang. Phòng khách vận đang làm thủ tục trả vé cho hành khách đi các chuyến tàu đi Hà Nội như SE6, SE8, SE10, SE22 mua tại ga Nha Trang.
Ông Lê Hồng Sơn, Phó Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Nha Trang, từ đêm qua (24/11), mưa lớn khiến tuyến đường sắt khu vực tại Suối Cát (Cam Lâm) và Ninh Thuận bị ngập, khiến 7 đoàn tàu bị mắc kẹt không thể di chuyển. Ước tính có 2.500 khách bị mắc kẹt. Ngành đường sắt đã hợp đồng 13 xe khách để thực hiện trung chuyển hành khách ở 2 điểm này đến các ga kế tiếp để tiếp tục hành trình.