Chi trả đảm bảo thời gian và kịp thời đến đối tượng thụ hưởng
Vừa qua, Sở Lao động - Thương binh và xã hội chủ trì hội nghị sơ kết công tác chi trả trợ cấp cho người có công với cách mạng và trợ cấp cho đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ giúp xã hội qua hệ thống Bưu điện, qua đó phát huy những ưu điểm và khắc phục những khó khăn để phối hợp thực hiện tốt trong thời gian tới; lấy ý kiến kế hoạch phối hợp chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội và Bưu điện tỉnh đã ký kết Phương án ngày 31-5-2021 về chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng và Phương án chi trả trợ giúp xã hội qua hệ thống bưu điện trên địa bàn tỉnh Bến Tre” được ký kết giữa Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Bưu điện vào tháng 7-2021 để triển khai thực hiện.
Bưu điện tỉnh phối hợp Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị triển khai thực hiện phương án và tập huấn nghiệp vụ về một số chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, công tác chi trả trợ cấp cho đội ngũ nhân viên thực hiện nhiệm vụ chi trả; công tác kiểm tra, giám sát và báo cáo kết quả thực hiện chi trả trợ cấp.
UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp với Bưu điện cấp huyện, UBND các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện. Đồng thời, Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố đã ký hợp đồng dịch vụ chi trả với Bưu điện cấp huyện. Theo đó, việc tổ chức chi trả được thực hiện chính sách ưu đãi người có công từ tháng 7-2021, với mức lệ phí chi trả theo tỷ lệ 0,67% trên số tiền thực trả (trong đó Bưu điện hỗ trợ cho công chức lao động thương binh và xã hội cấp xã là 300 ngàn đồng/xã, tương đương 20% mức lương cơ sở).
UBND xã, phường, thị trấn ngoài việc theo dõi quản lý các nhóm đối tượng người có công và thân nhân người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội hàng tháng báo cáo tăng, giảm đối tượng về Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội để điều chỉnh và lập danh sách chi trả. Theo đánh giá của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, công tác phối hợp giữa Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội, UBND các xã, phường, thị trấn với Bưu điện cấp huyện tương đối hiệu quả; chi trả đảm bảo thời gian và kịp thời đến đối tượng thụ hưởng (thời gian cấp phát từ ngày 1 đến ngày 6 hàng tháng, tại các điểm Bưu cục, Bưu điện văn hóa xã, UBND các xã, phường, thị trấn hoặc trụ sở ấp). Riêng đối tượng là người lớn tuổi, sức khỏe yếu, không khả năng đi đến điểm nhận tiền thì nhân viên Bưu điện tổ chức chi trả tại nhà cho đối tượng.
Bên cạnh việc chi trả trợ cấp hàng tháng cho người có công, Bưu điện phối hợp Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội, UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức chi trả trợ cấp 1 lần, quà lễ, tết, các chế độ chính sách khác.
Theo ghi nhận của phóng viên, thời gian qua, hệ thống Bưu điện tỉnh Bến Tre đảm bảo các yêu cầu về dịch vụ trong công tác quản lý chi trả chế độ trợ cấp ưu đãi Người có công với cách mạng, thân nhân người có công; công khai thông tin về Kế hoạch chi trả, thời gian chi trả, thủ tục nhận tiền tại các điểm chi trả. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác chi trả, được đảm bảo thuận tiện, an toàn, có bàn ghế phục vụ người hưởng, có phương tiện vận chuyển tiền, có trang thiết bị, công cụ bảo quản tiền mặt đảm bảo an toàn trong suốt quá trình vận chuyển và chi trả.
Đội ngũ Cán bộ, Nhân viên làm công tác chi trả có thái độ phục vụ ân cần, niềm nở, tôn trọng người nhận tiền, không gây phiền hà cho đối tượng chính sách và người được hưởng chế độ, qua những lần đi kiểm tra được các cô, chú hài lòng. Việc chi trả đúng người hưởng, đúng số tiền theo danh sách chi trả do Phòng Lao động - TB&XH quận, huyện cung cấp.
Kết quả chi trả
Trên địa bàn tỉnh Bến Tre có 169 điểm chi trả tại 157 xã, phường, thị trấn, với 304 người tham gia thực hiện công tác chi trả trợ cấp hàng tháng.
Từ tháng 7-2021 đến 12-2022, kết quả chi trả cho người có công: Trợ cấp hàng tháng: 311.239 lượt chi trả, bình quân đạt 99,09%; còn 0,91% (2.822 lượt) chậm chi, nguyên nhân là do người có công ở xa, thời điểm chi trả không có mặt ở địa phương, không đến nhận trợ cấp kịp thời (thường 2 hoặc 3 tháng nhận một lần). Trợ cấp một lần: 51.530 lượt chi trả, bình quân đạt 98,30%; còn 1,70% (877 lượt) chậm chi, nguyên nhân là do người có công ở xa, thời điểm chi trả không có mặt ở địa phương, không về nhận kịp thời khi có thông báo.
Kết quả chi trả cho đối tượng bảo trợ xã hội: Năm 2022, toàn tỉnh có 58.535 đối tượng nhận trợ cấp hàng tháng, số tiền chi trả 32.3 tỷ đồng/tháng; từ tháng 1-2022 đến tháng 12-2022, tổng số lượt đối tượng được chi trả trợ cấp hàng tháng là 702.420 lượt, với kinh phí thực hiện 388,6 tỷ đồng. Số đối tượng chậm nhận tính đến tháng 12-2022 là 18.832 lượt đối tượng chậm nhận, chiếm tỷ lệ 2,6%.
Về mặt thuận lợi, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội ghi nhận việc chi trả các chính sách trợ cấp hàng tháng không chỉ thực hiện chính xác, nhanh chóng, kịp thời mà còn làm giảm áp lực công việc cho công chức Lao động- Thương binh và xã hội cấp xã, có nhiều thời gian tập trung vào việc chuyên môn, tuyên truyền phổ biến chính sách, quản lý đối tượng. Giảm được rủi ro trong quá trình nhận tiền từ các huyện, thành phố về cấp phát cho đối tượng thụ hưởng tại xã, phường, thị trấn.
Sự phối hợp giữa Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội, Bưu điện huyện, UBND xã, phường, thị trấn chặt chẽ, thống nhất các giải pháp thực hiện, có sự hỗ trợ trong công tác kiểm soát đối tượng khi có biến động đối tượng trên địa bàn cấp xã. Tách bạch, rõ ràng trong việc tổ chức chi trả và xét duyệt trợ cấp từ đó tạo sự minh bạch, công khai trong công tác chi trả, đảm bảo an toàn nguồn tiền chi trả.
Hạn chế được chỉ ra là trong công tác phối hợp, thông tin qua lại giữa Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội với Bưu điện cấp huyện có lúc, có nơi chưa kịp thời, nhất là thời gian chi trả và công tác quyết toán còn chậm so với phương án ký kết. Một vài huyện còn tình hình chậm kinh phí chi trả trợ giúp xã hội nhiều tháng, nhất là huyện Chợ Lách.
Đối với đơn vị thực hiện chi trả, thường xuyên thay đổi cán bộ chi trả tại các điểm chi trả, nhân viên mới chưa nắm địa bàn, đối tượng được nhận trợ cấp, từ đó công tác chi trả chưa bao quát hết đối tượng. Đối với UBND cấp xã, từ khi chuyển sang hình thức chi trả qua hệ thống Bưu điện, UBND cấp xã ở một số nơi xem công tác quản lý đối tượng là của nhân viên chi trả. Từ đó, ít quan tâm đến công tác quản lý biến động của đối tượng, chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức chi trả, để kịp thời phối hợp khắc phục những hạn chế, giải quyết vướng mắc xảy ra.