Muốn bao nhiêu cũng có
Ông Trần Văn Hải ở khu đô thị mới Phước Long (TP. Nha Trang, Khánh Hòa) mua gần 50 lít mật ong rừng về phân phối cho họ hàng. Sau khi dùng được 5 ngày, một số người đều có chung triệu trứng đau bụng và váng đầu. “Nghe nói trên tỉnh Kon Tum mật ong kiếm từ rừng bên Lào về nhiều, chất lượng tốt, giá lại rẻ nên tôi khăn gói lên đó gần một tuần để mua, giá mỗi lít mật là 200.000 đồng...”-ông Hải kể.
Theo lời ông Hải và một số nạn nhân mua phải mật ong rởm, chúng tôi tìm đến đường Hùng Vương(TP. Kon Tum), thấy rất nhiều người bày bán mật ong rừng. Cầm trên tay một chai mật 650ml có màu nâu sẫm, bà Linh-một người bán, quảng cáo: “Mật ong rừng xịn đấy, khách khắp nơi đổ về mua nườm nượp, có khi cạn hàng không có để mà bán. Loại này làm quà biếu là tốt nhất, lấy nhiều chị sẽ để cho giá hữu nghị”.
Nói rồi, bà Linh nháy mắt, tỉ tê: “Nhà tôi chuyên mua của các thợ săn ong rừng từ biên giới tiếp giáp với Lào mang về bán, thích loại mật gì cũng có”. Tiếp xúc một số người bán mật ong ở đường Trần Phú (TP.Kon Tum), họ đều khẳng định: “ Muốn mua bao nhiêu cũng có cả. Chỉ cần đặt hàng với mấy người dân tộc vào rừng săn, là có thể có hàng trăm lít ngay...”
Mật ong rừng giả có màu nhạt, được làm từ đường hóa học và hương liệu công nghiệp.
Những người bán mật ong rừng này bảo, sau khi những người dân tộc đi lấy mật về, họ đến tận nơi để thu mua, giá rất rẻ và đều là hàng thật cả(???). Tuy nhiên, một số chủ cửa hàng bán mật ong lớn ở TP. Kon Tum cho biết, để kiếm được chục lít mật ong rừng nguyên chất không dễ, và không phải lúc nào, thợ lấy mật đi rừng cũng có thể kiếm được, thì lấy đâu cả trăm lít sẵn có?.
Bí quyết “chế” mật ong rừng
Ông Đặng Đức Thuận, hộ nhiều năm kinh doanh mật ong rừng ở TP. Kon Tum bật mí cho biết: “Hầu hết các tụ điểm bán nhỏ lẻ và trưng bảng đó chưa chắc đã phải là mật ong thật đâu”. Mang một chai một ong vừa mua từ đường Trần Phú đưa cho ông Thuận xem, vừa liếc qua ông chỉ ngay rằng đó chỉ là “đường hóa học và một số thủ thuật để ngụy trang”, hoàn toàn không phải là mật ong rừng.
Theo lời ông Thuận, để ngụy trang cho hỗn hợp “nước đường trở thành mật ong thứ thiệt” thì sau khi đun nước đường hóa học lên để nguội, rót vào chai, cho một ít sáp ong thật lên cổ chai và đổ thêm vài giọt mật lên thành chai để chai mật có mùi thơm đặc trưng của mật ong.
Mùi thơm của hương mật ong, cộng với màu vàng trong của hỗn hợp nước đường và một chiếc nút lá chuối, biến chai nước đường thành chai mật ong rừng xịn 100%???. Chỉ với vài cân đường có giá chưa đầy 50.000 đồng, đã có thể làm ra 2 lít mật ong hảo hạng, bán giá vài trăm nghìn đồng.
Đây chính là chiêu làm mật ong rừng giả mà hàng loạt tụ điểm bán dạo ở TP. Kon Tum và TP. Buôn Ma Thuột(tỉnh Đắk Lắk) vẫn làm. Tinh vi hơn, một số người còn mua loại hương liệu công nghiệp bỏ vào chai, người bình thường khó phát hiện đâu là mật ong thật, đâu là giả.
Mật ong thật có màu xậm hơn.
Để chứng minh cho chúng tôi hiểu qui trình, ông Thuận để chai mật ong giả cạnh những chai mật ong rừng thật để so sánh, hai chai có màu sắc giống nhau đến 99%. Nếu chỉ dùng phương pháp kiểm tra thông thường bằng mắt và mũi thì khó mà phân biệt được đâu là thật đâu là giả. “ Chỉ có dân trong nghề kinh doanh như chúng tôi mới có thể nhận biết. Còn nhiều khách sập bẫy vì cả tin, ham rẻ…”-ông Thuận bộc bạch.
Theo nhiều chủ cửa hàng chuyên kinh doanh mật ông ở TP. Kon Tum, nếu là mật ong rừng ngon thì 1 lít có thể cho tới 1,6kg mật. Mật ong có nhiều dạng, mật vải, mật cà phê, mật cao su, mật tràm. Với mật ong rừng tự nhiên, có giá đắt gấp đôi và tùy vào chất lượng, mùa hoa cây ăn trái nữa. Hiện nay ngay trên địa bàn tỉnh này cũng khó kiếm, nói mua số lượng bao nhiêu cũng có bán, chỉ toàn đồ giả, đồ nhái.
Người dân tộc đi săn mật ong rừng tự nhiên.
Cảnh báo tác hại từ mật ong giả
Bà Lê Thị Thiều ở Phước Hải(TP. Nha Trang) sau khi dùng mật ong rừng mua ở Kon Tum mang về được một tuần thì đầu choáng và và bụng đau âm ỷ nên không dám dùng nữa.
Bà kể, ở Nha Trang cũng có bán nhiều mật ong, nhưng vì muốn sử dụng mật ong rừng thật, bà đã nghe theo nhiều người giới thiệu lên Kon Tum mua, hóa ra vớ phải mật ong giả. “Khi tôi mang một lít mật mua ở Kon Tum về đưa các bác sỹ từ Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa đem phân tích, hóa toàn là đường hóa học nấu dẫn đến tôi sử dụng và bị ngộ độc thực phẩm…”-bà Thiều bức xúc.
Theo bác sỹ đông y Trần Văn Đức (Hội Đông y tỉnh Khánh Hòa), mật ong là loại thực phẩm bổ dưỡng, nhưng nếu vô tình mua và sử dụng phải mật ong giả thì bổ đâu chưa thấy mà nguy cơ mắc bệnh tăng cân, gây béo phì và mất cân bằng hệ tiêu hóa.
Các tác hại hay gặp nhất là đường ruột, nếu dùng lâu ngày thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng chưa kể một số hương liệu công nghiệp pha vào mật ong có thể nguy hại cho hệ thần kinh. Những loại mật ong giả có lẫn tạp chất, hóa chất tạo màu, tạo mùi có thể tạo thành hợp chất cực độc cho sức khỏe người dùng.
Nhiều người dân ở tỉnh Kon Tum cho biết kinh nghiệm, để tránh mua phải đồ giả, phải tìm đúng mật ong rừng của người dân tộc đi rừng mang về, nhưng với cách này rất khó gặp. Còn để chắc chắn, nên tìm mua ở các cửa hàng uy tín có địa chỉ rõ ràng, khi xảy ra sự cố còn có thể khiếu nại.