Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bảo vệ và hỗ trợ kịp thời khi trẻ bị bắt nạt tại trường học

Trẻ thường không nói với cha mẹ về việc chúng bị bắt nạt ở trường học vì cảm thấy xấu hổ hoặc không muốn làm cha mẹ phiền lòng hoặc sợ nói ra không ai tin và giúp đỡ mình.

Một học sinh nữ lớp 8 bị đánh hội đồng ngay trước cổng trường từng gây xôn xao dư luận. Ảnh cắp từ clip

Một học sinh nữ lớp 8 bị đánh hội đồng ngay trước cổng trường từng gây xôn xao dư luận. Ảnh cắp từ clip

Những dấu hiệu trẻ bị bắt nạt tại trường học

Trẻ bị bạo hành ở trường học có nhiều dấu hiệu cảnh báo, cha mẹ có thể dựa vào các dấu hiệu này để nhận biết và bảo vệ, hỗ trợ con kịp thời.

Nếu trẻ đi đến trường bằng một con đường khác, đó có thể là do con đường quen thuộc có kẻ bắt nạt đứng chờ sẵn. Tất nhiên, bạn có thể loại trừ lý do trẻ bị bắt nạt nếu đường cũ đang sửa hoặc do đường mới mở đi nhanh hơn.

Ðiểm số giảm là một trong những biểu hiện thường thấy của trẻ em bị bắt nạt. Tất nhiên, ngoài lý do này thì yêu đương sớm, hoặc chơi với bạn xấu, sa đà vào game online hoặc nhiễm các thói hư tật xấu cũng có thể khiến cho trẻ học hành sa sút. Cha mẹ cần tìm hiểu chính xác nguyên nhân nào dẫn đến việc trẻ học bị kém đi.

Một đứa trẻ vô tư, năng động tham gia vào mọi hoạt động ở trường lớp, gia đình bỗng tự dưng rút lui mà không có một lý do chính đáng nào thì cha mẹ cũng nên để ý tới con hơn.

Bỗng dưng trẻ xin bạn tiền ăn sáng hoặc tiền tiêu vặt nhiều hơn hoặc hay than đói mỗi khi về nhà thì rất có thể trẻ đã phải nhường đồ ăn và khoản tiêu vặt của mình cho những kẻ đầu gấu trong trường.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ði học về trẻ đi thẳng vào nhà vệ sinh. Có hai lý do để trẻ đi học về chạy thẳng vào nhà vệ sinh, một là do nhà vệ sinh ở trường quá bẩn nên trẻ sợ không dám đi, hai là do nhà vệ sinh là nơi không có camera và những kẻ bắt nạt rất ưa thích địa điểm này để hành động nên trẻ không dám bén mảng đến khu vệ sinh dù có “buồn” đến mấy.

Buồn bã, ủ rủ, lo sợ, thậm chí hốt hoảng khi nhận được một tin nhắn hay email thì rất có thể đó là do kẻ bắt nạt đã nhắn tin đe dọa con bạn. Nếu có thể, hãy đề nghị con chia sẻ với bạn về điều khiến con lo lắng, bất an.

Nếu bỗng dưng trẻ thay đổi trong cách nói chuyện, sử dụng những từ ngữ mỉa mai, xúc phạm hoặc hạ thấp người khác, đó có thể là vì trẻ đã phải chịu đựng những điều này ở lớp và trẻ đang muốn “phản kháng” khi ở nhà.

Một số trẻ không thể nói ra nỗi đau đớn, sợ hãi mà mình đang phải chịu đựng, chúng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật như những bức tranh buồn, tăm tối để miêu tả trạng thái bế tắc, đau khổ của mình. Cha mẹ đừng bỏ qua dấu hiệu này.

Ngoài những dấu hiệu trên, nếu bạn thấy con có các biểu hiện như đi học về quần áo bị xé rách, trên người có nhiều vết bầm tím và những vết thương này không nhất quán với lời giải thích của trẻ, trẻ thường xuyên kêu đau đầu, đau bụng, ngủ không ngon giấc, hay gặp ác mộng, dễ xúc động hoặc cáu giận thì gần như chắc chắn trẻ đã bị bạo hành tại trường học.

Nếu cha mẹ không sớm nhận ra các dấu hiệu trẻ bị bắt nạt ở trường học để bảo vệ và hỗ trợ con kịp thời thì việc trẻ phải chịu đựng bị bạo hành (cả thể chất lẫn tinh thần) trong thời gian dài có thể dẫn tới những hành vi tiêu cực như bỏ học, đi bụi, sử dụng các chất gây nghiện, trầm cảm, thậm chí là tự tử.

Bắt nạt học đường có thể khiến trẻ bị tổn thương về cả thể chất lẫn tinh thần, sợ không dám đến lớp học và dễ nảy sinh những suy nghĩ và hành vi tiêu cực. Ảnh minh họa

Bắt nạt học đường có thể khiến trẻ bị tổn thương về cả thể chất lẫn tinh thần, sợ không dám đến lớp học và dễ nảy sinh những suy nghĩ và hành vi tiêu cực. Ảnh minh họa

Những việc cần làm khi phát hiện con bị bắt nạt ở trường học

Nhiều trẻ không thích nói việc mình bị bạn bè bắt nạt với bất kỳ ai, kể cả cha mẹ. Vì vậy, bạn nên nhẹ nhàng hỏi con đã có chuyện gì xảy ra ở trường, bạn nào đã làm con đau, con bị đau ở đâu… Hãy nói cho bố/mẹ biết, bố/mẹ sẽ nghĩ cách giúp con không còn bị khó chịu hay tổn thương.

Mặt khác, bạn cũng có thể hỏi thêm các bạn của con hoặc những người chứng kiện sự việc để hiểu rõ hơn sự tình, từ đó có phương án xử trí đúng đắn, kịp thời.

Nếu việc con bị bắt nạt khá nghiêm trọng, hãy thu thập các chứng cứ và lời của nhân chứng để trao đổi với giáo viên chủ nhiệm/ ban giám hiệu nhà trường. Nếu cần thiết, có thể mời gia đình trẻ bắt nạt con bạn tới để nói chuyện. Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ này cần có đại diện phía nhà trường tham gia. Bạn tuyệt đối không nên gặp riêng gia đình trẻ bắt nạt.

Khi bị bắt nạt tại trường học, trẻ có thể bị tổn thương về cả thể chất lẫn tinh thần, cha mẹ hãy dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc con. Bạn cần đảm bảo con không nghĩ quẩn hay có các hành vi gây hại cho bản thân hoặc đối phương. Khi bị bắt nạt, một số trẻ có thể sẽ nghĩ tới việc trả thù, nhưng đó là việc không nên, nhất là đối với một đứa trẻ. Vì vậy, khi đã xác minh được là con bị bắt nạt tại trường học, bạn có thể bày cho trẻ một số bí kíp để hạn chế việc bị bắt nạt. Nếu việc áp dụng các bí kíp đó không hiệu quả, bạn nên trao đổi sự việc với giáo viên chủ nhiệm và ban giám hiệu. Sau khi nhà trường đã can thiệp mà việc bắt nạt vẫn tiếp diễn thì bạn nên báo cáo lại với nhà trường để họ có biện pháp xử lý mạnh tay hơn nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực học đường. Nếu phía nhà trường vẫn không có biện pháp xử trí thỏa đáng và con bạn vẫn tiếp tục bị bắt nạt, bạn có thể gửi đơn khiếu nại tới chính quyền địa phương để được trợ giúp.

Theo các chuyên gia giáo dục và tâm lý, để bảo vệ con trước vấn nạn bạo lực học đường, cha mẹ hãy thường xuyên trò chuyện cùng con mỗi ngày, hỏi chuyện học hành, bạn bè trên lớp. Nếu trẻ không hợp tác, bạn không được quyền buông xuôi, vẫn phải theo sát con hàng ngày và tìm hiểu qua các kênh thông tin khác nhau như bạn bè, thầy cô của con.