Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bắt giữ nữ doanh nhân lừa đảo, chiếm đoạt hơn 1.200 tỷ đồng

Cơ quan Công an xác định bà Hạnh đã huy động vốn của nhiều bị hại, một phần để xoay vòng trả lãi cho nhà đầu tư, phần còn lại thì nữ doanh nhân này chiếm đoạt.

 Ngày 10/11, Công an quận Cầu Giấy, TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Phạm Mỹ Hạnh (43 tuổi, trú quận Cầu Giấy), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Bị can Phạm Mỹ Hạnh khi chưa bị khởi tố

Bị can Phạm Mỹ Hạnh khi chưa bị khởi tố

Theo tài liệu điều tra, tháng 8/2017, Công ty cổ phần tập đoàn Mỹ Hạnh được thành lập, bị can Phạm Thị Mỹ Hạnh giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty. Theo đó, từ khi thành lập công ty đến tháng 11/2022, bị can Phạm Thị Mỹ Hạnh đã có hành vi đưa thông tin không đúng sự thật về việc công ty có dự án đầu tư trồng cây sâm Ngọc Linh tại một số tỉnh trên cả nước, mang lại lợi nhuận cao.

Bằng thủ đoạn nêu trên, Hạnh đã huy động vốn của nhiều cá nhân với tổng số tiền lên tới hơn 1.264 tỉ đồng. Để các nhà đầu tư tin tưởng, Hạnh đã sử dụng một phần tiền huy động được để trả lãi cho họ, số tiền còn lại thì nữ bị can chiếm đoạt.

Quá trình điều tra vụ án, cơ quan Công an đã khám xét nơi ở, nơi làm việc và thu giữ nhiều tài liệu, tang vật có liên quan đến công tác điều tra.

Trứơc đó, nhiều người dân kéo đến trụ sở Công ty Cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp khi góp vốn đầu tư vào dự án trồng sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam và Kon Tum của Công ty này. Thậm chí, một số người dân còn viết đơn tố giác gửi Công an quận Cầu Giấy vào cuộc điều tra làm rõ về việc Công ty Cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua quảng cáo, giới thiệu đang đầu tư dự án trồng cây sâm Ngọc Linh tại tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, sau đó huy động người dân góp vốn.

Để phục vụ công tác nắm tình hình, phòng ngừa vi phạm pháp luật trong hoạt động của công ty nêu trên, Công an quận Cầu Giấy đã có công văn gửi UBND huyện Kon Plông (Kon Tum) đề nghị cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến thủ tục pháp lý, hoạt động trồng, sản xuất các sản phẩm sâm Ngọc Linh của Công ty Cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh, cũng như của Hợp tác xã nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông do bà Phạm Thị Mỹ Hạnh là người đại diện.

Trong công văn trả lời của UBND huyện Kon Plông khẳng định: Hiện nay, việc trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Kon Tum chỉ thực hiện tại các xã được cấp chỉ dẫn địa lý thuộc hai huyện là Tu Mơ Rông và Đăk Glei. Tại huyện Kon Plông chưa triển khai trồng sâm Ngọc Linh và Dự án Nông trại hữu cơ Tuyết Sơn của Hợp tác xã nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông do bà Phạm Thị Mỹ Hạnh là người đại diện không có nội dung đầu tư trồng sâm Ngọc Linh.