Khối lượng rác thải điện tử đang tăng vọt trên toàn cầu.
Một số liệu từ Tổ chức Thống kê chất thải điện tử toàn cầu (GESP) cho thấy, lượng rác thải điện tử thải ra môi trường trong năm năm trở lại đây là 53,6 triệu tấn, tăng 21% so với trước đó. Trong đó, châu Á là nơi tạo ra nhiều nhất với khoảng 24,9 triệu tấn, tiếp đến là khu vực châu Mỹ 13,1 triệu tấn và châu Âu 12 triệu tấn. Châu Phi và châu Đại Dương tạo ra lần lượt là 2,9 và 0,7 triệu tấn. Các quốc gia đứng đầu về lượng rác thải điện tử là Trung Quốc 10,1 triệu tấn, Mỹ 6,9 triệu tấn, Ấn Độ là 3,2 triệu tấn. Tổng cộng 3 nước này chiếm gần 38% lượng rác điện tử trên toàn cầu năm 2019.
Cũng theo ước tính của GESP, chỉ có 17,4% chất thải điện tử sản xuất vào năm 2019 được các cơ sở quản lý hoặc tái chế chính thức, phần còn lại đã bị đổ ra ngoài môi trường bất hợp pháp, hoặc được chuyển đến các nước thu nhập thấp hoặc trung bình, nơi nó được tái chế để sử dụng.
GESP phát hiện ra rằng 17,4% chất thải điện tử được thu thập và tái chế một cách thích hợp đã ngăn chặn tương đương 15 triệu tấn carbon dioxide được phát tán vào môi trường. Do đó, việc thu gom, tái chế phù hợp với rác thải điện tử là chìa khóa để bảo vệ môi trường khỏi ô nhiễm và biến đổi khí hậu.
Trẻ em đối mặt với nhiều rủi ro từ việc thu nhặt các linh kiện điện tử cũ
Tác động của chất thải điện tử đối với sức khỏe trẻ em
Điều tra của WHO cho thấy, có đến 12,9 triệu phụ nữ đang làm việc trong ngành công nghiệp thu gom và xử lý rác thải điện tử không chính thức, họ có khả năng bị ảnh hưởng những thiết bị điện tử độc hại và đặt những đứa con trong tương lai của họ vào tình trạng nguy hiểm.
Trong khi đó, hơn 18 triệu trẻ em và thanh thiếu niên, một số trẻ 5 tuổi, cũng đang tích cực tham gia vào lĩnh vực này. Trẻ em thường bị cha mẹ hoặc người lớn yếu cầu làm việc trong công đoạn tái chế rác thải điện tử vì bàn tay nhỏ của chúng khéo léo hơn so với người lớn. Những đứa trẻ khác sống, đi học và chơi gần các trung tâm tái chế chất thải điện tử, nơi nồng độ hóa chất độc hại cao, chủ yếu là chì và thủy ngân, có thể bị ảnh hưởng đến các yếu tố thần kinh.
Trẻ em tiếp xúc với rác thải điện tử đặc biệt dễ bị tổn thương bởi các hóa chất độc hại do cơ thể chưa phát triển. Trẻ em dễ hấp thụ nhiều chất gây ô nhiễm hơn so với người lớn và cơ thể chúng ít có khả năng chuyển hóa hoặc diệt trừ các chất độc hại có trong cơ thể.
Với phụ nữ đang mang thai, tiếp xúc với chất thải điện tử độc hại có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi và sự phát triển của đứa trẻ trong phần còn lại của cuộc đời. Những yếu tố bất lợi này tác động trực tiếp đến thần kinh của trẻ em, gây ra các chứng rối loạn tăng động, các vấn đề về hành vi, khó khăn về nhận thức và ngôn ngữ. Cùng với đó là những thay đổi trong chức năng phổi, hô hấp và hô hấp, tổn thương DNA, suy giảm chức năng tuyến giáp và tăng nguy cơ mắc một số bệnh mãn tính sau này trong cuộc sống, chẳng hạn như ung thư và bệnh tim mạch.
Bãi phế liệu điện tử lớn nhất châu Phi ở Ghana vào ngày 23-5-2019. Ảnh: Getty Images.
Các quốc gia cần hành động gấp
Quản lý, xử lý rác thải điện tử không đúng cách làm gia tăng các vấn đề về sức khoẻ cho trẻ em và cộng đồng. Nếu không có các biện pháp từ chính sách cho đến công nghệ xử lý, tác động của nó sẽ có ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến sức khoẻ của trẻ em vàđặt một gánh nặng cho ngành y tế trong những năm tới.
Việc giảm thiểu những tác động nguy hiểm từ rác điện tử cho con người nói chung và cho trẻ em nói riêng được coi là một nhiệm vụ quan trọng đối với các tổ chức toàn cầu như Hiệp hội chất thải rắn quốc tế (ISWA), Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) Tổ chức Y tế thế giới (WHO)... Năm 2018, ITU từng đặt ra mục tiêu đến năm 2023 tăng tái chế rác thải điện tử từ 17% lên 30%. Tuy nhiên, đây là mục tiêu trên thực tế rất khó đạt được.
Kể từ năm 2014, số lượng quốc gia áp dụng những chính sách hoặc quy định về rác thải điện tử chỉ tăng từ 61 lên 78, trong tổng số 193 nước thành viên Liên hợp quốc. Mặc dù đây là một xu hướng tích cực, song điều này vẫn còn xa so với mục tiêu của ITU đặt ra là nâng tỷ lệ các quốc gia có luật về chất thải điện tử lên 50%.
Bên cạnh các hành động mang tầm quốc tế, các doanh nghiệp và mỗi người dân cần được khuyến khích thực hiện những hành động cụ thể để góp phần giảm thiểu lượng rác thải điện tử, cũng như tham gia vào việc xử lý chúng một cách có trách nhiệm để bảo vệ hàng triệu trẻ em, thanh thiếu niên và phụ nữ mang thai trên toàn thế giới khỏi những tác động tiêu cực của rác thải điện tử mang lại.
Các bạn trẻ nhận rác thải điện tử từ người dân. Ảnh Bảo Vy
Tại Việt Nam, việc thu gom các thiết bị điện tử chủ yếu thông qua các cá nhân một cách không chính thức và được tập kết về các làng nghề để tái chế. Các cơ sở tái chế này đều nhỏ lẻ theo mô hình hộ gia đình, hầu hết đều ô nhiễm, không bảo đảm vệ sinh, không cócác thiết bị hiện đại, ảnh hưởng sức khỏe công nhân và môi trường.
Những năm gần đây, việc tuyên truyền nâng cao ý thức về rác thải điện tử đã bắt đầu được quan tâm, đặc biệt là sau khi có Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ. Điển hình là hoạt động tích cực của Chương trình Việt Nam tái chế - chuyên về thu hồi và xử lý, tái chế rác thải điện tử miễn phí do các nhà sản xuất thiết bị điện tử khởi xướng nhằm đạt được tỷ lệ thu hồi tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên và đảm bảo một quy trình xử lý rác thải điện tử chuyên nghiệp đạt tiêu chuẩn theo các quy định của Luật Môi trường.
Là thành viên của WHO, Việt Nam luôn tuân thủ theo các hướng dẫn và khuyến nghị của tổ chức này với những quyết tâm cao nhất hòng ngăn chặn và giảm thiểu những rủi ro từ rác thải điện tử cho trẻ em. Hy vọng những cảnh báo từ WHO và hành động ngày càng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế đối với rác thải điện tử, vấn nạn này sẽ ngày càng được quan tâm hơn cả về mặt chính sách và hành động thực tiễn ở mỗi quốc gia cũng như trên toàn cầu.