Huy động nguồn lực xã hội hóa để chăm lo người có công với cách mạng
Một trong những mục tiêu của Đề án số 8402/ĐA-UBND thí điểm về đảm bảo an sinh xã hội (ASXH) tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 là bảo đảm các dịch vụ xã hội cơ bản và cải thiện mức sống tối thiểu cho người dân. Trong đó, có tập trung nhóm gia đình chính sách, người có công với cách mạng và nhóm đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện hộ nghèo có hoàn cảnh kinh tế khó khăn được sống trong cộng đồng an toàn, phát triển tốt về thể chất và tinh thần, có mức sống ngang bằng với mức sống trung bình của cộng đồng dân cư.
Đề án có 2 nhóm chỉ tiêu lớn, chia làm 38 chỉ tiêu nhỏ. Sau 1 năm thực hiện, có 10 chỉ tiêu vượt, 22 chỉ tiêu đạt và 6 chỉ tiêu chưa đạt. Tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện mức sống cho người dân. Cụ thể, đầu năm 2022, tỉnh có 88 hộ nghèo (số hộ này có thành viên là người có công với cách mạng), trong đó, 66 hộ thuộc diện bảo trợ xã hội và 22 hộ có khả năng thoát nghèo vào cuối năm 2022. Ngoài việc thực hiện chính sách theo quy định, các huyện, thành phố còn vận động nguồn lực để hỗ trợ những hộ này như: nhận đỡ đầu 25 hộ nghèo người có công thuộc diện bảo trợ xã hội (hỗ trợ quà, tiền mặt...), tạo điều kiện cho hộ có mức sống ngang bằng với mức sống trung bình với dân trên địa bàn.
Các chính sách trợ giúp xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời đối với đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15-3-2021 của Chính phủ và Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND ngày 8-12-2021 của HĐND tỉnh. Theo đó, đã giải quyết trợ cấp mới cho 7.755 người, nâng tổng số người hưởng trợ cấp hiện nay 59.366 người, kinh phí trên 180 tỷ đồng. Đối với việc tham mưu ban hành chính sách đặc thù riêng của tỉnh hỗ trợ cho các nhóm đối tượng khó khăn đảm bảo ASXH, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 18/2022/NQ-HĐND ngày 7-10-2022 quy định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế (BHYT) cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh còn huy động nguồn lực xã hội hóa để chăm lo ASXH. Cụ thể, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên, các sở, ban, ngành tỉnh và các địa phương đã vận động trên 600 tỷ đồng để thực hiện công tác ASXH. Trong đó, có việc vận động 1 ngày lương “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”, tổng kinh phí trên 787 triệu đồng để hỗ trợ cho người có công khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh; vận động các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh xây dựng, sửa chữa 392 căn nhà tình nghĩa; 712 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình thương, nhà nhân ái. Cấp 44.490 thẻ BHYT cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo, người cao tuổi chưa có thẻ BHYT...
Đảm bảo 100% hồ sơ người có công được số hóa
Hiện, tỉnh trợ cấp ưu đãi hàng tháng 19.627 người có công, tiếp nhận mới và giải quyết 275 hồ sơ đề nghị chính sách ưu đãi người có công với cách mạng (nâng tổng số từ đầu năm đến nay 3.378 hồ sơ); đề nghị cấp lại Bằng Tổ quốc ghi công 72 trường hợp do cũ, rách; thực hiện chế độ điều dưỡng tại gia đình cho 5.004 người có công và đưa 267 người có công đi điều dưỡng tập trung.
Tổ chức Lễ truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước cho 07 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nâng tổng số Bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn tỉnh là 6.927 mẹ (có 185 mẹ còn sống); công tác chăm lo tết cho người có công được thực hiện tốt, toàn tỉnh đã chi 54.362 suất quà tết cho gia đình người có công với cách mạng, kinh phí trên 26,2 tỷ đồng; 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều được thăm hỏi, tặng quà; 100% gia đình chính sách khó khăn đều có quà tết; thực hiện số hóa hồ sơ người có công, đảm bảo 100% hồ sơ người có công được số hóa; triển khai tập huấn các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng theo Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 và các văn bản hướng dẫn thi hành; vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ xây dựng 309 căn nhà tình nghĩa cho gia đình người có công khó khăn về nhà ở, kinh phí 18,25 tỷ đồng.
Năm 2022, ngành LĐ-TB&XH phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các ngành liên quan đi khảo sát hộ người có công khó khăn về nhà ở của các huyện, thành phố để vận động kinh phí hỗ trợ xây dựng; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh vận động 01 ngày lương “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” để hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho người có công và thân nhân người có công đang khó khăn về nhà ở nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ; tổ chức trao, tặng quà do Quỹ Thiện Tâm – Tập đoàn Vingroup hỗ trợ thương, bệnh binh nặng và Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, kinh phí 4,6 tỷ đồng. Tổ chức tốt kỷ niệm 75 ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 toàn tỉnh, đã chi 63.169 suất quà lễ cho gia đình người có công với cách mạng, với kinh phí 21,38 tỷ đồng, đưa 30 người có công tiêu biểu, đủ sức khỏe để về thăm Thủ đô Hà Nội...
Hiện còn 88 hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng (trong đó có 66 hộ thuộc diện bảo trợ xã hội và 22 hộ có khả năng thoát nghèo vào cuối năm 2022) để tiếp tục vận động hỗ trợ. Đến nay, có 25/25 hộ của huyện Giồng Trôm (21 hộ thuộc diện bảo trợ xã hội, 04 hộ có khả năng thoát nghèo) được hỗ trợ kinh phí 2.000.000 đồng/hộ.
Năm 2023, Bến Tre tiêp tục thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; đấu thầu xe đưa người có công đi điều dưỡng tập trung. Và Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023).