Hỗ trợ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ khó khăn
Tỉnh Bến Tre hiện có 231.300 trẻ em, chiếm tỷ lệ khoảng 19% trong tổng dân số. Trong đó, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn là 1.478 trẻ, trẻ em con hộ nghèo là 11.891 trẻ. Thống kê trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, tỉnh có 113 trẻ em là F0, 302 trẻ em F1, 15 trẻ có cha hoặc mẹ tử vong do Covid-19. Con số này đang tăng lên trong những ngày Bến Tre đang bùng phát dịch Covid-19.
Từ năm 2015 đến nay, Tổ chức Holt đã hỗ trợ cho 541 trẻ em của tỉnh Bến Tre với tổng kinh phí 3,67 tỷ đồng để triển khai thực hiện các hoạt động, như: triển khai thực hiện hợp phần cải thiện dinh dưỡng, chăm sóc cho trẻ em dưới 6 tuổi và trẻ em khuyết tật đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội và 03 hợp phần tại cộng đồng như hợp phần chăm sóc trẻ em tại cộng đồng (giáo dục phổ thông và giáo dục hướng nghiệp), hợp phần giúp đỡ trẻ em là con các bà mẹ đơn thân mang thai ngoài ý muốn và hợp phần bảo tồn gia đình với hoạt đồng phát triển sinh kế. Những hoạt động này nhằm mục đích ngăn chặn nguy cơ mất đi mái ấm gia đình của trẻ em có nguy cơ cao tại cộng đồng.
Đồng thời, tăng cường cơ hội tiếp cận giáo dục cho trẻ em; Cải thiện chất lượng dinh dưỡng và chăm sóc cho trẻ em đã mất đi mái ấm gia đình hiện đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội. Song song đó, ngăn ngừa nguy cơ bỏ rơi trẻ em, bảo tồn nguồn gốc cho trẻ em có nguy cơ bị bỏ rơi thông qua các hoạt động hỗ trợ và chăm sóc cho bà mẹ mang thai ngoài ý muốn để việc sinh nở được an toàn; Tăng cường cơ hội tiếp cận, duy trì tiếp tục việc học ở bậc giáo dục phổ thông, học nghề và kỹ năng sống cho nhóm trẻ em đường phố, trẻ em lao động sớm. Đặc biệt là hỗ trợ nghiệp vụ chuyên môn trong công tác quản lý trường hợp cho tất cả các đối tượng thụ hưởng dự án nhằm nâng cao năng lực cho viên chức làm công tác xã hội.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em, trong đó: đã tổ chức 18 lớp tập huấn, truyền thông về kỹ năng phòng ngừa nguy cơ, tự bảo vệ cho trẻ em là học sinh Tiểu học, THCS tại các huyện, có 1.800 học sinh tham dự. Vận động xã hội hóa trên 2,52 tỷ đồng thực hiện các hoạt động hỗ trợ cho 422 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn; tổ chức tặng quà cho 1.600 trẻ em là con của những người đang tuyến đầu chống dịch, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Đối với trường hợp trẻ mồ côi do cha hoặc mẹ tử vong vì mắc Covid-19, hiện tỉnh có 15 trẻ và 3 trẻ sơ sinh có mẹ là F0. Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam hỗ trợ cho mỗi trẻ 5 triệu đồng. Riêng 3 trẻ sơ sinh có mẹ là F0 được nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/trẻ.
Chăm lo cho trẻ phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần trong những năm đầu đời
Bên cạnh chăm lo cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ khó khăn, tỉnh Bến Tre còn chú trọng chăm lo cho trẻ phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần trong những năm đầu đời.
Ông Phạm Thanh Hùng - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bến Tre cho biết, Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã chọn ba tỉnh để triển khai thí điểm 2 mô hình chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời. Đó là tỉnh Bắc Ninh, Bến Tre và Hải Phòng. Tiêu chí lựa chọn là địa phương có kế hoạch triển khai Quyết định 1437/QĐ-TTg và có những ưu tiên để thực hiện công tác chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em; tỉnh có sự cam kết triển khai mô hình thí điểm và nhân rộng tại địa phương; Cấp huyện, cấp xã có đội ngũ cán bộ và cộng tác viên làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em sẵn sàng để triển khai thực hiện mô hình; Tỷ lệ trẻ em dưới 8 tuổi khá cao, các em cần được chăm sóc để phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần.
Xác định được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời, trên cơ sở đó, bảo đảm cho trẻ em đến 8 tuổi được phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần; được bình đẳng tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc phát triển toàn diện theo độ tuổi nhằm thực hiện các quyền của trẻ em, góp phần phát triển nguồn nhân lực của đất nước nói chung và của tỉnh nói riêng, tỉnh đã chọn 2 xã An Thủy và xã Mỹ Thạnh, huyện Ba Tri để triển khai thí điểm mô hình này.
Theo số liệu thống kê, tại huyện Ba Tri tỷ lệ trẻ em dưới 8 tuổi chiếm 51,82% dân số trẻ em toàn huyện (khoảng 19.700 trẻ); trong đó, 02 xã Mỹ Thạnh và An Thủy tỷ lệ này dao động từ 48-55,2% so với dân số trẻ em của xã. Mô hình điểm gồm có các hoạt động như Hình thành ban điều phối các cấp và đội ngũ cộng tác viên của mạng lưới cung cấp dịch vụ tại 02 xã An Thủy và xã Mỹ Thạnh; Khảo sát, đánh giá về số lượng trẻ em độ tuổi từ 0-8 tuổi trong các hộ gia đình, đặc điểm tình hình trẻ em và số nhân khẩu trong gia đình cũng như thực trạng tình hình trẻ em và công tác chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em tại địa phương, thực trạng tình hình chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em từ 0-8 tuổi, nhận thức của cộng đồng, của các gia đình và nhu cầu của trẻ về chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em.
“Phát triển toàn diện trẻ em đòi hỏi các ngành phải hỗ trợ từ sớm và can thiệp liên ngành. Việc cung cấp dịch vụ toàn diện sẽ đảm bảo các em được hưởng một tuổi thơ an toàn, hạnh phúc và có cơ hội tốt hơn để phát triển tự tin và là nguồn nhân lực có chất lượng cho đất nước trong tương lai. Bên cạnh đó, các dịch vụ phát triển trẻ em toàn diện có thể được nâng tầm để củng cố sự gắn kết xã hội chiều ngang giữa các nhóm và sự gắn kết xã hội chiều dọc giữa các cấp các ngành và người dân”, ông Hùng nhấn mạnh.