Theo tờ China Press đưa tin, mẹ của bé gái xấu số trên đã nhận thấy con mình bị ho vào sáng 30/11 và đưa bé tới một phòng khám gần đó để kiểm tra họng và phổi.
Tuy nhiên, vị bác sĩ trực tiếp thăm khám cho bé lại khẳng định tình hình của bé rất ổn, không cần dùng thuốc hay tiêm vì hiện bé mới chỉ 4 tháng tuổi. Thay vào đó, ông cho rằng cha mẹ nên để bé điều trị bằng phương pháp bấm huyệt tại Khoa Y học cổ truyền Trung Hoa.
Sau khi được điều trị bằng liệu pháp này trong 20 phút, cha mẹ đưa bé gái về nhà và nhận thấy trong mũi con mình xuất hiện những bóng khí lạ màu hồng, bé dường như đã ngất đi và không thể tỉnh dậy. Người mẹ sau đó đã lập tức đưa bé tới bệnh viện cấp cứu nhưng không may, bé gái được xác nhận đã tử vong do suy đa tạng.
Phản hồi về nguyên nhân tử vong của bé gái, Trung tâm trị liệu bấm huyệt cho rằng nhân viên của họ đều có trình độ cao và nhấn mạnh rằng bé gái vẫn ở trong tình trạng tốt khi rời khỏi Trung tâm. Họ cũng khẳng định sẽ tích cực hợp tác với chính quyền trong quá trình điều tra.
Thực ra, những tai nạn khi chữa ho cho trẻ không mới. Ngay tại Việt Nam cũng từng có trường hợp trẻ suýt tử vong do cách chữa ho sai lầm của người lớn.
Tháng 8 năm nay, khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu (tỉnh Sơn La) đã tiếp nhận cháu bé suýt nguy kịch sau khi gia đình tự mua thuốc ho điều trị tại nhà.
Trước đó, bé H.T.P. (lúc đó 8 tháng tuổi, trú tại Mộc Châu, Sơn La) bị ngạt mũi, sổ mũi và ho cả đêm. Lo lắng và thương con, mẹ của bé vội vàng ra hiệu thuốc Tây gần nhà mua thuốc cho con. Tiệm thuốc Tây kê cho bé P. uống 1 gói kháng sinh Hafixim (cefixim 50mg), 10ml siro hỗ trợ trị ho.
Sau khi uống được khoảng 15 phút, mặt cháu bé bắt đầu tím tái kèm biểu hiện khó thở và đỏ lựng toàn thân, gia đình đã đưa bé đến viện để cấp cứu. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi sốc phản vệ do kháng sinh. Do đó, bệnh nhi được sử dụng thuốc Andrenaline (điều trị sốc phản vệ) kết hợp một số thuốc theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Sau khoảng 40 phút cấp cứu, bé dần tự thở, da đỏ, các dấu hiệu sinh tồn ổn định.
Bố mẹ nên làm gì khi trẻ sơ sinh bị ho?
Chữa ho cho trẻ sơ sinh rất cần thiết, nhất là những cơn ho dai dẳng làm bé quấy khóc, không thể ngủ yên giấc. Tuy nhiên, bố mẹ nên cẩn trọng trong việc trị ho cho trẻ để tránh những sai lầm đáng tiếc.
- Không vội vã tự ý sử dụng kháng sinh cho trẻ: Tự ý sử dụng kháng sinh không theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa có thể gây kháng thuốc và gây khó khăn cho các điều trị nhiễm trùng về sau.
- Nếu bé ho khan: Rất có thể bé đã bị dị ứng với thời tiết hoặc thức ăn truyền qua sữa mẹ. Mẹ cần tránh cho bé hít phải bụi nhà, lông súc vật…; rửa mũi, mắt cho bé bằng nước muối sinh lý. Mẹ cho con bú nên kiêng ăn các món dễ gây dị ứng cho trẻ như tôm, cua hoặc các thức ăn lạnh.
- Nếu bé ho đờm: Mẹ nên đặt bé nằm sấp trên hai đùi, nâng đầu bé cao hơn lưng một chút, vỗ nhẹ vào lưng, giúp bé long đờm, dễ bật đờm ra khỏi đường hô hấp.
- Không để gió ngoài trời hoặc gió quạt vào thẳng mặt và cổ bé.
- Nhiệt độ trong phòng của bé nên khoảng 27-29 độ, nếu đưa bé đi ra ngoài không nên để chênh lệch nhiệt độ trong phòng và ở ngoài quá cao.
- Không nên tự ý chữa ho cho bé theo phương pháp dân gian hoặc bấm huyệt vì có thể đối mặt với tác dụng phụ.
Và cuối cùng, nếu nhận thấy trẻ sơ sinh có bất cứ biểu hiện lạ nào, đặc biệt là không chịu bú mẹ thì hãy đưa bé đi thăm khám bác sĩ ngay.