Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bé gái 5 tuổi tử vong vì học theo trò treo cổ trên Youtube: Bài học đắt giá cảnh tỉnh cho các gia đình

Ngày hôm qua, sự việc cháu V.T.D. (5 tuổi) tử vong thương tâm sau khi học theo trò treo cổ trên Youtube đang nhận được sự quan tâm của dư luận.

Bé gái 5 tuổi tử vong vì học theo trò treo cổ trên Youtube: Bài học đắt giá cảnh tỉnh cho các gia đình - Ảnh 2.

Cái chết thương tâm của bé gái 5 tuổi sau khi học theo trò thắt cổ trên Youtube

Theo chia sẻ của chị N.N - dì ruột của cháu D. thì sự việc xảy ra vào chiều ngày 12/10 vừa qua. Sau ít phút không để ý, cả nhà tá hỏa phát hiện cháu bất tỉnh trong tư thế treo cổ. Mặc dù gia đình đã đưa cháu đến bệnh viện cấp cứu nhưng D. không qua khỏi, tử vong lúc 18h10 phút cùng ngày.

Dì của cháu chia sẻ thêm, cháu D. đang đi học mẫu giáo nhưng hôm xảy ra sự việc thì cháu nghỉ học ở nhà với ông bà ngoại, bố mẹ và các dì đều đi làm hết. Trong nhà còn có 2 cháu bé nữa nhưng hôm đó cũng đều đi học hết.

Bình thường D. cùng hai cháu còn lại hay xem Youtube cùng nhau. Vì tivi của gia đình có kết nối Internet nên có thể bật Youtube trên tivi, các cháu thường hay tự bật và xem cùng nhau.

Tuy nhiên có một vấn đề được chị N. tiết lộ là cháu D. đã vài lần chơi trò treo cổ, mọi người trong nhà có nhìn thấy và quát cháu: "Lần gần nhất là cách đây nửa tháng cháu có chơi, nhưng dì của cháu (một người dì khác không phải chị N. - PV) đã nhìn thấy và mắng: "Ai cho nghịch như vậy, ai bày trò như vậy?". Nghe dì mắng thì cháu không nghịch nữa và đi sang phòng khác chơi".

Chị N. thắt ruột kể lại: "Chỉ có 3 phút không để mắt tới cháu mà hậu quả để lại là đứa trẻ 5 tuổi hồn nhiên, ngây thơ trong sáng ấy đã ra đi mãi mãi".

Cũng trong câu chuyện đau lòng của gia đình mình, chị N. nhắn nhủ tới các bậc phụ huynh hãy luôn để mắt tới con, cho con tránh xa các video bạo lực tràn ngập trên mạng xã hội để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Đáng tiếc, trường hợp của bé gái trên không phải là minh chứng đầu tiên về những hiểm họa đang tồn tại trên YouTube.

Bé gái 5 tuổi tử vong vì học theo trò treo cổ trên Youtube: Bài học đắt giá cảnh tỉnh cho các gia đình - Ảnh 3.

Bé trai 7 tuổi may mắn được cứu sống sau khi học theo trò "thắt cổ nhưng vẫn thở được" trên Youtube.

Trước đó, hồi tháng 11/2019, xảy ra sự việc tương tự với bé Đ.T.K., (7 tuổi) ngụ ở huyện Nhà Bè, TP.HCM. Gia đình bàng hoàng phát hiện K. treo cổ bằng chiếc khăn quàng đỏ trên dây phơi đồ. Theo lời gia đình kể lại, thời điểm được phát hiện, cháu bé được treo cách mặt đất 20cm, tím mặt, tím môi, tiểu không tự chủ, hôn mê.

Bé K. lập tức được đưa đến phòng khám gần nhà để sơ cứu rồi chuyển vào Bệnh viện Pháp Việt. Tại đây, cháu được đặt nội khí quản rồi được chuyển tiếp đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 2.

May mắn cháu bé được thở máy, xử trí cấp cứu nên đã tỉnh lại, không nguy hiểm đến tính mạng. Lúc này gia đình hỏi chuyện mới vỡ lẽ vì câu trả lời của bé học theo trò "thắt cổ nhưng vẫn thở được" trên Youtube.

Hay một cháu bé khác cũng bị đứt mạch máu vì dùng tay đập vỡ kính giống như siêu nhân người nhện.

Vào hồi tháng 3/2019, cộng đồng phụ huynh tại Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới cũng từng tỏ ra lo lắng khi cho rằng Youtube xuất hiện nhiều video có nội dung độc hại, hướng dẫn trẻ em tự sát, điển hình thử thách Momo (Momo challenge).

Theo đó, khi trẻ em xem video trên Youtube Kids có thể liên lạc với Momo, một phụ nữ có hình dáng quái dị với đầu người, mình gà, tóc đen, mắt lồi. Nhân vật này sẽ thao túng trẻ và khiến chúng thực hiện những thử thách đáng sợ, kết thúc bằng việc tử tự và đăng tải các video về quá trình đó lên mạng.

Thực tế, có nhiều gia đình cho con xem Youtube nhưng không để ý con mình xem gì, bản thân bố mẹ cũng không nghĩ rằng trên đó lại có những nội dung có thể khiến bé học theo gây nguy hiểm tính mạng như vậy. Nhưng sự thật đã có những câu chuyện thương tâm như của cháu D. xảy ra. Chính vì vậy, bố mẹ hãy một lần nghiêm túc xem lại những chương trình mà con cái vẫn thường xem, chọn lọc những chương trình phù hợp đồng thời phân bổ thời lượng hợp lý để các bé không bị nghiện, phụ thuộc quá nhiều vào chiếc điện thoại, máy tính bảng, tivi và có cơ hội học theo nội dung độc hại.

Rất khó để ngăn chặn triệt để những nội dung xấu trên Youtube. Chính vì vậy bố mẹ cần chủ động ngăn chặn con tiếp xúc với những nội dung độc hại này.

Nếu có con nhỏ (dưới 12 tuổi), bố mẹ có thể bảo vệ con khỏi các nội dung nguy hiểm trên Youtube bằng cách thiết lập một tài khoản gia đình, tạo tài khoản Gmail và lập kênh Youtube đi kèm.

Tài khoản gia đình sẽ cho phép bố mẹ tạo danh sách phát các video được phê duyệt và đăng ký các kênh thân thiện với gia đình. Nếu con bạn xem video trên tài khoản này, chúng sẽ hiển thị trong danh sách lịch sử bên trái để bạn có thể theo dõi. Để giữ tài khoản gia đình an toàn, bố mẹ có thể thiết lập một số lớp bảo mật như:

- Tắt tùy chọn tìm kiếm và tạm dừng lịch sử xem.

- Bật chế độ an toàn/chế độ hạn chế.

- Khóa chế độ an toàn bằng cách sử dụng các thông tin đăng nhập.

- Gắn cờ các video có nội dung không phù hợp.

- Tắt chế độ tự động phát trên Youtube.

Theo K.N/ GiadinhNet