Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bến Tre đã giao cho Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương từ "Chương trình mục tiêu quốc gia Giáo dục nghề nghiệp - việc làm - an toàn lao động" để tổ chức các hoạt động dịch vụ việc làm.
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bến Tre, tính từ đầu năm 2022 đến nay, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh đã tiếp nhận nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh là 229 lượt doanh nghiệp (trong tỉnh 177 lượt doanh nghiệp, ngoài tỉnh 62 lượt doanh nghiệp), với 41.780 lượt người lao động (21.981 nữ); Trình độ lao động phổ thông, trình độ từ sơ cấp trở lên. Nhu cầu tuyển dụng gồm lao động phổ thông, kế toán, kinh doanh, giúp việc nhà, sản xuất, kỹ thuật bảo trì, may, thị trường, chăm sóc sửa chữa ô tô, văn phòng, phó tổng giám đốc, vận hành máy, QC, tổ trưởng, tổ phó chuyền may, bán hàng, kế toán, kỹ thuật may công nghiệp, y tế, điện tự động hoá, thiết kế, hành chính, ép kẹp chỉ sơ dừa, cơ điện, điện công nghiệp, xây dựng, kiến trúc sư, bán hàng shop quần áo, sale, giám sát thợ máy, quản đốc chuyền may, giám đốc quản lý chất lượng, xuất nhập khẩu, thống kê, vận hành thiết bị lạnh, giao dịch viên, kỹ sư nuôi cá, chế biến thuỷ sản, đóng gói, bếp chính, bếp phụ, phục vụ, theo dõi đơn hàng, tổ trưởng tổ in,..
Bà Nguyễn Thị Thủy, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Bến Tre (Trung tâm) cho biết, Trung tâm đã tổ chức các phiên giao dịch việc làm thông qua sàn giao dịch việc làm vào các ngày Thứ 6 hàng tuần tại Trung tâm Dịch vụ việc làm và các phiên giao dịch việc làm định kỳ hàng tháng tại các huyện, tổ chức ngày hội việc làm. “Qua đó đã tạo điều kiện cho người lao động ở các địa phương, các em học sinh, sinh viên của các trường nghề, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp thường xuyên tiếp cận và trao đổi trực tiếp với các doanh nghiệp để nắm bắt thông tin, tìm kiếm việc làm phù hợp với khả năng, trình độ chuyên môn của mình”, bà Thủy chia sẻ.
Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Ban Văn hóa xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Chi nhánh Ngân hành chính sách xã hội kiểm tra, giám sát công tác cho vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm.
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho vay quỹ quốc gia về việc làm đến cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cơ sở, các cơ quan có liên quan, tổ tiết kiệm và vay vốn. Đồng thời phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, Liên đoàn lao động; Hội người mù, chính quyền địa phương tổ chức bình xét cho vay, thẩm định dự án đúng quy trình, đảm bảo nguồn vốn cho vay đúng đối tượng và có hiệu quả về kinh tế, xã hội, tổ chức tập huấn về chuyển giao công nghệ, khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư… giúp người vay xây dựng dự án khả thi, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, thực hiện kiểm tra trước, trong và sau khi giải ngân nhằm đôn đốc người vay sử dụng vốn đúng mục đích, trả nợ đúng hạn.
Ông Đoàn Hải Nam – PGĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bến Tre cho biết, xác định chương trình cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là một trong những kênh quan trọng hỗ trợ người dân có thêm "cần câu" để thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững, thời gian qua, Ngân hàng CSXH tỉnh Bến Tre đã triển khai đầy đủ, kịp thời và công khai các chính sách liên quan đến chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm. Đồng thời, phối hợp với các Ban, ngành, hội, đoàn thể từ tỉnh đến xã, thôn bản đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận nguồn vốn. Cán bộ phòng giao dịch cũng chú trọng hướng dẫn nghiệp vụ cho vay và triển khai đầy đủ văn bản chỉ đạo liên quan đến chương trình cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đến cấp ủy, chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể; phối hợp quản lý, hướng dẫn, thẩm định đảm bảo cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích và sử dụng hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương.
Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Bến Tre Nguyễn Mạnh Hoài cho biết, theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ năm 2022, Bến Tre được phân bổ 52 tỷ đồng; trong đó, cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị định 61/2015/NĐ-CP và Nghị định 74/2019/NĐ-CP là 30 tỷ đồng; cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP là 17 tỷ đồng; cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến theo Quyết định 09/2022/QĐ-TTg ngày 4/4/2022 là 5 tỷ đồng.
Xác định nguồn vốn tín dụng "trợ lực" để khôi phục và phát triển kinh tế sau dịch COVID-19, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Bến Tre đã phối hợp với các địa phương và các ngành liên quan tiến hành rà soát nhu cầu vay vốn của các hộ dân, doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn bảo đảm chính sách được thực hiện công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Đồng thời, kiểm tra, giám sát thường xuyên tình hình sử dụng vốn vay của các đối tượng thụ hưởng.
Đến ngày 9/5, tổng số tiền đã giải ngân là gần 17 tỷ đồng với gần 400 khách hàng vay vốn; trong đó, cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm hơn 16,5 tỷ đồng; cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP cho 1 khách hàng với số tiền 250 triệu đồng; cho vay hộ gia đình học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến 90 triệu đồng cho 9 khách hàng.