Cách đây hơn nửa năm, Thanh Nga (27 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP.HCM) đã có khoảng thời gian vật lộn để "cai nghiện" điện thoại cho con trai gần 3 tuổi, khi cậu bé liên tục quấy khóc đòi xem clip TikTok, YouTube.
“Vấn đề xuất phát từ sai lầm của tôi”, chị nói với Zing. Khi bé hơn một tuổi, Thanh Nga bắt đầu cho con xem các clip trên YouTube, sau đó là TikTok, để rảnh tay khi một mình nấu ăn hay làm việc nhà.
“Lúc đó, chỉ cần có điện thoại trước mặt, bé ngồi im để xem cả tiếng. Khi đón con từ nhà trẻ về vào buổi chiều, tôi sẽ để bé ngồi xem khoảng 1 tiếng trong lúc nấu nướng, và khi cho con ăn. Bản thân tôi cũng rất thích lướt video vui nhộn trên TikTok nên không nghĩ có vấn đề gì”, chị kể.
Thế nhưng, dần dần người mẹ nhận thấy vấn đề lớn khi con chỉ chịu ăn khi được xem clip, khóc lớn ăn vạ mỗi khi bị lấy lại điện thoại.
Không riêng chị Nga, nhiều phụ huynh cũng gặp khó khăn trong việc kiểm soát con nhỏ xem video trên mạng xã hội. Không ít bậc cha mẹ thừa nhận bản thân cũng bị “cuốn” vào các nền tảng này, hay xem video để giải trí, nên rất khó để làm gương cho con.
Trong buổi họp báo chiều 6/4, đại diện Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), thuộc Bộ Thông tin & Truyền thông đã chia sẻ chi tiết những vi phạm của TikTok tại Việt Nam, trong đó bao gồm chứa nội dung nhảm nhí, độc hại, thậm chí gây nguy hiểm với trẻ em.
Bởi vậy, sự kiểm soát và hướng dẫn của cha mẹ đóng vai trò quan trọng giúp các em nhỏ không bị ảnh hưởng bởi nội dung xấu.
Trốn con xem điện thoại
Chị Nga nói rằng rất khó để “cai nghiện” cho con, bởi mỗi khi thấy bố mẹ cầm điện thoại, bé lại khóc lóc để đòi xem cho bằng được. Đỉnh điểm, có lúc bé khóc hơn 30 phút tới mức mệt lả.
Cuối cùng, chị chọn cách hạn chế thời gian xem từ từ, và chỉ cho con xem những clip đã tải xuống điện thoại với nội dung phù hợp.
“Tôi phải thống nhất với chồng là trước mặt con không được cầm điện thoại, nhất là vào giờ ăn. Nếu cần nhắn tin hay gọi điện thì tránh đi chỗ khác. Hai vợ chồng thường tranh thủ xem video để giải trí sau khi con đã ngủ”, chị cho biết.
Hồng Ngọc (sinh năm 1996, Quảng Ninh) thừa nhận có thời gian bản thân dành 1-2 tiếng xem TikTok mỗi ngày “khi rảnh rỗi, cầm điện thoại không biết làm gì”.
Bà mẹ hai con, một bé 5 tuổi và một bé 2 tuổi, nhận xét một số clip trên nền tảng này khá hữu ích, hấp dẫn song cũng có nhiều clip nhảm, không giá trị. Vì vậy, cô thường chỉ xem các nội dung giải trí, giáo dục con nhỏ hay chăm sóc da và chọn lọc áp dụng vào cuộc sống thường ngày.
Dù bản thân thường xuyên xem TikTok, Ngọc cho biết cô không muốn hai con tiếp xúc với ứng dụng này hay dùng để dỗ dành các bé như nhiều phụ huynh khác. Cô từng thấy nền tảng này lan truyền nhiều đoạn video phản cảm, nói tục hay thậm chí bạo lực và lo ngại con có thể học theo nếu bắt gặp.
Tuy nhiên, cô cũng thừa nhận không loại trừ khả năng bị các con bắt gặp lúc đang xem clip TikTok. Con có thể tò mò, đòi xem chung. Khi đó, khó để cô giải thích cho con hiểu tác hại của những clip “nhìn có vẻ vui nhộn, hút mắt” ấy.
“Các bé giờ rất lanh, bé nhà tôi từng có lần thắc mắc về món ăn vợ chồng tôi được dùng, còn bé lại không”.
Để tránh khả năng đó, Ngọc chỉ xem vào tầm giờ trưa, khi rảnh rang và các con đã ngủ. Ngoài ra, cô thống nhất với các thành viên trong gia đình không nịnh, dỗ con bằng ứng dụng này hay để các bé phát hiện, xem chung.
Nếu muốn giải trí, buổi sáng, hai con của Ngọc chỉ được xem một số video trên YouTube Kids trong thời gian nửa tiếng. Các clip cũng được chiếu trên màn hình tivi để người lớn tiện theo dõi, kiểm soát.
Tương tự, Ngọc Dung (25 tuổi, TP.HCM), đang sống cùng nhà với vợ chồng anh trai, cũng phải “lén” dùng điện thoại vì không muốn ảnh hưởng đến cháu nhỏ 5 tuổi. Dung cho hay bản thân rất hay xem TikTok vì nhiều trend, tính giải trí cao.
“Ngày trước, tôi không xem nhưng vì bạn bè ai cũng ‘đu trend’ nên tôi tải TikTok để không bị lạc lõng. Bây giờ, nhiều khi tôi vô thức bật ứng dụng lên rồi lướt cả tiếng đồng hồ không chán, khi thoát ra lại chẳng nhớ mình vừa xem những gì. Thú thực, tôi thấy mình cũng nghiện xem”, Dung nói.