Sáng 6/4, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước đối với Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (Pháp lệnh), đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại phiên họp thứ IX.
Việc ban hành Pháp lệnh là cần thiết
Ngày 30/3/2021, tại Kỳ họp thứ XI, Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống ma túy với nhiều nội dung mới đã khắc phục những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000. Một trong những nội dung mới của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 là quy định về đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Theo quy định tại Ðiều 33 của Luật Phòng, chống ma túy thì người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi thuộc các trường hợp: Người nghiện ma túy không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện; Người nghiện ma túy trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy; Người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện.
Theo quy định tại khoản 4 Ðiều 33 của Luật Phòng, chống ma túy, thẩm quyền quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục này chưa được quy định cụ thể.
Theo quy định tại khoản 5 Ðiều 33 của Luật Phòng, chống ma túy thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Do đó, Pháp lệnh đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, phiên họp thứ IX thông qua ngày 24/3/2022 và có hiệu lực kể từ ngày thông qua.
Phát biểu tại buổi họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước, ông Nguyễn Văn Du, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết, hiện nay tình trạng người chưa thành niên sử dụng trái phép ma túy đang ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, việc cai nghiện tự nguyện lại chưa hiệu quả, nhiều trường hợp không đăng ký cai nghiện tự nguyện hoặc có đăng ký nhưng vi phạm, đặc biệt là người chưa thành niên lang thang, không có nơi cư trú ổn định…
Việc cai nghiện ma túy bắt buộc đối với người chưa thành niên bị bỏ ngỏ trong một thời gian dài, gây ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, để đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên nghiện ma túy, sự ra đời của Pháp lệnh này là nhằm bảo vệ và hỗ trợ người chưa thành niên cai nghiện ma túy, phát triển lành mạnh, góp phần ổn định trật tự xã hội.
Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người nghiện ma túy từ 12 - 18 tuổi
Pháp lệnh Trình tự, thủ tục tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thông qua gồm 5 chương với 48 điều, quy định: Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; Khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị trong việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Pháp lệnh này áp dụng đối với đối tượng có tính chất đặc thù, là người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, nên một trong những nguyên tắc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người nghiện bị đề nghị; bảo đảm thủ tục thân thiện, phù hợp với tâm lý, giới, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người bị đề nghị.
Ðể đảm bảo tốt nhất quyền của người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi bị đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Pháp lệnh có những quy định cho Tòa án và Thẩm phán được tham vấn ý kiến hoặc yêu cầu chuyên gia y tế, tâm lý, giáo dục, xã hội học, đại diện của nhà trường nơi người bị đề nghị học tập, đại diện ủy ban nhân dân cấp xã, đại diện UBMTTQ Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận nơi người bị đề nghị cư trú và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác tham gia các phiên họp trong trường hợp cần làm rõ tình trạng sức khỏe, tâm lý, điều kiện sống, học tập của người bị đề nghị.
Về đảm bảo tính thân thiện của phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, phiên họp được tổ chức trực tiếp hoặc trực tuyến. Ðồng thời, phiên họp phải đáp ứng các yêu cầu như được tổ chức thân thiện, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị; phòng họp được bố trí thân thiện, an toàn; thẩm phán được phân công tiến hành phiên họp phải là người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm giải quyết các vụ việc liên quan đến người dưới 18 tuổi hoặc có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi.
Tại phiên họp, Thẩm phán mặc trang phục hành chính của Tòa án nhân dân. Trong phiên họp, cha mẹ hoặc người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị hỗ trợ người bị đề nghị; việc hỏi người bị đề nghị phải phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển, trình độ văn hóa và hiểu biết của họ. Câu hỏi cần ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu, không hỏi nhiều vấn đề cùng một lúc.
Với mục đích đảm bảo quyền được học tập cho người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, Pháp lệnh quy định người phải chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nhưng chưa đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được hoãn chấp hành quyết định trong trường hợp họ đủ điều kiện và đã đăng ký tham dự hoặc đang tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc phải tham gia thi tốt nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và được cơ sở giáo dục nơi họ học tập xác nhận.