Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bảo tồn giá trị nghệ thuật và tín ngưỡng trong tranh thờ cúng của người Dao

Trong các nghi lễ thờ cúng, người Dao không bao giờ thiếu tranh thờ. Tranh thờ được ví như sự hiện thân của các vị thần trong những nghi lễ quan trọng, gắn liền với đời sống văn hoá, tâm linh của người Dao.

Bảo tồn giá trị nghệ thuật và tín ngưỡng trong tranh thờ cúng của người Dao - Ảnh 1.

Tranh thờ của người Dao với các nhân vật thần linh huyền bí.

Đời sống tâm linh trong tín ngưỡng của người Dao

Ở khu vực miền núi phía Bắc có nhiều dân tộc như Tày, Nùng, Dao, Cao Lan, Sán Dìu... đều có tập tục sử dụng tranh thờ trong các việc cúng lễ, ma chay. Tranh thờ của các dân tộc thiểu số ở vùng miền núi phía Bắc hầu hết là tranh tôn giáo, gắn với tín ngưỡng đạo Phật hay đạo Lão, song vẫn mang rõ dấu ấn cội nguồn văn hóa và phong tục tập quán riêng của mỗi dân tộc mình, đặc biệt là dòng tranh thờ của người Dao.

Tranh thờ của người Dao thể hiện quan niệm tín ngưỡng đa thần nguyên thuỷ gắn liền với những ước vọng trong cuộc sống. Người Dao coi 3 vị thần là Ngọc Thanh (thần cai quản trên trời), Thượng Thanh (thần cai quản trần gian), Thái Thanh (thần cai quản âm phủ) là những người bảo trợ, tác động đến mọi mặt của đời sống văn hoá, tâm linh như tang ma, lễ cấp sắc, lễ cưới hỏi, lễ tết cổ truyền, rằm tháng Bảy, nghi lễ gia đình, dòng họ….

Hệ thống tranh thờ của người Dao rất đa dạng. Mỗi nghi lễ thờ cúng người Dao lại có một loại tranh riêng, nhưng phổ biến nhất là bộ tranh Tam tượng và Đại đường quân. 2 bộ tranh này dòng họ nào cũng phải có, bởi nếu không có thì không thể tiến hành các nghi lễ cúng của dòng họ. Người Dao quan niệm rằng, tranh thờ chính là những vị thần linh bảo vệ bàn thờ tổ tiên và nội dung trong tranh thờ cúng chứa đựng nhiều giá trị giáo dục, tính nhân văn cao cả cho con người.

Giờ đây, dù cuộc sống của người Dao đã khác xưa rất nhiều, nhưng niềm tin về các vị thần vẫn hiện hữu và tiếp tục lưu truyền qua những bộ tranh thờ. Cũng vì thế, tục thờ tranh dân gian liên quan đến tín ngưỡng của người Dao luôn được bảo tồn từ đời này qua đời khác.

Bảo tồn giá trị nghệ thuật và tín ngưỡng trong tranh thờ cúng của người Dao - Ảnh 2.

Một nghệ nhân người Dao đang phục chế lại tranh thờ. Ảnh:KT

Nét độc đáo trong thanh thờ người Dao

Với mong muốn tranh thờ được lưu giữ qua nhiều đời, nên người Dao rất coi trọng đến chất liệu giấy và tự tay thực hiện với những bí quyết gia truyền. Họ thường tạo ra những tấm giấy dày (khoảng 0,3mm) bằng những kỹ thuật độc đáo để phục vụ cho việc vẽ tranh. Mỗi bộ tranh thường có 36 bức, với kích cỡ rộng 50cm dài khoảng 1m.

Tranh thờ của người Dao mang sắc thái và giá trị thẩm mỹ rất riêng. Màu vẽ tranh thờ thường là màu nước với bố cục lạ, không giống với bất cứ bộ tranh thờ nào của các dân tộc khác. Các vị thần linh thường là chủ đề chính của các bức tranh, mỗi vị thần lại tuân theo một quy tắc xã hội, nhân vật nào có quyền năng lớn được vẽ to, chiếm vị trí trung tâm, và các thần ít quyền năng hơn thì được vẽ đơn giản và nhỏ hơn. Nét biểu cảm trong các vị thần chính, thần phụ, ma quỷ và con người được hoà quyện trong các lớp không gian thực ảo đến vô tận. Từ mặt đất đến bầu trời, từ núi sông tới biển cả, từ địa ngục tới tiên cảnh, như muốn thể hiện một thế giới huyền bí, hỗn mang từ thủa sơ khai của vũ trụ.

Thầy mo Triệu Như Khoa ở xã Yên Thành, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái cho biết, người nắm giữ kỹ thuật vẽ tranh thờ trong cộng đồng người Dao là những thầy Tào, thầy cúng chứ không phải ai cũng vẽ được. Khi vẽ, thường chọn ngày tốt để khai bút, một bộ tranh thờ được vẽ rất kỳ công, nên việc hoàn thành một bộ tranh thường mất khoảng vài tháng đến 1 năm. Khi bức tranh hoàn thành sẽ làm lễ khai quang (điểm nhãn) cho bộ tranh rồi mới được treo.

Bảo tồn giá trị nghệ thuật và tín ngưỡng trong tranh thờ cúng của người Dao - Ảnh 3.

Ông Phùng Chương Chí, xã Thổ Bình (Lâm Bình) sở hữu bộ tranh thờ 120 năm tuổi. Ảnh: KT

Khác với dòng tranh Đông Hồ, Hàng Trống hay Kim Hoàng, tranh thờ người Dao chỉ sử dụng cho việc thờ cúng trong các nghi lễ chứ không phải dùng để trang trí trong cuộc sống thường nhật. "Thông thường chỉ vào những ngày lễ quan trọng, sau khi xin phép tổ tiên, tranh thờ mới được mở ra để con cháu trong dòng tộc đến xem và học nghĩa, lễ, phép tắc của dân tộc mình". Thầy mo Triệu Như Khoa chia sẻ.

Một trong những nghi lễ mà người Dao treo nhiều tranh thờ nhất là tại Lễ Cấp sắc (nghi lễ quan trọng nhất trong một đời người). Tại đây, người ta treo rất nhiều bộ tranh thờ của những dòng họ khác nhau. Những bộ tranh này có tuổi đời hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm tuổi như gia đình anh Bàn Văn Nghĩa, thôn Thanh Bình, xã Minh Thanh (Sơn Dương). Đây là bộ tranh thờ của người Dao Coóc mùn và được coi là "báu vật" của dòng họ.

Cũng do tính thiêng liêng và mang nhiều giá trị văn hóa về tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ Cấp Sắc của người Dao Tiền đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ ngày 22/1/2020.

Bảo tồn giá trị nghệ thuật và tín ngưỡng trong tranh thờ cúng của người Dao - Ảnh 4.

Tranh thờ là một phần quan trọng trong Lễ Cấp sắc của người Dao. Ảnh:KT

Hoạ sĩ Nguyễn Đức, người có nhiều năm nghiên cứu tranh thờ người Dao cho biết, Việc vẽ tranh và sử dụng tranh thờ là một nét văn hóa tâm linh độc đáo, không pha lẫn trong đời sống tinh thần của người Dao. Nó chứa đựng những nét đẹp văn hóa, nhân văn, giáo dục và sự độc đáo đến kỳ lạ. Các cơ quan chức năng cần sớm có các chính sách hỗ trợ cũng như phương án thống kê, sưu tầm tranh thờ hiện có tránh mai một dòng tranh này.

Hy vọng trong thời gian tới, cùng với những tư liệu văn thơ được chạm khắc tại Đại nội Huế, nghệ thuật tranh thờ của đồng bào dân tộc thiêu số nói chung và người Dao nói riêng sớm được đưa vào danh sách Di sản Tư liệu thế giới nhằm phát huy và bảo tồn các giá trị văn hoá nghệ thuật độc đáo của 54 dân tộc Việt Nam.