Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

“Bão” tranh luận khi phụ huynh lên mạng "tố" giáo viên… không có tình người

Bức tâm thư “Bên trong cánh cửa Lương Thế Vinh - chưa vơi nụ cười, đã rơi nước mắt" của phụ huynh Giáng Hương - có con đang học tại trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) đang nhận được sự quan tâm lớn và những ý kiến trái chiều từ dư luận.

 

Phụ huynh Hương Giang tố cô Nguyễn Minh Thu - giáo viên chủ nhiệm lớp 10A1.1 (hiện tại là 11A1.1, nơi con chị theo học) có lối giáo dục hà khắc, nghiệt ngã, "không có tình người, chỉ có kỷ luật và nước mắt".
Bức tâm thư này được chị Hương Giang viết với tâm thế của một người phụ huynh sẵn sàng đón nhận những dư luận trái chiều, chấp nhận cho con mình chuyển khỏi ngôi trường - nơi mà một năm trước con chị (một cô bé ngoan, học tương đối tốt) chọn nhập trường với tất cả sự tự hào, niềm hứng khởi.
Bức tâm thư gây “bão mạng” ngay sau khi được chia sẻ.
Theo những gì chị chia sẻ, thì cô Nguyễn Minh Thu thường xuyên trách phạt khiến con chị buồn bã, ủ rũ, không dám đến trường, không dám đối mặt với cô chủ nhiệm và lúc nào cũng nơm nớp lo sợ sẽ bị đuổi học.
Chị viết: "Chúng tôi không nói ngoa đâu. Bản thân tôi đã dự 3 cuộc họp phụ huynh của lớp và chưa bao giờ chứng kiến một nụ cười trên môi cô giáo chủ nhiệm… Ngay như việc, các con đi học trễ 5 phút thì coi như “chết với cô”. Còn cô, vẫn bỏ dạy cả tiết học không rõ lý do thì coi như chả có chuyện gì.
Các cha mẹ gọi điện trao đổi với nhau đều vô cùng bức xúc nhưng không dám lên tiếng vì nghĩ đến tương lai của con, sợ rằng, con mình sẽ là “tội đồ” nếu cha mẹ có ý kiến…”
Chính lối giáo dục hở ra là “phạt, phạt và kiểm điểm”, yêu cầu ra đình chuẩn bị tinh thần rút hồ sơ chuyển trường cho con (đuổi học) khiến phụ huynh này lúc nào cũng như ngồi trên đống lửa, đi làm cũng không yên tâm.
Ngoài ra, phụ huynh cũng chỉ ra những điểm bất cập đằng sau cánh cửa của trường Lương Thế Vinh như bản kiểm điểm “nhiều như bươm bướm”, ngang nhiên tổ chức học thêm, tăng tiền học phí…

Theo những gì chia sẻ, sau khi gửi tâm thư, chị Giáng Hương nhận được lời mời hẹn gặp với cô hiệu phó Văn Thùy Dương. Nhưng kết quả lại không hề như những gì mong đợi, thậm chí là có phần tệ hại hơn khi con gái chị trở thành “tầm ngắm”. Cô Hiệu phó đáp: "Chúng tôi không bắt buộc con chị phải học ở đây. Chị hoàn toàn có thể chuyển cho con sang môi trường khác. Tôi có thể đưa ra cho chị vài gợi ý…". Cô giáo chủ nhiệm cũng chốt một câu: "Tôi cũng có quyền từ chối dạy học sinh nào mà tôi không thích".
Theo phụ huynh Hương Giang, học sinh ở trường luôn nơm nớp sợ hãi sẽ bị kỷ luật.
Lãnh đạo nhà trường và cô giáo bị “tố” nói gì?
Về những “lùm xùm” giáo viên bị phụ huynh “tố”, bà Văn Thùy Dương - Phó Hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh xác nhận đã nhận được tâm thư của phụ huynh trên.
Bà Dương cho biết, với tư cách là lãnh đạo nhà trường, bà mời ban phụ huynh lớp, cùng một số phụ huynh có con hay bị kỷ luật để kiểm chứng thông tin. Sau khi đối thoại với phụ huynh, nhà trường trưng cầu ý kiến học sinh. Kết quả 24 em không đồng ý đổi giáo viên chủ nhiệm, 5 học sinh không có ý kiến gì vì các cháu mới vào, 2 học sinh lưỡng lự, 6 học sinh đề nghị đổi.
Bà Dương cho biết: “Tôi đã nói với phụ huynh, nếu cháu gặp áp lực, gia đình có thể chuyển lớp cho con. Nhưng phụ huynh nói sẽ chuyển trường, đồng thời sẽ đưa sự việc ra báo chí, công luận. Tôi không thể bắt ép phụ huynh nếu không đồng quan điểm giáo dục với nhà trường, vì thế đồng ý cho học sinh chuyển trường”.
Nhận xét về giáo viên bị “tố” quá hà khắc, bà Dương cho biết đây là cô giáo chủ nhiệm tốt, đã công tác 7 năm tại trường, có năng lực tốt, thường tham gia ra đề thi. Chỉ riêng một năm lớp 10, giáo viên đã đưa học sinh vào guồng.
THPT Dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) bị phụ huynh “tố” áp dụng phương pháp giáo dục hà khắc.
Bị “tố” không có tình người, cô giáo Nguyễn Minh Thu (dạy môn Ngữ văn, vừa là chủ nhiệm lớp 11A1.1, 12A1 trường THPT Lương Thế Vinh và vừa là giáo viên tại một trường công lập khác trên địa bàn Hà Nội) cho biết bản thân thực sự sốc.
Theo cô Thu, tất cả biện pháp giáo dục như (viết bản kiểm điểm, tường trình, cam kết, mời phụ huynh lên trao đổi để tìm cách phối hợp giúp các con nhận lỗi, và tiến bộ dần lên, phạt học sinh lao động công ích) nhằm mục đích cho các con trưởng thành, ngoan hơn và nâng cao kết quả học tập. Tất cả biện pháp này đã được đưa ra từ đầu năm trong cuộc họp phụ huynh và được 100% phụ huynh đồng ý. Đây là cách làm phù hợp môi trường Lương Thế Vinh.
“Tôi thật buồn khi phụ huynh nói đó là giáo dục không có tình người. Đó là những câu nói đầy ác cảm, có tính chất vu khống. Nếu thiếu trách nhiệm, tôi đã hoàn toàn buông lỏng học sinh, không để các con muốn học thì học, muốn chơi thì chơi, không cần trao đổi với phụ huynh để cuối năm các vị có thể bất ngờ với kết quả học tập và đạo đức của các con”, cô Thu bày tỏ
Nữ giáo viên này đề nghị hiệu phó giải quyết sự việc để có sự thanh thản, tâm thế chuẩn bị năm học mới.
Phụ huynh, cựu học sinh cũng tranh luận gay gắt…
Sau bức tâm thư “gây bão” của nữ phụ huynh, rất nhiều cựu học sinh, phụ huynh có con đang học ở Trường THPT Lương Thế Vinh đã chia sẻ những quan điểm trái chiều về phương pháp giáo dục ở đây. Nhiều người cho rằng, phương pháp giáo dục của trường quá kỷ luật của trường khiến học sinh thực sự bị áp lực tâm lý nặng.
Anh Nguyễn Xuân Lợi chia sẻ: “Con tôi có học trường này từ những ngày ở Trường cũ (gần cầu Khương đình) và nhận thấy phản ánh của Facebook Thu Hà là hoàn toàn đúng sự thật. Tôi cũng là người bị mời lên gặp cô Chủ nhiệm. Nhìn con gái khóc mà xót xa, cháu rất sợ và rất áp lực với mọi việc về trường Lương Thế Vinh... Nghiêm khắc là tốt, nhưng hà khắc, áp đặt làm thui chột trẻ nhỏ. Họp phụ huynh thì chỉ thấy cô dọa là tuổi cấp 2 thay đổi tâm sinh lý lớn nên không thể nhân nhượng...”.
Bạn Phan Linh Chi, một cựu học sinh của trường bày tỏ: “Mình là cựu học sinh cách đây 10 năm - đã bị đề nghị chuyển trường vì điểm Toán kém. Và mình đã từng tham gia rất nhiều hoạt động Đoàn Đội, BCH của trường tích cực, từng làm Bí thư. Trường là niềm mơ ước của rất nhiều phụ huynh và học sinh nhưng sau khi học 2 năm mình cảm thấy trường xử lý quá khắt khe với học sinh, giáo viên có thể giỏi nhưng lại hiếm tình cảm, thiếu sự cảm thương”.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người cho rằng, phương châm giáo dục chú trọng rèn luyện tính kỷ luật, nghiêm khắc cho học sinh như trường Lương Thế Vinh là rất cần thiết.
“Các em được rèn tính kỷ luật tốt sau này ra đời ắt hẳn dễ thành công. Phụ huynh không nên xót con, động tí là làm toáng lên khiến giáo viên không dám dùng biện pháp kỷ luật. Kỷ luật là cần thiết để trẻ trưởng thành”, phụ huynh Phạm Minh Anh nêu quan điểm.
Chị Đặng Thanh Hương phản bác các ý kiến cho rằng môi trường giáo dục ở Lương Thế Vinh bất cập: “Tôi đã có hai con gửi gắm vào môi trường này… Bước đệm vào đời của các cháu không có gì phải chê trách. Mỗi người có một quan điểm. Với gia đình tôi môi trường đó tốt (con tôi học ở bên Triều Khúc)”.