Mục tiêu lập quy hoạch nhằm bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử Nhà tù Sơn La, để di tích trở thành điểm giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ người Việt Nam.
Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La
Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch có tổng diện tích khoảng 31,6 ha thuộc phường Tô Hiệu và phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La.
Nhiệm vụ quy hoạch chủ yếu là nghiên cứu, đánh giá hiện trạng các di tích hiện còn, dấu vết của các công trình trước đây; tập hợp, xác định các tài liệu đã có, đề xuất nhu cầu tài liệu bổ sung; đánh giá mối liên hệ giữa các di tích, vai trò di tích trong mối quan hệ vùng, tình trạng kỹ thuật, quản lý và phát huy giá trị di tích. Nghiên cứu lịch sử truyền thống cách mạng ở địa phương và lịch sử di tích Nhà tù Sơn La; các giá trị văn hóa phi vật thể liên quan đến khu vực.
Bên cạnh đó, khảo sát, đánh giá hiện trạng quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan gồm: Vị trí, cấu trúc địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng; mối quan hệ giữa cảnh quan thiên nhiên và cảnh quan nhân tạo; hạ tầng xã hội, xác định cấu trúc quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan khu vực; hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hạ tầng kỹ thuật khu vực quy hoạch.
Đồng thời, khảo sát, đánh giá tình hình kinh tế, xã hội của địa phương ảnh hưởng đến việc lập và triển khai quy hoạch; thực trạng hoạt động du lịch tại khu di tích và các vùng lân cận; nghiên cứu, khảo sát cộng đồng dân cư tại địa phương, trong đó có cộng đồng các dân tộc gắn bó với di tích; phân tích các nguyên nhân ảnh hưởng đến hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Về định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, cần lập danh mục các đối tượng di tích cần bảo quản, tu bổ, phục hồi và mức độ bảo quản, tu bổ, phục hồi đối với từng hạng mục; giải pháp cơ bản đối với việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
Định hướng tổ chức không gian, khu cảnh quan thiên nhiên, công trình kiến trúc xây dựng mới, độ cao, mật độ xây dựng, hình thức kiến trúc, vật liệu xây dựng; định hướng cải tạo, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong khu vực quy hoạch tổng thể di tích; định hướng phát triển đô thị, dân cư nông thôn trong vùng di tích gắn với việc bảo tồn và phát triển kinh tế xã hội.