Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bế giảng lớp nghiệp vụ chuyên sâu về Kỹ thuật sửa chữa chung và Đồng sơn ô tô

Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội (HCEM) vừa tổ chức bế giảng lớp nghiệp vụ Kỹ thuật sửa chữa chung và Đồng sơn ô tô (Trung tâm T-TEP) khóa 2 cho 34 sinh viên ngành Công nghệ ô tô khóa 13 và khai giảng khóa 3 cho 34 sinh viên.

Hiệu trưởng- NGƯT Đồng Văn Ngọc trao Chứng chỉ cho các sinh viên

Hiệu trưởng- NGƯT Đồng Văn Ngọc trao Chứng chỉ cho các sinh viên

Theo thầy Lê Đức Triệu, Trưởng khoa Động lực (HCEM), lớp KTV sửa chữa chung GJ2-21 có 17 học viên theo học tại trường từ ngày 30/11/2020 đến 29/1/2021 (lý thuyết chuyên sâu và thực tập tại các đại lý của TMV từ ngày 1/2/2021 đến 1/4/2021 với thời lượng 640 giờ.

Các chương trình học bao gồm: Nguồn gốc của dịch vụ khách hàng; An toàn lao động; Các thiết bị bảo hộ lao động; Vệ sinh công nghiệp, 5S; Tư thế làm việc, Tháo/lắp các chi tiết; Xử lý khi ắc quy hết điện/Cách xử lý khi bị dính dầu; Cấu tạo cơ bản của xe; Sử dụng cẩm nang sửa chữa và các chú ý; Sử dụng dụng cụ đo kiểm (Panme, thước cặp, đồng hồ so), Các dụng cụ cách điện/Cân lực; Đồng hồ đo điện; Thực hành sử dụng đồng hồ đo điện, thiết bị GTS; Học về Động cơ (xăng và Diesel), hệ thống treo, phanh lái, nguồn cấp/ hệ thống giao tiếp, nội thất, ngoại thất, điện, bảo dưỡng...

Thầy Lê Đức Triệu, Yrưởng khoa Động lực, HCEM, báo cáo về quá trình đào tạo

Thầy Lê Đức Triệu, Yrưởng khoa Động lực, HCEM, báo cáo về quá trình đào tạo

Lớp KTV sửa chữa thân xe và sơn BP2-21; số lượng 17 học viên; khối lượng 800 giờ đánh giá lý thuyết và kỹ năng tại trung tâm T-TEP HCEM: Giai đoạn 1, các sinh viên được đánh giá tại trung tâm T-TEP HCEM, do giảng viên HCEM đánh giá; Giai đoạn 2 tại Trung tâm T-TEP HCEM, do giảng viên Phòng Đào tạo kỹ thuật TMV trực tiếp tổ chức đánh giá. Ngoài ra, còn đánh giá tại đại lý của TMV, do cán bộ hướng dẫn thực tập trực tiếp tại đại lý đánh giá kết quả gửi về TMV.

Các sinh viên được thực tập tại các đại lý ủy quyền của TMV.

Kết quả, 34 em được đánh giá là đạt yêu cầu về năng lực lý thuyết và thực hành, được tuyển dụng vào các đại lý của Toyota và các đại lý khác.

Khóa đào tạo kỹ thuật viên Toyota đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của học viên và gia đình học viên. Số lượng đào tạo chỉ có 34 em với 2 lớp tiêu chuẩn 17 SV/lớp nhưng có tới 100 nguyện vọng tham gia, với kỳ vọng được trang bị kiến thức và kỹ năng nghề tốt, đáp ứng được công việc thực tế khi hoàn thành khóa đào tạo và mục tiêu cuối cùng là đủ năng lực để được nhận vào làm việc tại các đại lý ủy quyền chính thức của Toyota Việt Nam.

Khóa đào tạo đã nhận được hỗ trợ từ Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, các đại lý ủy quyền chính thức của Toyota Việt Nam, Công ty sơn Nippon và sự ủng hộ của Ban Giám hiệu nhà trường, tập thể Khoa Động lực và các thầy cô giáo. Khóa đào tạo còn mang tính lan tỏa rất lớn, gây được hiệu ứng nghề nghiệp rất tốt trong và ngoài nhà trường.

Bên cạnh những thuận lợi, khóa học số 1 và 2 của Trung tâm T-TEP-HCEM đã gặp phải không ít khó khăn. Do dịch bệnh Covid-19, việc thực tập của các học viên bị tạm dừng và hoãn nhiều lần nên thời gian khóa học kéo dài hơn kế hoạch và khi đến đại lý thực tập cũng bị ngắt quãng do giãn cách xã hội. Vì vậy, kỹ năng của các học viên cũng bị ảnh hưởng do không được luyện tập thường xuyên. Sau khi học viên thực tập xong, một số đại lý không có nhu cầu tuyển dụng kỹ thuật viên nên cơ hội việc làm của các học viên cũng bị ảnh hưởng; chế độ đãi ngộ của một số đại lý còn nhiều bất cập nên nhiều học viên đã làm ở đại lý một thời gian lại xin nghỉ để đến doanh nghiệp khác có đãi ngộ cao hơn.

Các giảng viên đào tạo lớp GJ đều có trình độ Thạc sĩ chuyên ngành và nhiều kinh nghiệm giảng dạy cũng như kinh nghiệm bảo dưỡng và sửa chữa ô tô thực tế. Do đó, quá trình khai thác các trang thiết bị phục vụ giảng dạy rất thuận lợi, không gặp phải khó khăn. Tuy nhiên vẫn cần rút kinh nghiệm về nội dung cần triển khai cụ thể cho từng bài học để có phương án sắp xếp và khai thác trang thiết bị hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, ngành BP mới đào tạo được 2 khóa, giảng viên cần được đào tạo bồi dưỡng thêm tại TMV để khai thác có hiệu quả tốt nhất các trang thiết bị phục vụ đào tạo.

Trong thời gian tiếp theo, T-TEP đã tuyển đủ 2 lớp tiêu chuẩn cho khóa mới. Đối tượng đầu vào là sinh viên trình độ cao đẳng, TC, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội.

Bên cạnh những kiến thức kỹ năng, theo thầy Lê Đức Triệu, cần điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp như: Tiếp tục cập nhật công nghệ mới trên ôtô;l. Phương pháp giảng dạy và các kỹ năng cần chú trọng theo góp ý phản hồi từ các đại lý. Xây dựng nội dung giảng dạy có mục tiêu cụ thể khung thời gian cần đạt được về kiến thức và kỹ năng cho từng bài học. Xây dựng văn hóa ứng xử và tác phong của một Kỹ thuật viên chuyên nghiệp: duy trì 5S trong suốt quá trình đào tạo, chào hỏi lịch thiệp, thảo luận tích cực, chia sẻ và làm việc nhóm nhằm tạo thói quen nghề nghiệp… Điều chỉnh lại chương trình đào tạo phù hợp với chuẩn Kỹ thuật viên Toyota sơ cấp, có lộ trình nâng cấp tương đương trình độ kỹ thuật viên trung cấp để phù hợp với mặt bằng kiến thức đầu vào của học viên. Tổ chức lấy ý kiến nhận xét bằng phiếu góp ý về nội dung và phương pháp đào tạo từ học viên và các đại lý nhận sinh viên thực tập để có dữ liệu phân tích đánh giá cũng như cải tiến công tác đào tạo hiệu quả hơn. Tuyên truyền rộng rãi cho học viên trong và ngoài trường biết về mục tiêu đào tạo và cơ hội việc làm của các khóa đào tạo do trung tâm T-TEP HCEM thực hiện.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với các sinh viên

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với các sinh viên

34 học viên đã được thầy Hiệu trưởng Đồng Văn Ngọc và ông Lê Xuân Tân, Trưởng Ban KT phục vụ- Công ty TNHH Toyota Việt Nam trao GCN nghề. Phát biểu tại buổi lễ, ông Tân cho biết: “Phía công ty và nhà trường đã có những định hướng đào tạo mang tính quy chuẩn toàn cầu về sửa chữa chung và sửa chữa Đồng Sơn do Toyota chuyển giao. Để có được kết quả tốt nhất, chúng tôi đã trang bị cơ sở vật chất cho nhà trường trong quá trình các em học tập tại trường và tạo điều kiện thuận lợi để các em tiếp cận vị trí công việc tại các đại lý”, ông Tân nói.

Ông Tân cho biết, hiện Toyota Việt Nam có 82 đại lý và cơ sở sửa chữa với trên 300 KTV. Hàng năm, Toyota có nhu cầu tuyển dụng mới 250 lao động với nhiều vị trí việc làm khác nhau.

Ông Tân nhận định, HCEM là một trong hệ thống hợp tác đào tạo kĩ thuật cho Toyota. Ông Tân hy vọng các sinh viên sau khi tốt nghiệp đáp ứng được các tiêu chí nhà trường đưa ra để sớm tham gia vào các hoạt động của công ty.

Hiệu trưởng, NGƯT Đồng Văn Ngọc chúc mừng các sinh viên đã hoàn thành khóa học: “Về sửa chữa ô tô, mỗi năm nhà trường nhận khoảng 400 sinh viên mới. Các em muốn tham gia lớp KT Sửa chữa chung và Kĩ thuật Đồng Sơn phải đạt được trình độ TC-CĐ, sau tốt nghiệp sẽ được nhận danh hiệu kỹ sư thực hành về Công nghệ ô tô. Đây là một vinh dự lớn. Vì điều này chứng tỏ các em là những chuyên gia về lĩnh vực này. Các em đang được học ở một trong những môi tường tốt nhất về CN ô tô, được trang bị nhiều kiến thức kĩ năng và cả những kĩ năng mềm cần thiết, được học trên nhiều dòng ô tô, nhiều thế hệ”.

Thầy Ngọc cho biết thêm tháng 7 này, nhà trường sẽ mở gói thầu 2 triệu USD để đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, trong đó riêng CN ô tô là 130 tỷ đồng. “Các em sẽ được học trên trang thiết bị mới, tiếp cận với nhiều dòng xe hiện đại mới nhất của thế giới về động cơ xăng, động cơ điện, đáp ứng nhu cầu của DN trong nước”.