Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bến Tre: 86,5% cư dân nông thôn đã có nước sạch

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Bến Tre hiện có gần 228.000 hộ dân nông thôn bị ảnh hưởng nước mặn, thiếu nước ngọt sinh hoạt, tập trung ở các huyện: Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú, Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm, một phần Mỏ Cày Bắc. Để giải quyết bức xúc về nguồn nước sinh hoạt cho người dân, nhiều chương trình, dự án đã được đầu tư trong những năm qua.

Trong những năm gần đây, tỉnh Bến Tre đã đẩy mạnh việc triển khai các chương trình, dự án cấp nước sinh hoạt cho người dân nông thôn. Nhiều nhà máy nước sạch đã được đầu tư xây dựng, đã phần nào khắc phục tình trạng sử dụng nước không đảm bảo vệ sinh trong nhân dân. Hiện, tỉnh Bến Tre có 52 nhà máy cung cấp nước sạch trên địa bàn nông thôn được xây dựng, với tổng công suất hơn 870 m3/giờ, phục vụ cho 28.000 hộ dân.

Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Chương trình mục tiêu Quốc gia về Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bến Tre, tỉ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh hiện đã đạt 86,5%; hộ chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh đạt 63% (cao hơn lần lượt là 1,5% và 18% so với mục tiêu Chương trình giai đoạn 2012 - 2015). Đến cuối tháng 6/2015, tất cả các điểm trường chính trong tỉnh Bến Tre đã có nước và nhà vệ sinh hợp vệ sinh; 100% trạm y tế xã có đủ nước sạch và nhà vệ sinh đạt chuẩn.

Người dân nông thôn Bến Tre được cấp bình nhựa chứa nước sạch.

Bình Đại là huyện ven biển hàng năm cứ vào mùa khô là phải chịu cảnh nước mặn sâu vào kênh rạch, nội đồng, gây nên tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng trong sinh hoạt và sản xuất. Để cải thiện, các ngành, các cấp đã nỗ lực dẫn nguồn nước ngọt, nước sạch về phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho người dân. Hiện, toàn huyện đã có 7 nhà máy nước tổng công suất 340m3/giờ. Các nhà máy nước này hoạt động 24/24 giờ tại các xã Long Định, Thới Lai, Phú Long, Lộc Thuận, Thạnh Trị, Đại Hòa Lộc, cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho hơn 11.000 hộ dân (chiếm 34,3% tổng số hộ của huyện). Người dân ở vùng sâu, vùng xa, đường ống nhà máy nước không kéo đến được, chuyển sang sử dụng các vật dụng để trữ nước ngọt, phục vụ nước sinh hoạt trong mùa khô.

Dự án ngọt hóa xã Thạnh Trị, xã Phú Long hoàn thành và được đưa vào sử dụng, dẫn nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho người dân tại ấp Bình Phú và một phần ấp Bình Thạnh 3 thuộc xã Thạnh Trị và ấp Rạch Gừa, xã Phú Long. Trước đây, người dân tại một số vùng của huyện chưa có ý thức trong việc bảo vệ môi trường nước, còn  xả rác bừa bãi nguồn nước từ kênh, mương, rạch bị ô nhiễm ảnh hưởng đến chất lượng đời sống, tiềm ẩn nhiều bệnh.

Trước thực tế này, các cấp, các ngành huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn vệ sinh nguồn nước ở kênh rạch. Hiện nay, người dân đã thay đổi nhận thức, bỏ thói quen sử dụng nước từ kênh, mương chuyển sang sử dụng nước sạch sinh hoạt hợp chuẩn do các nhà máy dẫn đến từng hộ. Toàn huyện Bình Đại hiện có 93,7% số hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh (trong đó có 43,7% số hộ sử dụng nước sạch), riêng xã Phú Thuận có 97,78% số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh (53,39% số hộ sử dụng nước sạch).

  Trao đổi về Chương trình cấp Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn của địa phương, ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết: “Thời gian tới các đơn vị trong tỉnh sẽ tập trung hoàn thành các chỉ tiêu chưa đạt,  với các chỉ tiêu đã đạt, cần phấn đấu vượt cao hơn. Hiện nay, Ban điều hành Chương trình đang tích cực chủ động tìm nguồn vốn cho dự án cung cấp nước sinh hoạt cho các huyện thuộc Cù lao Minh và Nhà máy nước Ba Lai; mạnh dạn tạo điều kiện để các doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư các dự án xây dựng nhà máy nước sạch nông thôn.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo các ngành y tế, giáo dục  tranh thủ các nguồn tài trợ về vốn và công nghệ như lọc nước biển lấy nước ngọt cung cấp cho dân vùng biển. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn ở hộ dân, thông qua vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương...”