Gần 1/3 số trẻ em trên thế giới có lượng chì trong máu ở mức cao
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chì là một trong mười kim loại nặng cần được quan tâm nhất đối với sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ em. WHO cảnh báo gần một triệu người chết mỗi năm do nhiễm độc chì.
Theo kết quả nghiên cứu được công bố ngày 30/7/2020 do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và nhóm bảo vệ môi trường Pure Earth thực hiện, gần 1/3 số trẻ em trên thế giới có lượng chì trong máu ở mức cao có nguy cơ gây ra những tổn hại lâu dài đối với sức khỏe của trẻ em. Theo đó, khoảng 800 triệu trẻ trên toàn cầu có lượng chì trong máu từ 5 mg/dl trở lên - hàm lượng được xem là có nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ, hệ thần kinh và các cơ quan nội tạng quan trọng như tim, phổi.
Các nguồn tiếp xúc với chì ở trẻ em bao gồm chì trong nước từ việc sử dụng ống dẫn nước có chì; chì từ ngành công nghiệp đang hoạt động như khai thác và tái chế pin; sơn và bột màu có chì; xăng pha chì; hàn chì trong thực phẩm đóng hộp và chì có trong gia vị, mỹ phẩm, thuốc bổ, đồ chơi và các sản phẩm tiêu dùng khác. Cha mẹ làm việc liên quan đến chì thường mang bụi bẩn về nhà trên quần áo, tóc, tay và giày, do đó vô tình khiến con họ bị nhiễm độc tố.
Ðặc biệt, mối nguy hiểm tới sức khỏe trẻ em do phơi nhiễm với chì từ đồ chơi đã được nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra. Chì có trong đồ chơi trẻ em sử dụng sơn màu hoặc trong chất liệu nhựa làm đồ chơi. Nhựa càng có màu sặc sỡ thì nguy cơ chứa chì càng cao.
Chì trong nhựa và sơn không nhận biết được bằng mắt thường vì không có mùi. Trẻ nhỏ, nhất là trẻ trong giai đoạn mầm non thường hiếu động, nhiều trẻ có thói quen ngậm, cắn đồ chơi, điều này làm gia tăng nguy cơ ngộ độc chì.
Ngộ độc chì ở trẻ khó phát hiện
Trẻ em dưới 6 tuổi rất dễ bị nhiễm độc chì, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất và tinh thần. Ở mức độ rất cao, ngộ độc chì có thể gây tử vong.
Theo Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), biểu hiện ngộ độc chì ở trẻ em thường rất kín đáo, rất dễ bị bỏ sót, chỉ có thể phát hiện thấy khi khám chuyên khoa kỹ lưỡng và xét nghiệm.
Biểu hiện rõ nhất có thể thấy đó là về thần kinh: Trẻ hôn mê, co giật, có thể tăng kích thích, ngủ lịm từng lúc, liệt, thái độ hành vi kỳ dị, ít chơi, mệt mỏi, khó chịu, vô cảm, mất phối hợp, mất đi các kỹ năng học được, học kém, chậm phát triển tinh thần. Khi trẻ có biểu hiện nặng trên thần kinh trung ương (hôn mê, co giật) thì 25-30% số trẻ này có di chứng (chậm phát triển trí tuệ, co giật, mù, liệt) vĩnh viễn.
Bên cạnh đó là về tiêu hoá: nôn, đau bụng, chán ăn. Biểu hiện thiếu máu.
Những biểu hiện kín đáo, khó nhận biết đó là trẻ chậm phát triển, giảm khả năng nghe, chậm phát triển về thần kinh nhận thức, các hành vi hung hăng, chống đối xã hội, bạo lực, chứng tăng vận động và giảm tập trung.
Phòng ngừa nhiễm độc chì
Chì xâm nhập vào cơ thể bằng nhiều nguồn, vì vậy cần áp dụng các biện pháp sau để giúp bảo vệ trẻ và cả gia đình khỏi nhiễm độc chì:
Rửa tay và vệ sinh đồ chơi: Do trẻ có thói quen dùng tay đưa lên miệng, việc thường xuyên vệ sinh tay cho trẻ là điều rất quan trọng, nhất là sau khi chơi ngoài trời, trước khi ăn và khi đi ngủ. Bên cạnh đó, bố mẹ nên lựa chọn sản phẩm đồ chơi rõ nguồn gốc và vệ sinh chúng thường xuyên.
Làm sạch các bề mặt bụi: Lau sàn nhà và đồ dùng, bệ cửa sổ cũng như các bề mặt bụi bẩn khác bằng khăn ẩm thay vì phủi bụi.
Tháo giày trước khi vào nhà: Hành động đơn giản này sẽ giúp loại trừ tình huống mang bùn đất có lẫn chì vào trong nhà.
Xả nước lạnh: Nếu ngôi nhà đang sống có hệ thống đường ống nước cũ và bạn không chắc chắn việc nước có nhiễm chì hay không, hãy xả nước lạnh trong ít nhất một phút trước khi sử dụng. Không sử dụng nước máy nóng để pha sữa bột hoặc nấu ăn.
Tránh để trẻ chơi trên nền đất: Hãy trồng cỏ hoặc lát nền xi măng hay gạch ở chỗ trẻ hay chơi.
Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn đủ bữa với đa dạng dinh dưỡng có thể giúp cơ thể giảm hấp thụ chì. Trẻ em cần cung cấp đủ canxi, vitamin C và sắt.
Bảo dưỡng nhà cửa: Nếu có dùng sơn chứa chì, hãy thường xuyên kiểm tra những vết sơn bong tróc và khắc phục sự cố kịp thời. Cố gắng không mài mòn những vị trí sơn vì hành động này có thể tạo ra các hạt bụi chứa chì phát tán vào không khí.
Tắm rửa và thay quần áo sau khi làm việc: Nếu cha mẹ làm việc tại các công ty ắc quy chiếu sáng, cửa hàng xăng dầu, đồ gốm, đồ nội thất… hãy tắm rửa và thay quần áo sau khi làm việc.
Nói “Không” với uống thuốc nam không rõ nguồn gốc: Tại Việt Nam, nhiều trẻ em bị ngộ độc chì do sử dụng thuốc cam của thầy lang. Qua xét nghiệm một số mẫu thuốc cam do bệnh nhân mang đến, có mẫu thuốc chứa tới 80% hàm lượng là chì, các mẫu còn lại trung bình từ 20-30% là chì. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo các bậc cha mẹ không nên cho con uống thuốc không rõ nguồn gốc từ các thầy lang.
Tuần lễ Quốc tế Phòng chống Nhiễm độc Chì (ILPPW) là sáng kiến của Liên minh Toàn Cầu về Loại bỏ sơn chì do Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn dắt diễn ra vào tuần thứ 3 của tháng 10 hàng năm. Tuần lễ Quốc tế Phòng chống nhiễm độc chì năm nay nhấn mạnh đến nhu cầu cấp bách cần bảo vệ sức khỏe của trẻ em thông qua hành động loại bỏ việc sử dụng sơn chì.