Thưa ông, khi một ĐBQH bị khởi tố hình sự nhưng chưa có bản án có hiệu lực pháp luật thì Quốc hội sẽ xem xét, xử lý như thế nào?
Luật Tổ chức Quốc hội quy định, trong trường hợp ĐBQH phạm tội mà xét xử có án, thì đương nhiên không cần thủ tục bãi nhiệm, coi như mất tư cách ĐBQH. Trường hợp ĐBQH Châu Thị Thu Nga rơi vào điều khoản không còn đủ tín nhiệm với nhân dân, với cử tri. Kiểm điểm của chị Nga cũng đã thừa nhận, đặc biệt là kết quả của thanh tra của Thanh tra TP. Hà Nội, thì như vậy là không đủ uy tín. Một doanh nhân là ĐBQH càng phải gương mẫu, chứ không thể lợi dụng danh nghĩa ĐBQH. Các cử tri, người bị hại gửi đơn đến tôi có nói, do chúng tôi tin tưởng người đã được tổ chức lựa chọn, trở thành ĐBQH, nên chúng tôi mới trao gửi tài sản với hy vọng có nhà để ở, nay lại mất trắng. Đây là điều đáng buồn, không ai muốn. Nhưng nay đã đủ điều kiện để xem xét miễn nhiệm nên Quốc hội mới phải thực hiện sớm, nếu không cử tri vẫn nghĩ đó là ĐBQH…
ĐBQH Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Quốc hội
Cử tri băn khoăn, quá trình bầu ĐBQH rất công khai, nhưng tại sao quy trình bỏ phiếu bãi nhiệm lại phải họp riêng, không để cử tri thấy như khi bầu lên?
Thực ra, đây là việc phải cân nhắc. Kết quả sẽ công bố công khai. Như trường hợp của chị Hoàng Yến, không phải đơn giản. Nếu được làm sớm hơn sẽ tốt hơn, nhưng cứ cân nhắc đi cân nhắc lại. Nói thực là quy trình miễn nhiệm cũng phải được trao đổi riêng trước để đạt được kết quả, nếu không, có thể có những suy nghĩa khác, tự nhiện kết quả đó sẽ thành phản cảm với người nhân dân và cử tri. Bởi có thể còn có những ý kiến khác nhau khi thảo luận. Gọi là họp riêng, nếu chưa đạt thì phải giới thiệu lại, phân tích lại cho đúng.
Tại sao vụ việc của ĐBQH Nga kéo dài mấy năm trời đến giờ mới được đưa ra?
Đúng là đoàn ĐBQH TP Hà Nội và nhiều ĐBQH khác nhận được đơn về chị Nga từ năm 2013. Đoàn ĐBQH TP Hà Nội sau khi nhận được đơn cũng đã mời đại biểu Nga đến nhiều lần để giải trình. Tại các buổi làm việc, chị Nga thừa nhận, nhưng cho biết đang cố gắng triển khai và hứa với người nộp tiền, với cơ quan có trách nhiệm rằng đến cuối năm 2014, nếu không triển khai được thì sẽ trả lại hết vốn đóng góp theo lãi suất ngân hàng. Thậm chí chị Nga còn hứa đến năm 2015, sẽ có nhà. Nên chưa xử lý ngay. Nhưng cho đến lúc TP. Hà Nội tiến hành thanh tra, và cơ quan điều tra vào cuộc, thấy rằng mất khả năng thanh toán, không thể thực hiện được, có dấu hiệu lẩn tránh, nên lúc đó mới đặt ra vấn đề xử lý.
Tại kỳ họp thứ 9 lần này Quốc hội sẽ xem xét bãi nhiệm chức danh ĐBQH của bà Châu Thị Thu Nga
Bài học từ hai đại biểu Châu Thị Thu Nga và Đặng Thị Hoàng Yến đặt ra vấn đề gì cho quy trình bầu cử của Quốc hội, thưa ông?
Rõ ràng đây là vấn đề để Quốc hội phải hết sức thận trọng khi lựa chọn các ứng viên. Như trường hợp của chị Nga, trong quá trình vận động bầu cử cũng đã có phản ánh về những biểu hiện hơi lạm dụng, không bình đẳng như các đại biểu khác. Rồi cả hai đại biểu nữ này đều có phản ánh là thiếu trung thực trong khai lý lịch. Cụ thể, trong lý lịch ứng cử, chị Nga là tiến sỹ nhưng khi chưa được cấp bằng tiến sỹ. Mặc dù đây cũng chỉ là điều nhỏ nhưng cũng là vấn đề cần rút kinh nghiệm và cho thấy, trong giai đoạn xem xét, lựa chọn, đề cử chưa thật kỹ lắm. Nếu ngay từ đầu, thấy rằng có biểu hiện không trung thực, gạt ra luôn thì sẽ ngăn chặn những việc sau này.
Vậy là việc kiểm tra tư cách ĐBQH cũng còn bất cập?
Đúng vậy, chưa thật kỹ. Nếu có nương nhẹ, hoặc bỏ qua, thì cần phải rút kinh nghiệm. Muốn nâng cao chất lượng Đại biểu phải coi trọng vấn đề tiêu chuẩn, nhưng tiêu chuẩn định tính chung chung thì dễ, còn định lượng cụ thể là rất khó để xem xét. Nếu không có chuyện này xảy ra, thì hồ sơ của chị Nga là rất đẹp, hàng chục chức danh, hoành tráng. Đây cũng là trách nhiệm của cơ quan xác minh lý lịch, phẩm chất dạo đức, phải làm kỹ.
Liệu quy trình hiệp thương có vấn đề hay không khi mà vấn đề đại biểu Yến và Nga đã được báo chí nêu trước đây rất nhiều, nhưng cuối cùng quá trình hiệp thương lại không xem xét?
Đây đúng là vấn đề phải rút kinh nghiệm, những vấn đề đã được nêu ra, phải được chú ý và xem xét kỹ lưỡng.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Ngày 7/1/2015,cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an thực hiện lệnh tạm giam đối với bà Châu Thị Thu Nga, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất - Housing Group) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi triển khai dự án nhà chung cư - biệt thự B5 Cầu Diễn. Là đại diện của Housing Group, bà bị nhiều người tố cáo đã nhận tiền mua nhà của khách hàng từ năm 2009, cam kết dự án sẽ hoàn thành vào 2015 nhưng hiện đây chỉ là khu chung cư "trên giấy", lô đất vẫn bỏ hoang. Theo nhà chức trách, dự án này chưa được cấp phép nhưng bà Nga đã thu tiền. Khách hàng đòi lại tiền mua nhà nhưng bà không thanh toán. Tổng số tiền bà nhận được từ việc “bán nhà trên giấy” cho là khoảng 300 tỷ đồng. Bà Nga là đại biểu Quốc hội khoá XIII; đại biểu HĐND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2011-2016. |