Ca Omicron tăng nhanh ở trẻ em
Tại Nam Phi và các nơi khác trên thế giới, phần lớn trẻ em nhiễm Covid-19 đều không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ, chỉ một số ít chuyển biến nghiêm trọng. Tuy nhiên, từ giữa tháng 11, tỉnh Gauteng (Nam Phi) bắt đầu báo cáo tỷ lệ nhiễm Covid-19 ở trẻ em cao hơn, trùng với giai đoạn phát hiện biến thể Omicron.
Đáng chú ý, trong khi tỷ lệ nhập viện điều trị Covid-19 chung cho các lứa tuổi giảm thì số ca nhập viện ở trẻ từ 5 tuổi trở xuống lại tăng. Độ tuổi nhập viện trung bình của bệnh nhi là bốn tuổi, với hơn 1/3 ca bệnh xảy ra ở trẻ sơ sinh. Triệu chứng sốt ghi nhận có ở gần một nửa trường hợp, triệu chứng ho ở hơn 40% trường hợp, 25% có triệu chứng nôn mửa và khó thở. 20% số trẻ cũng bị tiêu chảy và co giật.
Lý do lây lan nhanh của Omicron ở trẻ em có thể là do thời gian ủ bệnh ngắn, tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em thấp, đặc điểm đột biến của virus giúp né tránh hàng rào miễn dịch và việc sử dụng khẩu trang ở trẻ em ít được quan tâm hơn so với người lớn. May mắn là ở Nam Phi, hơn 90% trẻ em nhập viện do Covid-19 chỉ cần điều kiện chăm sóc bình thường và 85% xuất viện trong vòng hai tuần. Hầu hết trẻ em chỉ ở lại bệnh viện vài ngày, trung bình là ba ngày. Một số ít trẻ có biểu hiện co giật, dường như do bệnh viêm não liên quan đến Covid-19.
Tại Mỹ, các nhà khoa học dự báo viễn cảnh không mấy sáng sủa về năm thứ ba của đại dịch. Lần này, trẻ em cũng như người lớn đều bị ảnh hưởng. Các ca nhập viện vì Covid-19 ở trẻ dưới 5 tuổi đang tăng lên ở nhiều nơi trên cả nước cùng với sự xuất hiện của Omicron.
Tại bang Texas, số trẻ em mắc Covid-19 nhập viện đã tăng gấp đôi vào trung tuần tháng 12, tại New York trẻ nhập viện tăng gấp bốn lần kể từ đầu tháng 12. Nhưng dù số ca dương tính ở trẻ em tăng lên, phần lớn các trường hợp cho đến nay đều nhẹ và khá giống như cảm lạnh thông thường.
Bên kia đại dương, Anh cũng công bố dữ liệu cho thấy sự gia tăng số ca nhiễm ở lứa tuổi dưới 5, với tỷ lệ nhập viện ở trẻ em dưới 4 tuổi cao gấp ba lần so với độ tuổi từ 5 đến 14.
Hàng rào bảo vệ từ người lớn và xã hội
Theo Jennifer Nuzzo - chuyên gia dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg (Mỹ) - nguy cơ Covid-19 ở trẻ nhỏ bao gồm hai khía cạnh gồm nhiễm bệnh và trở nặng. Mức độ lây nhiễm cao trong cộng đồng làm tăng nguy cơ lây nhiễm ở mọi lứa tuổi. Vaccine Covid-19 giúp giảm cả hai loại nguy cơ trên, nhưng việc chờ đợi tiêm Vaccine cho trẻ em không phải là cách duy nhất để bảo vệ chúng. Cộng đồng có thể bảo vệ trẻ bằng cách đảm bảo rằng những người lớn xung quanh được chủng ngừa đầy đủ. Phương án này đặc biệt quan trọng đối với nhóm trẻ chưa đủ tuổi tiêm phòng. Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể giảm nguy cơ trẻ tiếp xúc với virus bằng cách tránh không gian kín, nơi đông người và những buổi tụ tập khác, cùng với đó là tập thói quen xét nghiệm nhanh trước các sự kiện xã hội và yêu cầu người lớn đeo khẩu trang khi ở gần trẻ nhỏ.
Về nguy cơ trở nặng, tất cả các dữ liệu hiện có đều cho thấy nguy cơ phát triển bệnh nặng ở trẻ nhỏ thấp hơn nhiều so với người lớn và thanh thiếu niên. Đồng thời, khả năng thể hiện triệu chứng Covid-19 kéo dài ở trẻ nhỏ sau khi khỏi bệnh cũng thấp hơn các lứa tuổi khác.
Khi hệ thống trường mẫu giáo, mầm non đón trẻ trở lại lớp học, một nghiên cứu của Thụy Sĩ chỉ ra rằng các phòng học thông gió kém có số ca Covid-19 nhiều gấp sáu lần so với những phòng học được thông gió thường xuyên. Nhóm nghiên cứu khuyến nghị giáo viên nên làm thoáng lớp học bằng cách mở cửa sổ hoặc cửa ra vào nhiều hơn bình thường ngay cả khi nhiệt độ bên ngoài xuống thấp.
Cuối cùng, chúng ta phải chấp nhận rằng trẻ em có thể nhiễm Covid-19, lây truyền virus sang người khác hoặc phát triển bệnh nặng.