Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho trẻ nhỏ tại một trường mầm non địa bàn TP Thủ Đức. Ảnh: Thu Hiền
Những lo ngại trước biến thể Delta làm gia tăng tỷ lệ trẻ em mắc covid-19
Biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đang dần trở thành biến thể chiếm lĩnh trên toàn cầu do khả năng lây lan của nó. Biến thể này hiện chiếm phần lớn số ca mắc Covid-19 trong đợt bùng phát mới nhất ở Anh, Đức, Nga... những quốc gia đã có tỷ lệ tiêm chủng nhất định và trực tiếp sản xuất ra vaccine ngừa Covid-19 cho toàn thế giới.
Sự xuất hiện của biến thể Delta tại Việt Nam thời gian qua được đánh giá là nguy hiểm nhất từ trước tới nay, với tốc độ lây lan nhanh hơn, phạm vi lây lan rộng hơn, biến chủng virus nguy hiểm hơn và đặc biệt là sự xuất hiện của nhiều ca bệnh trẻ em do lây nhiễm từ người thân bị mắc Covid-19 trước đó.
Trong đợt bùng phát dịch lần này, Bệnh viện Nhi đồng TP. Hồ Chí Minh là nơi tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhi mắc Covid-19 nhiều nhất trong cả nước. Tính đến ngày 18/6 số bệnh nhi ở đây là 80 em. Các bác sĩ cho biết: "Trẻ em có sức đề kháng yếu, rất dễ bị các tác nhân gây hại trong môi trường xâm nhập vào cơ thể. Trẻ càng nhỏ tuổi, sức đề kháng càng yếu do hệ thống miễn dịch chưa phát triển đầy đủ".
Hiện Các cơ sở Y tế của Việt Nam đang điều trị cho khoảng 200 trẻ em thuộc diện F0 và hơn 4000 trẻ em thuộc diện F1, các em được chăm sóc tốt và sức khoẻ ổn định.
Trẻ em luôn là đối tượng thụ động trước mọi nguy cơ, nếu các biện pháp chống dịch không hiệu quả và nhận thức của người dân chưa đầy đủ thì nguy cơ dịch bệnh ảnh hưởng đến những đối tượng này là vô cùng lớn. Trước một số ý kiến của các nhà khoa học Anh cho rằng, trẻ em không cần tiêm vaccine vì hệ miễn dịch của trẻ ít bị tác động bởi Covid-19 thì thực tế đang chứng minh ngược lại.
Theo thống kê, Malaysia đang là nước có số trẻ em nhiễm Covid-19 cao nhất trong khối Asean với tổng cộng 82.341ca trong đó gần 20.000 là trẻ em dưới 4 tuổi. Tuy chưa có trường hợp nào tử vong nhưng Bộ trưởng Y tế nước này ông Adham Baba đã phải lên tiếng cảnh báo các bậc cha mẹ và người giám hộ nên có trách nhiệm nhiều hơn trong việc bảo vệ trẻ em.
Tại Brazil, do những sai lầm trong cách đối phó với đại dịch Covid-19, nước này đang phải đối mặt với một thảm kịch nghiêm trọng về lây nhiễm cộng đồng với hơn 500.000 ca tử vong. Kéo theo đó là số lượng trẻ em bị lây nhiễm lên đến gần 70.000 và ghi nhận hơn 2000 trẻ em từ 0 đến 9 tuổi tử vong, trong đó có 1.397 trẻ sơ sinh.
Tiến sĩ dịch tễ học hàng đầu Brazil, bà Fatima Marinho cho biết, "các triệu chứng Covid-19 ở trẻ em hoàn toàn trái ngược với các nhận định lan truyền khắp toàn cầu trong suốt đại dịch cho rằng trẻ em dường như không có nguy cơ mắc Covid-19 nghiêm trọng". Chắc hẳn đó không chỉ là lời cảnh báo cho Brazil.
Nước Mỹ, sau khi có nhiều người lớn được tiêm chủng thì trẻ em và thanh thiếu niên lại đang chiếm tỷ lệ lớn hơn trong các ca lây nhiễm. Ước tính nước này có 22 triệu trẻ em từ 5-17 tuổi đã mắc Covid-19, trong đó có 127 người trong nhóm tuổi 12-17 đã tử vong". Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu cũng ghi nhận 1,1 triệu ca Covid-19 ở lứa tuổi 10-19 và 98 ca tử vong.
Trước những diễn biến này, nhiều quốc gia đã thay đổi phương thức chống dịch và tiến hành các biện pháp tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi cũng như tiến hành những thử nghiệm lên nhóm từ 11 tuổi trở xuống.
Israel, Ý, Đức, Canada, Singapore là những quốc gia đi đầu trong việc phể chuẩn và tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em.
Vaccine nào được tiêm cho trẻ em?
Vaccine Covid-19 thường được thử nghiệm ở người lớn, sau đó đến thanh thiếu niên trước khi được thử nghiệm ở trẻ em và trẻ sơ sinh. Việc phân loại này nhằm đánh giá những tác động không mong muốn bởi vaccine Covid-19 có thể sẽ an toàn với trẻ em khi chúng được chứng minh an toàn với người lớn.
Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ đã chọn vaccine của Pfizer để sử dụng cho trẻ em 12-15 tuổi với liều lượng bằng với người lớn là 30 microgram/liều. Pfizer cũng đã hoàn thành phác đồ thử nghiệm vaccine Covid-19 với hai nhóm trẻ dưới 12 tuổi. Cụ thể:
Trẻ từ 5-11 tuổi được tiêm 2 liều, mỗi liều 10 microgram.
Trẻ 6 tháng đến dưới 5 tuổi được tiêm 2 liều, mỗi liều 3 microgram, khoảng cách giữa 2 liều trong thử nghiệm là 21 ngày. Dự kiến vào tháng 9-2021 sẽ chính thức đưa vào tiêm đại trà cho 2 nhóm này.
Đến thời điểm hiện tại, gần 7 triệu thanh thiếu niên ở Mỹ đã được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19. Dự kiến, toàn bộ trẻ em ở Mỹ sẽ được tiêm phòng vào cuối năm 2021.
Châu Âu, và Canada cũng thống nhất sử dụng vaccine Pfizer cho các nhóm đối tượng trẻ em.
Cần bảo vệ trẻ em trước những tác động của đại dịch Covid-19
Những biến chứng rủi ro sau tiêm vaccine không chỉ có ở Covid-19 mà còn xảy ra ở tất cả các loại bệnh khác như sởi, bại liệt, rubela, bạch hầu, uốn ván… Không chỉ Việt Nam, các quốc gia có trình độ Y học cao như Anh, Mỹ, Nga.. cũng ghi nhận những tỷ lệ tử vong nhất định sau tiêm và đó là một thực tế không dễ dàng chấp nhận.
Và dù hiệu lực của vaccine trước những biến thể mới không phải là 100% nhưng theo các chuyên gia, đây vẫn là "vũ khí hữu hiệu" giúp phòng ngừa Covid-19 và tiến tới tạo miễn dịch cho cộng đồng.
Nghiên cứu tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương gần đây cho thấy, tình hình lại rất khả quan đối với những người tiêm vaccine phòng Covid-19. Chỉ sau khi tiêm mũi thứ nhất 1 tháng, 90% số người tiêm đã sinh kháng thể và cần tiêm mũi 2 để đạt hiệu quả cao nhất.
Bộ Y tế cũng đã đề xuất trích 13,5 triệu AUD trong tổng số 40 triệu AUD thuộc chương trình vaccine Australia dành cho Việt Nam để mua vaccine Pfizer tiêm cho trẻ em" và đang gấp rút triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử cho người dân trên cả nước.
Trước mắt, Việt Nam hiện chưa có vaccine cho nhóm trẻ dưới 12 tuổi, nhưng các bậc cha mẹ không nên quá lo lắng. Thay vào đó, cần chấp hành các biện pháp phòng dịch như cách ly, mang khẩu trang tại nơi công cộng; rửa tay và giãn cách xã hội; đồng thời nên cho trẻ hạn chế tiếp xúc, tập trung nơi đông người, chờ thông báo và hướng dẫn mới từ Bộ Y tế.