Nhiều “khóa học chữa lành” quảng cáo nhan nhản trên mạng xã hội đang có dấu hiệu trục lợi, lừa đảo với những chiêu thức khác nhau.
Muôn kiểu “chữa lành”
T., sinh viên một trường đại học ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) có 2 năm liên tục thuộc top sinh viên giỏi nhất khoa. Năm học thứ 3, cô trượt học bổng nên cảm thấy "cuộc đời lao dốc" và quyết định đi… chữa lành.
Theo 4 khóa “chữa lành”, cả trực tiếp lẫn trực tuyến, tốn khoảng 35 triệu đồng, nhưng cái kết khiến cô bất ngờ. Đi chữa lành nhưng "chữa" hoài vẫn không "lành". Trớ trêu hơn, học kỳ gần nhất, không những trượt học bổng mà T. còn phải thi lại 2 môn.
"Chữa lành" là sự xoa dịu, chuyển hóa cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực, bất an, cảm giác bị tổn thương để trở về trạng thái an yên, mãn nguyện, từ đó giúp mỗi người tiếp tục tìm được những niềm vui, ý nghĩa, sống lạc quan hơn.
Tuy nhiên, khái niệm "chữa lành" đang gây nhiều tranh cãi khi là cơ hội kiếm tiền của nhiều người. Không ít cá nhân, tổ chức lợi dụng sự bất ổn về tâm lý, nỗi đau trong tâm hồn của nhiều người để lôi kéo, dụ dỗ bán những “khóa học chữa lành" với giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.
Xuất phát từ các vấn đề của bản thân khá trầm trọng nên nhiều người cho biết sẵn sàng chấp nhận tốn kém miễn sao có kết quả. Tuy nhiên, không ít người bày tỏ sự thất vọng và bức xúc vì nội dung mà các “chuyên gia” rao giảng trên lớp chỉ là kiến thức chắp nhặt, mâu thuẫn, phản khoa học khiến người học càng nghe càng mông lung, hỗn loạn.
Nhiều lớp học “chữa lành” thực chất là bán hàng đa cấp trá hình. Tại đó, các “chuyên gia” tích cực mời chào học viên mua “vật phẩm chữa lành”, “thực phẩm chữa lành” không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Đáng lo ngại, đã xuất hiện “khóa học chữa lành tự kỷ” dành cho trẻ em - vấn đề mà hiện chưa có bất kỳ tổ chức, cá nhân hay đơn vị, hiệp hội tâm lý, tâm thần nào khẳng định trẻ tự kỷ hoàn toàn có thể trở lại bình thường.
Do vậy, các “khóa học chữa lành” cho nhóm đối tượng này là điều không thể. Nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà, tác giả cuốn sách “Đánh thức ban mai” viết về trẻ tự kỷ, về trải nghiệm của một người mẹ có con tự kỷ từng bức xúc trước những lời quảng cáo vô tâm về chữa lành: “Không một chuyên gia nào trong lĩnh vực này hay trung tâm can thiệp nào liên quan đến hội chứng rối loạn phát triển lan tỏa phổ tự kỷ có khả năng điều trị khỏi cho con. Mọi lời quảng cáo “chữa lành” là lừa đảo, thậm chí là tội ác!”.
Không quản lý sẽ gây nhiều hệ lụy
Theo TS Nguyễn Ngọc Mai, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, khi đời sống vật chất quá dư thừa, thậm chí dư thừa đến mức khủng hoảng, cuộc sống hàm chứa nhiều nguy cơ với những căn bệnh về tinh thần hiển hiện rất rõ trong đời sống hiện đại như stress, trầm cảm, tổn thương... thì sẽ nảy sinh nhu cầu cần được giải tỏa, “chữa lành”.
Duới góc độ tâm lý học, TS Trần Thu Hương, Chủ nhiệm bộ môn Tâm lý học xã hội, Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, “chữa lành” chính là hoạt động trợ giúp tâm lý, trong đó nhà tham vấn tâm lý với sự hiểu biết sâu sắc về các hệ thống lý thuyết cùng các kỹ thuật tham vấn, trị liệu sẽ tiến hành hoạt động hỗ trợ giúp cho người có những vấn đề khó khăn và nan giải tìm được sự cân bằng trong cuộc sống và công việc.
Tất cả mọi người ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời đều có thể cần đến sự trợ giúp tâm lý. “Âm nhạc chữa lành”; “Hội họa chữa lành”; “Phim ảnh chữa lành”; “Du lịch chữa lành”… là những hình thức trị liệu tâm lý giúp cho những người có tổn thương, ẩn ức, đau khổ, mất cân bằng giải tỏa được những cảm xúc tiêu cực, tìm thấy lại niềm vui, động lực, cảm hứng để sống, làm việc và cống hiến.
Theo TS Trần Thu Hương, trong đời sống cá nhân, bản thân mỗi người đều có khả năng tự chữa lành cho chính mình. Thực tế, đã xuất hiện những chuyên gia “chữa lành” tự phong, họ nhận hỗ trợ cho người khác bằng chính những kinh nghiệm, trải nghiệm mà họ có được sau khi đã tự vượt qua những giai đoạn khó khăn, bất ổn về tâm lý của bản thân.
Chính họ tự mang kinh nghiệm của mình để thực hiện "sứ mệnh chữa lành" cho người khác. Tuy nhiên, khi đã sử dụng những kinh nghiệm của cá nhân để áp dụng cho người khác cần phải hết sức thận trọng, không nên coi nó là độc tôn, duy nhất, hiệu quả nhất trong quá trình “chữa lành”.
TS Trần Thu Hương cũng cho rằng, đang xuất hiện tình trạng thương mại hóa dịch vụ “chữa lành” khi ngày càng nhiều người quan tâm đến các vấn đề, sức khỏe tâm thần.
Hoạt động “chữa lành” là một trong những kỹ thuật đã được ứng dụng trong tâm lý học lâm sàng và phải được thực hiện bởi những người được đào tạo, có bằng cấp chuyên môn và cần tuân thủ đạo đức hành nghề. Lĩnh vực này cần có sự quản lý về pháp luật.
Liên quan đến các dịch vụ “chữa lành” nở rộ hiện nay, TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, “chữa lành” không phải là phương pháp chữa bệnh vì nó không phải là bệnh.
Người có dấu hiệu bệnh tâm thần hoặc rối loạn tâm thần phải do các bác sĩ chuyên khoa, thầy thuốc có chứng chỉ hành nghề khám, chẩn đoán và điều trị bằng dùng thuốc hoặc không dùng thuốc.
Hiện nở rộ các lớp “chữa lành”, thậm chí có người mạo nhận là chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm lý, thu tiền giá cao. “Chữa lành” không còn đơn lẻ nữa mà trở thành trào lưu, nếu tiếp tục để tự phát nở rộ mà không có biện pháp quản lý sẽ gây ảnh hưởng và hệ lụy nhiều người.
Đức Thọ