Tài nguyên rừng ở Chư Mom Ray là nguồn tài nguyên khoa học quan trọng, nuôi dưỡng các hệ sinh thái rừng và các quần thể động, thực vật vô cùng phong phú và đặc sắc. Là những hóa thạch sống của các loài thực vật hạt trần (Gymnospermae) và Tuế lá sẻ (Cycadopsida)... ở Chư Mom Ray có 1.001 loài động vật (trong đó có 112 loài quý, hiếm) và 1.895 loài thực vật thuộc 541 chi, 184 họ. Trong đó ngành dương xỉ 178 loài, ngành thực vật hạt trần 11 loài, ngành thực vật hạt kín 1.302 loài, trong đó có 192 loài quý hiếm cấp CR, EN, VU và LR, được ghi trong sách đỏ Việt Nam và thế giới cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Với diện tích 56.249 ha còn tồn tại diện tích tương đối lớn rừng nguyên sinh, độ che phủ rừng đạt 96,51% (năm 2021), Vườn quốc gia Chư Mom Ray có vai trò quan trọng trong việc điều tiết nguồn nước cho khu vực, chống xói mòn, rửa trôi và bảo vệ công trình thủy điện Ya Ly, Pleikrong, Sê San 3. Với các kiểu rừng đa dạng, hệ thực vật phong phú, phân nhiều tầng tán, với những dải rừng xanh bạt ngàn, những thác nước, đồng cỏ rộng, những ngày hè nóng bức được đi dưới những cánh rừng ở Chư Mom Ray, được hít thở không khí thật trong lành, quan sát cảnh đẹp thiên nhiên, thưởng thức tiếng chim hót, ta có cảm giác tuyệt vời như được hòa quyện với thiên nhiên. Có thể nói Chư Mom Ray thực sự là lá phổi trong việc điều hòa không khí cho khu vực. Với tầm quan trọng và giá trị về đa dạng sinh học, năm 2004 Vườn quốc gia Chư Mom Ray được hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á công nhận là Vườn Di sản ASEAN.
Nằm gần cửa khẩu quốc tế Bờ Y (ngã ba đông dương) có đường Hồ Chí Minh đi qua, xung quanh Vườn quốc gia là đồng bào dân tộc Rmâm, Hơ Lăng, Brâu là những tộc người còn số dân ít nhất trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với những nét truyền thống văn hóa đặc sắc sẽ là tiềm năng lớn trong phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, cộng đồng. Nhờ các đặc điểm sinh thái và giao thông thuận lợi sẽ khai thác các tuyến du lịch khám phá các khu rừng nguyên sinh với các đỉnh cao trên 1.000m, quan sát thú lớn trên đồng cỏ; du lịch dã ngoại với thắng cảnh thiên nhiên đẹp và yên tĩnh như các thác nước, các khu rừng sấu, rừng bằng lăng thuần loài; kết hợp với các điểm du lịch văn hóa, lịch sử đang phát triển mạnh ở Kon Tum, tạo thành điểm dừng chân trong các tour du lịch quốc tế đi qua Đà Nẵng, Huế, các nước đông dương, bên cạnh đó công tác nghiên cứu khoa học cũng sẽ hấp dẫn các nhà khoa học quan tâm tại Chư Mom Ray.
Trong những năm qua với sự nỗ lực của Ban quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray với đội ngũ cán bộ trẻ, yêu nghề, mạng lưới quản lý, bảo vệ được bố trí tại 14 trạm Quản lý bảo vệ rừng khép kín, đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính là bảo vệ rừng thông qua các hoạt động nghiệp vụ như: Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, tuần tra kiểm soát, phòng cháy chữa cháy rừng, xây dựng các công trình lâm nghiệp hỗ trợ... Do vậy, trong thời gian tài nguyên rừng được bảo vệ tốt, không xảy ra vi phạm, không xảy ra cháy rừng.
Những kết quả nêu trên đã góp phần quan trọng trong thành tựu bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học nói chung trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Tuy nhiên, trong thực hiện nhiệm vụ Vườn quốc gia Chư Mom Ray còn nhiều khó khăn cần được các cấp, ngành quan tâm.
Về công tác tuyên truyền Bảo vệ rừng, Phòng cháy chữa cháy rừng với cộng đồng: Quý 1/2023 đơn vị đã tổ chức 11 cuộc tuyên truyền với 180 lượt người tham gia trong đó tuyên truyền cấp xã 2 đợt với 80 lượt người dân tham gia. Nội dung tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo vệ rừng chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ rừng, phòng, cháy chữa cháy rừng. Tổ chức 10 cuộc truyền thông tại 10 trường HTCS tại các xã vùng đệm với 400. lượt học sinh tham gia. Nội dung nâng cao nhân thay cho các em học sinh về công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng đã cấp phát 7000 cuốn vỡ và 400 áo cho các em học sinh.
Tiếp tục triển khai các hoạt động tuyên truyền đến các thôn làng vùng đệm, truyền thông cho các em học sinh trong các trưởng PTCS đề nâng cao nhận thức bảo vệ rừng, phòng, cháy chữa cháy rừng cho cộng đồng và các em học sinh. Tăng cường công tác giám sát địa bàn, công tác tuần tra, kiểm tra trong rừng. Phối hợp đồng bộ và có hiệu quả giữa các đơn vị và các cơ quan trên địa bàn hai huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Tập trung cho công tác tuần tra, kiểm tra các vùng trọng điểm cháy rừng, đặc biệt chú trọng tại các khu vực tập trung nhiều tre nửa, lau lách, hướng dẫn và quản lý chặt chẽ các hoạt động sản xuất nương rẫy trên địa bàn, tổ chức trực phòng, cháy chữa cháy rừng 24/24 trong các thời kỳ cao điểm của mùa khô, bố trí canh phòng ở những vùng trọng điểm không để phát sinh nguồn lửa, phát hiện sớm điểm cháy và chỉ đạo quyết liệt huy động các lực lượng tại chổ xử lý kịp thời, không để xảy ra cháy lớn.