Năm nào tôi cũng về quê. Từ Hà Nội, qua cầu Bến Thủy hay từ Quảng Bình ra chạm tới Đèo Ngang, là lòng lại rưng rưng. Bồi hồi Bến Thủy Đèo Ngang, chân chưa bén đất đã man mác lòng. Những con đường trải giữa đồng xanh ngạt ngào hương lúa, rời rợi gió sông La, sông Nghèn, sông Cày, sông Rác... Những con người đâu cũng thân thương bè bạn, anh em; ngày có hết mà tình sâu nghĩa trọng không bao giờ dứt. “Cầm đàn khi gảy khi rung/ Dây tình, dây nghĩa, anh hùng lựa dây”.
Hà Tĩnh gần đây ào ạt cơn lốc công nghiệp hóa, đô thị hóa. Thu ngân sách vào những năm 90 còn dưới 100 tỉ đồng/năm, nay đã lên tới 15.000 tỉ đồng. Các thành phố, khu công nghiệp tràn ra các vùng xưa hẻo lánh; rầm rộ nhất là ở Vũng Áng, Kỳ Anh. Nhưng những cánh đồng hàng trăm năm, hàng nghìn năm mới tạo dựng được, những danh thắng thiên nhiên thì cứ hẹp dần. Bao nhiêu bài ca tắc nghẽn nửa chừng như bài ca về mỏ sắt Thạch Khê. Bao nhiêu câu chuyện rốt cuộc không thể hiểu là cái gì. ..
Tượng Nguyễn Du tại huyện Nghi Xuân - Hà Tĩnh.
Các cháu tôi đi xe máy đời mới nhưng không còn thuộc câu ca dao nào nữa. Nhiều làng xưa nổi tiếng đang bị hoang hóa vì trai gái bỏ làng, nông dân hết ruộng hoặc bỏ ruộng. Cán bộ cơ sở tưởng suốt đời gắn bó với quê, với tỉnh, với sự đi lên của vùng đất này nhưng rồi hết lớp này đến lớp khác đi lên, rời hẳn quê, để một ngày bỗng cả hai bên cùng ngơ ngác...
Tôi không biết trong số họ, mà không ít là bạn bè tôi, có lúc nào đếm điểm lại đời mình, thấy có sai một cái gì đó không, nhưng tôi, tôi thấy mình sai nhiều lắm. Tôi hay về quê, yêu quê và tự hào về quê. Nhưng đâu đã hiểu hết quê. Cả đời làm báo, tôi có say mê, lăn lộn với phong trào này, phong trào khác nhưng không hiểu sâu trong lòng đất, lòng người chứa chất những điều gì. Tôi cũng như rất, rất nhiều người khác chưa từng đến Bảo tàng Hà Tĩnh một lần. Mà sau bao nhiêu năm lịch sử cách mạng, sau bao nhiêu năm phát triển trong Đổi mới, Hà Tĩnh chưa thật sự có một bảo tàng. Mơ ước có một nơi trưng bày để người dân hiểu được lịch sử chưa thành hiện thực. Đầu tư cho văn hóa dường như chuyện được nghĩ đến sau cùng, thậm chí có người nghĩ có cũng được, không cũng chưa sao. Có người đến Hà Tĩnh, chỉ đến viếng mộ Trần Phú, Hà Huy Tập, gặp lãnh đạo tỉnh thì không hẳn, đúng hơn là không thể hiểu hết về Hà Tĩnh.
Trong một căn phòng phủ bụi của Bảo tàng Hà Tĩnh (đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa) còn lưu giữ nguyên vẹn hài cốt của một người đã sống cách đây 4500 năm, còn nguyên vẹn hình hài để có thể đoán được đó là người đàn ông cao chừng 1m50.
Những cán bộ bảo tàng cho biết, nhiều ngôi mộ cổ khai quật còn nguyên xác, thậm chí vẻ mặt còn tươi của người chết cách đây hàng trăm năm mà không giữ được. Và vì thế mà phong tục, mà kỹ thuật ướp xác của cha ông cũng tan theo trong khoảnh khắc của sự không hiểu biết, không có điều kiện bảo tồn. Năm 1974, Viện Khảo cổ học khai quật di chỉ Phôi Phối (xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân). Nhiều năm sau phát hiện ra Bãi Cọi, gọi chung là Di chỉ Phôi Phối – Bãi Cọi, nơi hiện diện của văn hóa Đông Sơn (700 – 100 TCN) - văn hóa Sa Huỳnh (1000 – 200 TCN) thuộc thời đại đồ đồng. Khai quật đã thu được nhiều mộ chum, mộ bình và hiện vật lịch sử khác. Đồng thời, cũng phát hiện ra đã có xăm tìm, đào bới của những kẻ chuyên săn đồ cổ! Khi Nhà nước chú ý, để tâm đến văn hóa truyền thống thì văn hóa truyền thống đã mất mát bao nhiêu!
Đèo Ngang.
Càng xót lòng khi những hiện vật quý giá, hình bóng ông cha trong lịch sử xa xăm đang được “gìn giữ” trong những căn phòng tạm bợ, không một giải pháp kỹ thuật nào, lẫn giữa những đồ đạc linh tinh nên nguy cơ mất mát, hư hỏng là rất lớn. Tại cái gọi là Bảo tàng Hà Tĩnh có mấy khẩu súng thần công thời nhà Nguyễn.
Ngoài một khẩu được cất giữ cẩn thận hơn, thì để một cách “trà trệt” trên lối đi là hai khẩu súng thần công bằng đồng, nạm bạc trang trí tinh xảo lẫn cùng cát bụi. Trong 20 năm trị vì, vua Minh Mệnh đã cho đúc 269 khẩu súng thần công, nhưng có ý nghĩa đặc biệt hơn là ba khẩu đầu tiên được đúc vào năm 1821 (Minh Mệnh thứ hai). Ba khẩu này cùng có tên là “Bảo quốc An dân Đại tướng quân” và phân ngôi thứ là tam vị chi nhất, tam vị chi nhị, tam vị chi tam. Súng có chiều dài 2m43, đường kính nòng 0,23m, nặng 1 257,36kg (2080 cân cổ). Theo chữ viết trên súng, biết được ông Trần Đăng Long ở Vụ Khố vâng mệnh vua gom được vạn cân đồng để đúc nên. Bài minh trên khẩu thứ nhất viết: Minh Mệnh nguyên niên/ Đắc đồng vạn cân/ Sắc chú quốc phúc/ Dĩ thị hậu văn/ Phúc chính thiện thụy/ Uy tảo khâm phần/ Truyền ngã tử tôn/ Thần vũ nhân văn. Tạm dịch: Vào năm Minh Mệnh thứ nhất, cả nước gom được một vạn cân đồng, sai đúc nên súng thần công để đời sau nghe biết mừng vua lên ngôi, lấy uy xua quét những điều xấu, truyền lại cho con cháu ta trời đất bình yên.
Số phận run rủi thế nào, cả ba khẩu súng này lại nằm trên một con tàu cổ (chắc lại bọn buôn đồ cổ?) bị đắm tại vùng biển Hà Tĩnh, ngoài Cửa Hội 35 km. Tháng 8/2003, ngư dân xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên và xã Thạch Kim, huyện Thạch Hà trong khi đánh cá đã trục vớt được và đem bán... đồng nát. Có lẽ đất nước còn có phúc và ba vị “đại tướng” này còn có uy nên các cơ quan chức năng đã tình cờ bắt giữ được chuyển về cho bảo tàng. Thế là từ chỗ sắp bị nghiền nát trong đám sắt vụn, chúng được trở thành “báu vật quốc gia”.
Cũng may là có người còn nhìn ra báu vật. Nhưng trong thăng trầm lịch sử, trong cái nhìn phong kiến là xấu tất trên đất khuynh tả này, bao nhiêu báu vật như thế đã mất đi? Rồi lại có chuyện cái không giá trị được đôn lên thành giá trị. Từ báu vật đến đồng nát, đồng nát thành báu vật... Trên đất văn hiến này đã bao lần biến cải? Tôi nhiều lần đến Khu lưu niệm Nguyễn Du, nhà thơ lớn của dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới mà năm nay UNESCO sẽ kỷ niệm 250 năm sinh. Nhiều hiện vật của dòng họ trâm anh thế phiệt đã mất đi. Cả Truyện Kiều nguyên bản cũng chưa tìm thấy. Cái nhà trưng bày là cái đình ở chợ Trổ được mua về từ năm 1963. Còn lại câu đối của vua Minh Mệnh tặng Nhất đại tài hoa, vi sứ, vi khanh sinh bất thiển; Bách niên sự nghiệp tại gia, tại quốc tử do vinh. Tạm dịch: Một kiếp tài hoa, làm sứ, làm quan, lòng chẳng thẹn; Trăm năm sự nghiệp, ở nhà, ở nước, chết còn vinh! Đời sau, nhiều người chửi Thúy Kiều là con đĩ, Truyện Kiều là dâm thư, Nguyễn Du là người có nhiều hạn chế về tư tưởng. Ôi, lấy con mắt của ao hồ mà nhìn về biển rộng, thấu đáo được chăng? Hóa ra cái ông vua phong kiến kia, lại là người đánh giá Nguyễn Du còn chính xác hơn trăm nghìn nhà nghiên cứu khác! Nhưng các học sinh không đọc được câu đối ấy, không đọc được thơ chữ Hán Nguyễn Du, cũng như bao di sản cha ông khác. Chỉ nghe thầy nói, lớp này, lớp khác cứ nói theo mãi, cả thầy và trò vẫn không hiểu được Nguyễn Du. Ông Phạm Quỳnh yêu mến Truyện Kiều, trân trọng Tiếng Việt, phục tài Nguyễn Du mà thốt lên một câu rất nổi tiếng: Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn. Tiếng ta còn thì nước ta còn. Đó là một cách nói ngoa dụ và mới thấy Nguyễn Du lớn ở mặt ngôn ngữ. Chưa kể câu nói ấy có thể gây bất lợi cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc hồi bấy giờ.
Tôi tin không có Nguyễn Du thì tiếng ta vẫn còn, vẫn đẹp. Cái lớn của Nguyễn Du là ở chỗ khác, ở những tư tưởng lớn, ở cách nhìn đời, nhìn con người trong cõi trăm năm mà cũng là trong toàn bộ cõi người. Có lẽ vì thế mà Nguyễn Du từng than thở, không biết ba trăm năm sau, có ai biết khóc mình? Không buồn sao được khi báo chí ngày nay vẫn gọi người làm đĩ là “kiều nam”, “kiều nữ”; khi Nguyễn Du vẫn bị phê phán về lập trường, tư tưởng trong nhà trường!
Ông Bùi Tùng Phong, nguyên Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, người từng mơ phục dựng lại bến Giang Đình, xây lầu Ngưng Bích ở Cửa Hội, làm một cái vườn Nguyễn có đầy đủ cỏ cây hoa lá được nhắc đến trong Truyện Kiều. Sau đó, ông bị điều về sở Thủy sản. Tôi không biết cái sự nghiệp thủy sản của ông thế nào, chắc chẳng góp phần to lớn gì cho kinh tế xã hội tỉnh nhà - nhưng giá như ông thực hiện được mơ ước kia, cũng bõ một đời, bõ một sự nghiệp làm “quan”! Năm nay kỷ niệm lớn về Nguyễn Du. Mong sao, quê hương cụ là nơi những bất công, những thói đời xấu xa trở nên ít nhất, những giá trị thật được tỏa sáng, những kẻ như thằng bán tơ, như Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Tú Bà, Hồ Tôn Hiến... phải bị nhận diện và lên án. Và mỗi người thêm một lần thấm thía “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài”... Chứ trong đời sống như Sở Khanh, Hồ Tôn Hiến, như thằng bán tơ... thì cái nhân cách, nhân phẩm kia còn mặt mũi nào mà nhắc đến Nguyễn Du, mà long trọng kỷ niệm, ngợi ca Cụ!
Tôi xin phép hương hồn nhà thơ Tố Hữu được kể một câu chuyện riêng. Vào năm 2000, hai ông bà có thực hiện một chuyến đi về Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Tôi được gặp ông ở Vinh. Ông nói rằng, lần đầu tiên mới đến quê hương Cụ Nguyễn Công Trứ. Ông làm động tác chắp tay: Tôi xin vái cụ Nguyễn Công Trứ và người Hà Tĩnh. Các cụ xưa ghê lắm, không dễ mà mình biết được đâu. Càng biết càng phục...
Tôi vội xá cụ Tố Hữu. Cụ Tố Hữu cũng ghê lắm. Lòng yêu nước, say mê lý tưởng, đời thơ như trái núi không dễ bị bào mòn trước thử thách thời gian. Nhưng cũng nhận thấy ở cụ một sự tỉnh ngộ, một sự ân hận chăng vì cái muộn màng, cái chưa thật rộng rãi và tròn vẹn trong kiến văn và hành xử của mình. Người cách mạng có thời như thế. Mải mốt với phong trào, với bao nhiệm vụ cấp bách, sẵn sàng hy sinh cả tính mệnh vì sự nghiệp chung. Song vẫn còn nhiều điều chưa biết, vẫn còn gì đó chưa phải với tiền nhân, chưa khơi được trúng mạch của những sức mạnh vô biên...
Lấy văn hóa làm nền tảng, lấy phát triển bền vững làm đầu, những tư tưởng và chỉ hướng ấy của Đảng trong những năm gần đây đang khắc phục được những non yếu đã mắc phải và có thể còn mắc phải.
Hãy trân trọng, gìn giữ lấy những báu vật quốc gia. Mà báu vật lớn nhất là người hiền tài, là sự trung thực, là tình yêu nhân dân một cách thật thà, sâu sắc nhất. Nói với dân, đối với dân như nói với cha mẹ mình, đối với cha mẹ mình, phải chăng đó là văn hóa lãnh đạo, là báu vật của người cán bộ?
15/10/2015