Tiềm ẩn rủi ro cho trẻ từ lộ thông tin cá nhân
Cha mẹ vô tư đăng hình ảnh, thông tin cá nhân, riêng tư của trẻ; người lạ đăng hình ảnh trẻ lên mạng xã hội là điều rất dễ bắt gặp hiện nay. “Con học hành nỗ lực, đạt thành tích cao thì cha mẹ tự hào đăng lên mạng làm kỷ niệm có sao đâu. Nhưng hãy cẩn thận vì điều đó sẽ vô tình tạo áp lực cho con cái và cho chính họ.”, chị Thu Minh (Hà Nội) chia sẻ. Ðồng quan điểm trên, anh Hồng Tiến cho rằng: "Nếu con giỏi thật thì cha mẹ khoe một chút trong nội bộ gia đình, bạn bè cũng không sao. Nhưng nhiều người lại đưa thành tích của con lên mạng là không nên. Nhiều khi việc làm đó sẽ tự tạo áp lực cho con. Ðến ngày nào đó con không giữ được phong độ, cha mẹ sẽ thất vọng, chì chiết các con".
Chị Mai Hoa cũng thường xuyên đăng tải hình ảnh đáng yêu của trẻ em trên Facebook cá nhân của mình. Chị cho biết, đó là hình ảnh của cháu hoặc con nhà hàng xóm. Khi được hỏi đã nhận được sự đồng ý của bố mẹ trẻ trước khi chia sẻ thông tin hay chưa thì chị Hoa trả lời: “Các bé rất dễ thương, đáng yêu, do muốn tăng tương tác cho trang bán hàng cá nhân nên tôi đăng lên chứ không nghĩ đến việc phải xin phép bố mẹ, người thân của cháu”.
Thực tế là ít ai, kể cả phụ huynh ý thức được rằng, đăng hình ảnh và các thông tin cá nhân của trẻ lên mạng xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho trẻ. Thậm chí, nhiều vụ việc những thông tin thất thiệt về trẻ em chưa được kiểm chứng đã được chia sẻ rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ðây là những hành vi vi phạm quy định của pháp luật.
Gần đây, báo chí liên tục thông tin về những vụ việc liên quan đến sử dụng, khai thác các thông tin bí mật riêng tư của trẻ để nhắn tin, gọi điện gây áp lực rồi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của cha mẹ, người thân. Ðơn cử như gọi điện đến thông báo con đi cấp cứu, con mua hàng online nợ tiền… đã xảy ra ở những thành phố lớn và chắc chắn còn lan đến cả vùng sâu, vùng xa.
Việc chia sẻ tràn lan những hình ảnh riêng tư, những thông tin chưa được kiểm chứng có thể khiến trẻ đối mặt với nguy hiểm hoặc chịu những tổn thương nặng nề về mặt tâm lý. Hơn nữa, thông tin trên không gian mạng sẽ tồn tại lâu, dễ bị chia sẻ lại khi các em đã lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai của trẻ. Vì vậy, trước khi đăng tải, chia sẻ những gì liên quan đến trẻ, người lớn cần cân nhắc kỹ lưỡng để bảo vệ trẻ và tránh những rủi ro về pháp lý có thể gặp phải.
Theo quy định của pháp luật, việc tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ từ 7 tuổi trở lên hoặc cha mẹ, người giám hộ là hành vi vi phạm quy định về bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề này đang bị chính phụ huynh xem nhẹ.
Luật sư Phan Văn Chiều - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Châu (TP. Hà Tĩnh) cho biết: “Ðiều 31 Nghị định 130/2021/NÐ-CP về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em quy định việc tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ từ 7 tuổi trở lên hoặc cha mẹ, người giám hộ có thể bị xử phạt hành chính đến 30 triệu đồng và bị buộc thu hồi, gỡ bỏ”.
Nhiều điều khoản khác trong Luật An ninh mạng 2018, Luật Trẻ em 2016 cũng quy định chi tiết về những hành vi bị nghiêm cấm; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng khỏi những nguy cơ như: thông tin xấu độc, xâm phạm đời tư, bắt nạt, xâm hại tình dục... Theo đó, cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục và bảo vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng dưới mọi hình thức; cha mẹ, giáo viên và người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng để trẻ em biết tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng...
Bảo vệ trẻ cần sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội
Ðể bảo vệ trẻ trên không gian mạng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, nhà trường cần hướng dẫn, cảnh báo các em về việc sử dụng Internet an toàn. Gia đình cần giám sát chặt chẽ việc sử dụng mạng xã hội của con cái. Xã hội cần lên án mạnh mẽ, thậm chí phải tẩy chay đối với các ứng dụng, trang web... có nội dung độc hại. Ðồng thời, trẻ em cần được trang bị kiến thức, kỹ năng để tham gia không gian mạng an toàn.
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LÐ-TB&XH) cho biết, hệ thống pháp luật hiện nay ở nước ta về quyền riêng tư của trẻ em và những nội dung thuộc về quyền riêng tư của trẻ em đã được quy định trong Luật Trẻ em. Tuy nhiên, từ quy định để trở thành kiến thức kỹ năng của chính chúng ta, trong đó có các bậc phụ huynh và trẻ em thì không phải dễ dàng. Mặc dù người lớn được trang bị nhiều kiến thức kỹ năng, nhưng khi có người gọi điện thoại nói rõ tên con, trường học, lớp học, thì như một phản xạ thông thường, họ đã tin tưởng ngay...
Theo bà Nga, để phòng ngừa lừa đảo, dụ dỗ trẻ thông qua thông tin cá nhân của trẻ bị lộ, lọt, điều quan trọng nhất chính là sự quan tâm thực sự của cha mẹ và các thành viên trong gia đình. Chính những người thân sẽ đồng hành cùng con, từ việc nhận diện, xác định rủi ro và nếu trẻ bị lừa gạt thông qua các thông tin cá nhân bị lộ lọt thì cha mẹ và thầy cô phải luôn chia sẻ với các em, để giảm thiểu những tổn hại và điều đáng tiếc xảy ra với trẻ.
Thượng tá Chu Mạnh Thông, Phó Trưởng phòng 7 (Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an) cho biết, Bộ Công an đang phối hợp với nhiều ban, ngành triển khai các hoạt động bảo vệ trẻ trên không gian mạng. Thời gian tới, Bộ tiếp tục tiến hành kiểm tra việc thi hành các quy định bảo vệ thông tin của người dùng nói chung và trẻ em nói riêng, làm sao hạn chế mức thấp nhất những thông tin cá nhân và thông tin về trẻ em được rao bán và sử dụng bất hợp pháp trên không gian mạng.