Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bến Tre: Vai trò, vị thế của người phụ nữ ngày càng cải thiện

Thời gian qua, công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ của tỉnh Bến Tre luôn được đặc biệt quan tâm và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần từng bước kéo giảm khoảng cách giữa nam và nữ trong nhiều lĩnh vực, vai trò và vị thế của người phụ nữ đã được cải thiện đáng kể.

 

Tiến tới xóa bỏ bất bình đẳng giới trong xã hội

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội, vai trò và địa vị của người phụ nữ ngày càng được nâng cao, có nhiều phụ nữ tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, giữ những vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước. Đặc biệt vấn đề bình đẳng giới ngày càng được xã hội quan tâm nhiều hơn.

Ông Đoàn Hải Nam - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết: Tại Bến Tre, công tác bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới được triển khai thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tỷ lệ nữ tham gia vào các hoạt động xã hội được tăng dần qua từng năm, các vụ bạo lực gia đình xảy ra trên địa khi được phát hiện điều được can thiệp và xử lý kịp thời, các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông được triển khai sâu rộng đến mọi người dân, do đó tình hình bạo lực gia đình xảy ra có xu hướng giảm, không xảy ra vụ bạo lực gia đình mang tính chất nghiêm trọng.

 

Nghề đan giỏ giúp tăng thu nhập cho phụ nữ nông thôn.


Các hoạt động tuyên truyền về xóa bỏ bất bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới phù hợp với từng nhóm đối tượng và tùy theo tình hình thực tế của địa phương; để mỗi cá nhân mỗi hội viên đều là tuyên truyền viên để truyền tải thông điệp về phòng ngừa và ứng phó bạo lực trên cơ sở giới và phân biệt đối xử vì lý do giới tính.

Từng bước giảm dần khoảng cách giới trong các lĩnh vực

Hiện nay, hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới ngày càng hoàn thiện; Luật bình đẳng giới và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình chính thức có hiệu lực. Đây là những yếu tố thuận lợi tác động tích cực đến công tác vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới.

Qua tổng kết 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới, tỷ lệ cán bộ nữ ở Bến Tre tham gia vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội từng bước được nâng lên: Tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2015-2020 là 1.304/5.239 người, đạt tỷ lệ 24,9%. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2016-2021 đạt 28,57%; Tỷ lệ nữ Đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021, đạt 27,06%. Tỷ lệ nữ đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo chủ chốt tại các Sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đạt 100%. Tỷ lệ nữ tham gia quản lý, lãnh đạo cấp tỉnh (từ phó trưởng phòng và tương đương cấp tỉnh trở lên) là 565/1.681 người, đạt 33,61%; Tỷ lệ nữ là lãnh đạo các cơ quan cấp huyện từ phó trưởng phòng cấp huyện và tương đương trở lên 472/1309, đạt 36,06%.

Trong lĩnh vực kinh tế - lao động: Hàng năm tỉnh tổ chức các lớp tập huấn về chính sách pháp luật lao động cho doanh nghiệp, tổ chức ngày hội việc làm và xuất khẩu lao động tại tỉnh và các huyện. Chỉ tiêu 1: Tỷ lệ lao động nữ được tạo việc làm mới đạt 53,6%; Chỉ tiêu 2: Tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 25,8%; Chỉ tiêu 3: Tỷ lệ lao động nữ ở nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề đạt 40%; Chỉ tiêu 4: Tỷ lệ phụ nữ nghèo, có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm đạt khoảng 85%.

 

Tạo công ăn việc làm cho phụ nữ nông thôn.


Lĩnh vực giáo dục và đào tạo: Tỉnh đã thực hiện các chính sách đặc thù cho một số nhóm đối tượng như: chính sách khuyến khích đối với phụ nữ nông thôn tham gia đào tạo nghề, chính sách đặc thù cho giáo dục mầm non ở vùng sâu, vùng xa và vùng có điều kiện khó khăn. Tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia các chương trình bồi dưỡng về quản lý nhà nước, các lớp đào tạo nâng cao trình độ chuyện môn nghiệp vụ. Chỉ tiêu 1: Tỷ lệ biết chữ của nam và nữ trong độ tuổi từ 15-40 ở thành thị và nông thôn đạt 99,64%; Chỉ tiêu 2: Tỷ lệ nữ Thạc sĩ đạt 57,14%; Tỷ lệ nữ Tiến sĩ đạt 16,6%.

Trong lĩnh vực y tế: Chỉ tiêu 1: Tỷ số giới tính khi sinh là 107,8 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái;  Chỉ tiêu 3: Tỷ lệ phụ nữ mang thai được tiếp cận dịch vụ chăm sóc và dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con đạt 93%; Chỉ tiêu 4: Tỷ lệ phá thai giảm xuống 24,15/100.

Lĩnh vực văn hóa, thông tin: 100% Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài truyền thanh cấp huyện và cấp xã có xây dựng chuyên mục, chuyên đề, bản tin nâng cao nhận thức về bình đẳng giới. 

Lĩnh vực gia đình: Công tác bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình được các sở, ban ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng và phong phú như xây dựng kịch bản, phóng sự tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, Ngày gia đình Việt Nam 28/6, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. Phối hợp thực hiện báo cáo chuyên đề về nâng cao phẩm chất, đạo đức, vai trò của phụ nữ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa cho các đơn vị trường học, huyện đoàn. Xây dựng pano, áp phích tuyên truyền về công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới.

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai các chính sách pháp luật của nhà nước về công tác bình đẳng giới vì sự tiến bộ phụ nữ đến các ngành, các cấp và đến tận người dân. Bởi vì xác định thay đổi nhận thức, hành vi của mọi người về thực hiện bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái phải có một tiến trình, cần phải tiếp tục dành sự nỗ lực bền bỉ hơn nữa, Sở LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, UBND các huyện, thành phố, phát huy vai trò cơ quan thường trực tiếp tục nghiên cứu đề xuất chính sách, pháp luật và triển khai các kế hoạch, đề án, dự án về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới nhằm góp phần xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ, bình đẳng và an toàn.