Ngay lập tức, những địa điểm quen thuộc này đã được “thay áo mới”, trở thành địa điểm check-in mới thu hút sự quan tâm và khám phá của giới trẻ.
Với công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR - Augmented Reality), những loài động vật hoang dã như hổ, voi, tê tê hay tê giác đều trở nên sống động và gần gũi hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, đây cũng là 4 loài động vật bị săn bắt, buôn bán, tiêu thụ trái phép điển hình nhất tại Việt Nam vì những những lời đồn vô căn cứ về tác dụng y học cũng như niềm tin mù quáng của con người vào các sản phẩm từ ĐVHD.
Việt Nam đã mất con tê giác cuối cùng ngoài tự nhiên vào năm 2010 tại vườn quốc gia Cát Tiên, chấm dứt mọi nỗ lực bảo tồn của các tổ chức và cơ quan liên quan suốt rất nhiều năm.
Với loài voi, “trong khoảng gần hơn 30 năm trở lại đây, số lượng voi Việt Nam nói chung và voi Tây Nguyên suy giảm nhanh theo từng năm. Những năm 1990, ước tính số voi hoang dã của Việt Nam còn khoảng 1.500 - 2000 cá thể (Anh, N. Q. H. và Lê Quốc Thiện, 2019). Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam chỉ còn khoảng 124 đến 148 cá thể voi hoang dã..” (Theo báo cáo “Voi Tây Nguyên: Quần thể suy giảm đe dọa sự tồn vong” thuộc Trung tâm Con người và Thiên nhiên - PanNature).
Theo các báo cáo và bẫy ảnh tại các khu bảo tồn hàng chục năm nay, Việt Nam chưa ghi nhận dấu hiệu nào còn hổ trong tự nhiên. Được biết, bức ảnh cuối cùng chụp được hổ trong tự nhiên ở Việt Nam là từ năm 1998. Trước đó 1 - 2 tuần, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) nhận được thông tin một người dân trình báo về việc gặp hổ tự nhiên khi đi sâu vào rừng ở Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là thông tin từ lời của người dân đó chứ vẫn chưa có bằng chứng và hình ảnh xác thực.
Số lượng tê tê trong tự nhiên ở Việt Nam đã suy giảm 80 - 90% trong 3 thập kỷ gần đây. Chỉ riêng trong năm 2019, ENV đã ghi nhận gần 17 tấn tê tê đông lạnh và vảy tê tê bị bắt giữ tại cảng Hải Phòng.
Giờ đây, với chiến dịch “Bring them back”, chỉ với vài thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh, chúng ta có thể chiêm ngưỡng những chú tê tê cuộn tròn lăn ra từ bụi cây, chú hổ dũng mãnh nhưng đơn độc, mẹ con nhà voi to lớn hay một lần nữa gặp lại loài tê giác đã tuyệt chủng tại Việt Nam. Nhờ công nghệ AR, thế giới trong tranh với những loài ĐVHD sẽ hiện ra trước mắt với những chuyển động sống động.
Với thông điệp “Hãy để Trái đất này là ngôi nhà chung của muôn loài, để thế hệ sau không chỉ có thể nhìn thấy các loài ĐVHD qua AR, mà được chiêm ngưỡng những vẻ đẹp của tạo hóa trong tự nhiên”, những tác phẩm thuộc dự án “Bring them back” hy vọng mọi người, đặc biệt là giới trẻ có thêm thông tin bổ ích, và vừa tiếp cận được công nghệ mới, vừa lan toả được ý nghĩa việc bảo vệ ĐVHD.
“Bring them back” (Tên tiếng Việt: Đường về hoang dã) là dự án nghệ thuật đường phố được thực hiện trên các bức tường có kích thước lớn kết hợp công nghệ AR. Việt Nam là nước thứ 2 được tổ chức WildAid chọn để thực hiện dự án thú vị này. Với công nghệ AR, khi người xem dùng những chiếc điện thoại thông minh quét mã QR trên tranh sẽ nhìn thấy các loài ĐVHD từ các bức tranh tường “bước ra" một cách sống động. Thông qua hình thức truyền thông có tính tương tác cao này, dự án hướng đến khơi dậy và nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên hoang dã, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của các loài ĐVHD đối với hệ sinh thái.
Để biết thêm thông tin chi tiết cũng tham gia các hoạt động hấp dẫn, trò chơi bổ ích, mọi người có thể truy cập vào website https://bringthemback.org.vn. Trang website cũng cung cấp số điện thoại đường dây nóng và biểu mẫu trực tuyến cho phép người dùng báo cáo các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ĐVHD.