Tham gia Hội thảo có ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA); bà Đinh Thị Như Hoa, Trưởng Phòng Kiểm định, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) trực thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông và bà Nguyễn Như Quỳnh, Giám đốc Tổ chức Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng CyberKid Vietnam.
Không thể phủ nhận, môi trường Internet ngày càng mang lại nhiều lợi ích và cơ hội cho mọi người, như cung cấp các thông tin và kiến thức phong phú; giúp chúng ta tương tác và chia sẻ cũng như giải trí... Việt Nam đất nước có tỷ lệ người dùng Internet khá lớn, chiếm khoảng 73,2%, trong đó có khoảng 16,5 triệu trẻ em.
Tuy vậy, bên cạnh tác động tích cực, thế giới Internet cũng ngày càng xuất hiện nhiều cạm bẫy khó lường. Sự phát triển nhanh về công nghệ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người dùng như bị lừa đảo, lộ thông tin cá nhân, nhiễm mã độc, nội dung độc hại,... Do đó, việc nâng cao nhận thức người dùng trên không gian mạng là rất quan trọng, đặc biệt đối với trẻ em. Ngày 1/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 830/TTg-CP về Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025”, thể hiện sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của Đảng và Nhà nước trong công tác bảo vệ và chăm sóc những mầm non tương lai.
Cần có một liều vaccine để trẻ em được an toàn trên không gian mạng
Phát biểu tại Hội thảo, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, số liệu tổng hợp từ Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 cho thấy, các thông tin, các cuộc gọi liên quan đến an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng trong năm 2021 tăng gấp đôi so với năm 2020. Điều này được nhiều nghiên cứu lý giải, có thể do năm 2021, học sinh học trực tuyến nhiều hơn nên tham gia môi trường mạng nhiều hơn và các nguy cơ cũng nhiều hơn nên mối quan tâm của các em và phụ huynh về an toàn trên môi trường mạng cũng gia tăng.
Tương tự như vậy, các cuộc gọi yêu cầu hỗ trợ sâu trong năm 2021 cũng tăng hơn gấp đôi so với năm 2020. Một điều đáng ngạc nhiên là năm 2022, mặc dù không còn giãn cách xã hội do Covid-19 và học sinh cũng không học trực tuyến, chúng ta đã trở lại trạng thái ổn định, nhưng thống kê 7 tháng đầu năm 2022, số cuộc gọi đến Tổng đài 111 liên quan đến an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng vẫn không giảm.
Đặc biệt, số lượng các cuộc gọi tố cáo, cung cấp thông tin, clip, hình ảnh độc hại ảnh hưởng đến trẻ em trên môi trường mạng đã tăng gấp 5 lần trong năm 2021 so với năm 2020. Điều này cho thấy, một là, các rủi ro, nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng đối với trẻ em và thanh thiếu niên không giảm và sẽ càng ngày càng tăng; hai là, nhu cần cần được an toàn của trẻ em cũng tăng lên; ba là, yêu cầu đối với các cơ quan chức năng, các tổ chức về việc tạo không gian an toàn để bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em, thanh thiếu niên trên môi trường mạng cũng sẽ tăng lên.
Ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh: “Chúng ta cần có một liều "vaccine" để trẻ em được an toàn trên không gian mạng. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý là làm thế nào cung cấp liều vaccine đó cho trẻ em: bằng cách tăng cường tập huấn cho trẻ em, kết hợp cùng các đơn vị, các tổ chức xã hội cung cấp các kỹ năng an toàn, văn hóa trên môi trường mạng và kỹ năng dọn dẹp “rác thải” trên môi trường mạng cho các nhóm trẻ em nòng cốt để từ đó lan tỏa tới mọi trẻ em. Và tôi cũng mong rằng, hệ thống ứng phó bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã và đang hoạt động ngày càng hiệu quả hơn. Trên cơ sở đó, chúng ta sẽ có một hệ thống dữ liệu để có thể đưa ra những bằng chứng cho các nhà hoạch định chính sách, các bậc cha mẹ, cho chính trẻ em và những người trẻ tuổi về những nguy cơ và phương thức làm thế nào để an toàn trên môi trường mạng. Hệ thống pháp luật sẽ bảo vệ trẻ em, nhưng không ai thay thế được chính bản thân các em hay cha mẹ các em nếu không có kiến thức và kỹ năng về an toàn trên môi trường mạng”.
Trẻ em đi trên mạng là trẻ em lang thang một mình
Theo bà Nguyễn Như Quỳnh, Giám đốc Tổ chức Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng CyberKid Vietnam, khảo sát về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng thực hiện trên 1.000 trẻ em ngẫu nhiên là học sinh cấp 2 và cấp 3 trên địa bàn Hà Nội tháng 9 năm 2020 cho thấy, hơn 70% trẻ em thực hiện khảo sát đã gặp phải vấn đề khi tham gia không gian mạng như: gặp bình luận khiếm nhã về ngoại hình, nhìn thấy link quảng cáo lừa đảo, bị dụ dỗ nạp game mất tiền, bị dụ dỗ kết bạn với người lạ, bị hack mất Facebook/ Gmail…
67,7% trẻ em được hỏi, khi gặp vấn đề này chia sẻ với ai thì hầu hết các em không chọn bố mẹ và thầy cô mà các em cảm thấy thoải mái hơn khi chia sẻ với bạn bè, thậm chí là người lạ trên mạng.
Với trẻ em, khó khăn lớn nhất là các em thường không mở lòng để chia sẻ và khi vấn đề trở nên nghiêm trọng thì lúc đấy hậu quả sang chấn tâm lý ở các em để lại rất dài vì các em không có khả năng xử lý. CyberKid Vietnam có một đường dây nóng để tiếp nhận các cuộc điện thoại và tin nhắn về an toàn trên không gian mạng. Những trường hợp nghiêm trọng, có yếu tố tội phạm, CyberKid sẽ hướng dẫn các em gọi điện tới Tổng đài 111 và chính quyền để có thể giải quyết; nhân viên tư vấn cũng thuyết phục các em trao đổi với người giám hộ là cha mẹ và nhiều em thà ngừng nói chuyện với CyberKid chứ nhất quyết không chia sẻ.
Tất cả các vấn đề trẻ em gặp phải trên không gian mạng cần sự chung tay và hỗ trợ của cha mẹ rất nhiều nhưng khi được hỏi vì sao các em lại không sẵn sàng chia sẻ với cha mẹ và thầy cô, các em nói rằng “sợ”, thà các em chịu tổn thương về tâm lý còn hơn bị bố mẹ mắng.
“Đây là một thực trạng đáng buồn của chúng tôi trong quá trình vận hành đường dây nóng sơ cứu tâm lý cho trẻ khi bị tấn công trên không gian mạng. Và đáng buồn hơn, nhiều trẻ em còn không biết rằng mình đang là nạn nhân của tấn công trên không gian mạng, các em không biết nhiều dấu hiệu bạo lực học đường trên mạng biến tướng từ bạo lực học đường ở dưới mặt đất. Ngày càng có nhiều mối nguy hại mới và những mối nguy hại biến tướng từ mối nguy hại cũ có sẵn. Mục tiêu lớn nhất của CyberKid là giáo dục các em làm thế nào để nhận biết được những mối nguy hại này và biết rằng khi mình gặp vấn đề thì cần tìm đến ai để được giúp đỡ.
Mặc dù, có nhiều mối nguy hiểm rình rập xung quanh nhưng không thể phủ nhận, mạng xã hội và Internet cũng là chìa khóa mở ra cơ hội tiếp cận tri thức thế giới và giúp trẻ mở rộng mạng lưới bạn bè. Đây cũng là cơ hội vô cùng tuyệt vời đối với trẻ em vùng sâu, vùng xa – những em nhỏ không có nhiều điều kiện được tiếp xúc với các chương trình giáo dục như khu vực thành thị để các em bắt kịp và phát triển bản thân. Chúng ta không thể cấm trẻ em sử sụng mạng xã hội và Internet mà phải giúp trẻ nhận biết các mối nguy hại trên không gian mạng và khuyến khích các em học tập và phát triển” - bà Nguyễn Như Quỳnh chia sẻ.
Dẫn lại lời bà Hoàng Thị Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, bà Nguyễn Như Quỳnh cho biết: Trẻ em đi trên mạng là trẻ em lang thang một mình, trẻ có thể bị tổn thương về mặt tâm lý bất cứ lúc nào không ai hay vì các tổn thương về tâm lý không phải là vết thương vật chất hay vật lý mà chúng ta có thể thấy được.
Ngày 7/10, Tập đoàn Meta, Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) và Tổ chức Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng CyberKid đã chính thức khởi động sự kiện Safety Café Vietnam – một sáng kiến nhằm mang những kiến thức cần thiết về an toàn trực tuyến và quyền riêng tư tới người dùng Internet tại Việt Nam, đặc biệt là thanh thiếu niên thông qua hình thức thực nghiệm về an toàn trực tuyến tại không gian cafe Open Space Coffee, 1A Nguyễn Tri Phương, Hà Nội.
Việc tổ chức sự kiện này cũng là một sáng kiến hưởng ứng Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi tháng 6/2021.
Sự kiện Safety Café Vietnam mở cửa miễn phí từ 14h ngày 7/10 tới 18h ngày 9/10. Tại đây, ngoài việc tham gia trắc nghiệm, được giải đáp những thắc mắc về cách bảo vệ bản thân trên không gian mạng bởi đội ngũ tình nguyện viên; các em học sinh và thanh thiếu niên còn được tập huấn về kỹ năng an toàn trên không gian mạng.