Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bảo vệ trẻ em trước bạo lực súng đạn

Hơn 6.000 trẻ em thiệt mạng hoặc bị thương do súng đạn tại Mỹ trong năm 2022. Con số này phản ánh một vấn đề nhức nhối đã tồn tại từ lâu tại Xứ cờ hoa và đặt ra yêu cầu cấp bách phải bảo đảm quyền lợi chính đáng của trẻ em là được sinh sống, phát triển trong môi trường an toàn và lành mạnh.

Góc tưởng niệm các nạn nhân của vụ xả súng tại Trường tiểu học Robb, ở thị trấn Uvalde, bang Texas (Mỹ) vào tháng 5 vừa qua. (Ảnh: Reuters)

Góc tưởng niệm các nạn nhân của vụ xả súng tại Trường tiểu học Robb, ở thị trấn Uvalde, bang Texas (Mỹ) vào tháng 5 vừa qua. (Ảnh: Reuters)

Theo tổ chức phi lợi nhuận The Gun Violence Archive chuyên theo dõi các vụ bạo lực súng đạn tại Mỹ, trong năm 2022, có ít nhất 6.023 trường hợp nạn nhân thiệt mạng hoặc bị thương vì súng đạn là trẻ em dưới 17 tuổi. Ðây cũng là con số thương vong lớn nhất từng được ghi nhận kể từ khi tổ chức này bắt đầu thống kê vào năm 2014. Con số này cao hơn đáng kể so với mức 5.708 trường hợp được ghi nhận vào năm 2021. Chỉ vài ngày trước khi những số liệu nêu trên được công bố, một bé gái ba tuổi ở thành phố Kansas, bang Missouri của Mỹ đã thiệt mạng vào đêm Giáng sinh do bị trúng đạn.

Nạn bạo lực súng đạn như một cơn đau kéo dài, chưa có thuốc đặc trị của nước Mỹ và cứ nhói lên mỗi khi xảy ra những vụ xả súng thương tâm. Thống kê nêu trên một lần nữa phản ánh xu hướng gia tăng của tình trạng bạo lực súng đạn trong những năm gần đây, nhất là khi ngày càng nhiều trẻ em là nạn nhân của "căn bệnh trầm kha" này.

Một trong những nạn nhân nhỏ tuổi nhất thiệt mạng do súng trong năm 2022 là bé Cecilia Thomas, 5 tháng tuổi ở Chicago, bị trúng đạn khi đang ngồi trong ô-tô. Súng đạn đã vượt qua tai nạn giao thông trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em và thanh, thiếu niên tại Mỹ.

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, 4.368 trẻ em và thanh, thiếu niên từ 1 đến 19 tuổi đã tử vong vì súng đạn trong năm 2020. Con số này cao hơn so với 4.036 trẻ em và thanh, thiếu niên tử vong do tai nạn giao thông, từng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nhóm tuổi này tại Mỹ.

Trước sức ép phải hành động nhằm ngăn chặn nguy cơ từ bạo lực súng đạn, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nỗ lực thúc đẩy các quy định chặt chẽ hơn về súng đạn.

Hồi cuối tháng 6/2022, ông Biden ký ban hành đạo luật lưỡng đảng "Vì cộng đồng an toàn hơn", đánh dấu một bước cải cách quan trọng về vấn đề quản lý súng đạn tại Xứ cờ hoa trong gần 30 năm qua.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy tần suất xảy ra các vụ nổ súng vẫn cao, trong đó có không ít vụ xả súng xảy ra ở trường học-nơi nhẽ ra phải là môi trường an toàn để trẻ em yên tâm học hành, phát triển. Ðiều này đặt ra yêu cầu cho giới chức và mỗi người dân Mỹ phải hành động quyết liệt hơn nữa để ngăn chặn các vụ xả súng tái diễn.

Giới chuyên gia nhận định, số lượng súng khổng lồ và việc người dân có thể dễ dàng sở hữu súng là nguyên nhân chính khiến nước Mỹ trong nhiều thập niên qua phải sống chung với nạn bạo lực súng đạn.

Trung tâm Thống kê giáo dục quốc gia thuộc Bộ Giáo dục Mỹ cho biết, trong 10 năm qua, Mỹ đã phát hiện hơn 26.000 học sinh mang súng tới trường học. Tính trên toàn bang Texas, trong hơn 3 năm qua, đã có 557 vụ học sinh bị kỷ luật vì mang súng đến trường học. Theo kết quả thăm dò, có tới 71% số người được hỏi muốn việc kiểm soát súng tại Mỹ phải nghiêm ngặt hơn.

Trước khi diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11/2022, Tổng thống Mỹ đã nhấn mạnh quyết tâm thực hiện mục tiêu ban hành lệnh cấm các vũ khí tấn công tại Mỹ.

Với thực trạng các vụ nổ súng gây thương vong tiếp tục xảy ra với tần suất cao, rõ ràng nước Mỹ vẫn chưa thể tìm ra giải pháp triệt để cho nạn bạo lực súng đạn gây nhức nhối này. Ðây cũng là bài toán hóc búa mà ông Biden sẽ phải giải quyết trong chặng đường còn lại của nhiệm kỳ, nhằm chuẩn bị cho mục tiêu tái tranh cử vào năm 2024.