Bệnh nhi là con gái của sản phụ P.T.T. (thường trú tại TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) có tiền sử đẻ mổ, vỡ ối non, thai 36 tuần. Sau sinh, bệnh nhi khóc yếu, tím tái, được hồi sức tại phòng mổ, thở oxy chuyển chăm sóc tích cực tại Khoa Sơ sinh với chẩn đoán suy hô hấp, theo dõi tắc ruột bẩm sinh từ tuần thứ 30 thai kỳ, sơ sinh non tháng.
Các kết quả cận lâm sàng cho thấy bệnh nhi có các quai ruột hẹp, thành tăng âm, đoạn dài khoảng 110mm giãn căng, đường kính lớn nhất 48mm, trong lòng chứa nhiều dịch.
Sau khi hội chẩn chuyên khoa, các bác sĩ đã quyết định mổ cấp cứu để thông suốt chỗ ruột tắc, tránh để xoắn hay hoại tử ruột, nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân diễn biến nhanh.
Mặc dù đánh giá đây là ca mổ khó vì trẻ non tháng, cân nặng thấp, chức năng hô hấp tuần hoàn chưa hoàn chỉnh, nhưng trong ca phẫu thuật các bác sĩ đã loại bỏ thành công kết bọc, dịch phân, gỡ dính toàn bộ các quai hồi tràng. Sau phẫu thuật, trẻ được hồi sức tích cực, theo dõi và chăm sóc đặc biệt tại Khoa Sơ sinh.
Các chuyên gia khuyến cáo gia đình, người chăm sóc trẻ cần lưu ý theo dõi trẻ, trong thời kì sơ sinh mà trẻ không đại tiện phân su, kèm theo xuất hiện tình trạng nôn trớ, nôn ra dịch xanh - vàng, bụng chướng,… cần thông báo ngay với bác sĩ chuyên khoa để theo dõi chặt chẽ và có hướng xử trí kịp thời.
Tình trạng tắc ruột cũng có thể được phát hiện ngay từ thời kỳ bào thai nên các thai phụ cần thực hiện đầy đủ các mốc khám thai định kỳ và các xét nghiệm sàng lọc để có thể phát hiện sớm các bệnh lý (nếu có). Từ đó có kế hoạch theo dõi, quản lý thai kỳ chặt chẽ và kịp thời xử trí các bất thường có thể gặp phải, đảm bảo an toàn cho cả sản phụ và thai nhi.