qua, dư luận bất bình vì một phụ huynh xông vào trường giải quyết mâu thuẫn của những đứa trẻ con bằng bạo lực.
Ảnh minh họa (Báo Giáo dục và Thời đại)
Ông Đức được xác định là người đã xông vào Trường tiểu học Hữu Nghị (thành phố Hòa Bình) lôi nam sinh 7 tuổi là em N.G.K. (ngụ tổ 7, phường Hữu Nghị) ra ngoài đánh, khiến bé trai này bị thương phải nhập viện điều trị. Sau sự việc, em N.G.K. bị thương ở vùng mặt và tay, chảy nhiều máu.
Con trẻ xích mích nhau, chuyện thường ngày
Con trẻ bậc tiểu học nói là xích mích nhau cũng chẳng có gì là ghê gớm. Hôm nào lên trường mà giáo viên chúng tôi chẳng phải đứng ra làm “công an”, “quan tòa” rồi “luật sư”…vừa giảng giải, vừa bào chữa và cuối cùng luận tội để các em thấy điều mình sai, chưa đúng chỗ nào sẽ xin lỗi bạn và hứa sẽ khắc phục vào lần sau.
Dù là xích mích với bạn, thậm chí quẹt qua quẹt lạị có khi khóc bu la bu lu nhưng cũng chỉ dăm ba phút sau đó chúng lại chơi thân mật với nhau như chưa hề có chuyện xảy ra trước đó.
Có phụ huynh biết chuyện con bị bạn trêu chọc, thậm chí bị đánh trên trường cũng cảm thông, răn dạy con mình và nhờ thầy cô giáo nhắc nhở những em còn lại.
Ngược lại, có những phụ huynh lại làm lớn chuyện cho phép mình giải quyết mâu thuẫn con trẻ bằng những lời hăm dọa lạnh người hoặc giải quyết bằng nắm đấm, những cái tạt tai trước con mắt chứng kiến của bao em học sinh trong lớp.
Chúng tôi từng chứng kiến không ít vụ phụ huynh xông vào trường để đánh học sinh bất chấp sự lên tiếng của giáo viên.
Có lần, một đồng nghiệp của tôi đang giải quyết 2 học sinh đánh nhau, bất ngờ một phụ huynh từ ngoài cổng chạy vào hùng hổ đánh tới tấp em học sinh ấy. Cô giáo hốt hoảng xin nhưng phụ huynh vẫn không ngừng tay.
Cô V. đã phải lên tiếng: “Em ấy là học sinh của tôi, có đánh hãy đánh tôi trước”, lúc ấy vị phụ huynh kia mới buông tay nhưng vẫn kịp tuôn ra những lời hăm dọa đến lạnh người.
Lần khác, đang quét dọn lớp, thấy vẳng lại tiếng một phụ huynh: “Lần sau còn đánh con ông, ông móc mắt, chặt tay, lột da nghe chưa?”.
Tôi chạy lại thì thấy một cô bé lớp 1 (6 tuổi) mặt tái xanh tái lét đang run cầm cập lùi sát bờ tường, xung quanh là đám học trò vây kín đứng xem. Thấy tôi, vị phụ huynh quay qua thanh minh: “Nó đánh con bé nhà tôi…”.
Tôi ôm cô bé lại để trấn an, em run trong vòng tay vì chưa hết sợ, lúc này bé mới có thể òa lên khóc được.
Những đứa trẻ được ba mẹ “bảo kê” kiểu bạo lực thường tỏ ra khó dạy
Theo kinh nghiệm của chúng tôi, những đứa trẻ được cha mẹ “bảo kê” bằng bạo lực ở trường thường tỏ ra huênh hoang với bạn bè không chỉ trong lời nói mà cả trong hành động.
Ngay với cả giáo viên chúng tôi cũng khó mà dạy dỗ vì mới to tiếng, có em đã mang ba, mẹ ra hăm dọa.
Nhiều thầy cô sợ những phụ huynh như thế vì không cẩn thận có khi chúng tôi cũng bị phụ huynh hành hung chứ chẳng chơi.
Dần dà, giáo viên lo ngại bị rắc rối đến với mình nên trong cách dạy dỗ, giáo dục những học sinh ấy cũng có phần lơ là cho qua chuyện.
Mỗi khi có xảy ra chuyện học sinh dùng bạo lực với nhau đa phần dư luận đều luận tội giáo dục chưa hiệu quả. Ở trường, giáo viên vẫn luôn nỗ lực trong việc dạy và giáo dục học sinh hướng tới chân, thiện, mỹ.
Thế nhưng vẫn còn không ít phụ huynh luôn thích giải quyết mọi chuyện bằng bạo lực, họ còn dạy con kiểu như: “Đứa nào mà trêu chọc mày cứ đánh nó cho ba, tội vạ đâu ba chịu”.
Nếu vẫn còn những phụ huynh thích dùng nắm đấm như thế thì chắc chắn những vụ bạo lực học đường vẫn khó mà chấm dứt được.
Theo Phan Tuyết / GDVN