Chế độ ăn thừa muối, thiếu rau xanh
Tại buổi họp báo công bố kết quả điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam năm 2015, PGS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, đây là cuộc điều tra có quy mô lớn nhất từ trước đến nay và kết quả cuộc điều tra đã cho thấy, các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam đang gia tăng một cách đáng lo ngại. Hiện Việt Nam vẫn phải đối mặt với gánh nặng kép về bệnh tật, tỷ lệ mắc bệnh không lây nhiễm ngày một gia tăng. Theo ước tính của WHO năm 2012 cả nước có 520 nghìn tường hợp tử vong thì có đến 73% trong số đo do mắc các bệnh không lây nhiễm, trong đó đứng đầu là các bệnh là tim mạch, ung thư, đái tháo đường… do các yếu tố nguy cơ ở lứa tuổi 18 – 69 đều rất cao. Trong khi đó, chi phí điều trị cho bệnh không lây nhiễm trung bình cao gấp 40-50 lần so với điều trị các bệnh lây nhiễm do đòi hỏi kỹ thuật cao, thuốc đặc trị đắt tiền, thời gian điều trị lâu, dễ bị biến chứng. Theo ước tính của WHO, tổn thất lũy tích về kinh tế đối với các nước có thu nhập thấp và trung bình do các bệnh không lây nhiễm là trên 7000 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2011-2025 (bình quân mỗi năm gần 500 tỷ USD).
Nguyên nhân chính của việc gia tăng các bệnh không lây nhiễm là do lối sống. Theo công bố, đến nay có đến hơn một số dân số trưởng thành (57,2%) ăn thiếu rau, trái cây so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới WHO. Trong đó, nam lại càng lười ăn rau xanh hơn nữ giới, với 61,3% nam giới và 51,4% nữ giới chưa ăn đủ lượng rau xanh so với khuyến cáo. Khuyến cáo của WHO mỗi người trưởng thành cần ăn ít nhất 5 suất rau, trái cây khoảng (400gram) hằng ngày. Trong khi đó, việc ăn đủ rau xanh, trái cây giúp phòng bệnh ung thư, tim mạch và các bệnh không lây nhiễm khác.
“Tuy tỉ lệ ăn thiếu rau xanh, trái cây còn cao, nhưng so với điều tra trước đó năm 2010 cũng đã là một tín hiệu mừng, khi mà 5 năm trước, tỉ lệ người Việt trưởng thành ăn thiếu rau xanh lên đến 81,7%”, TS Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết.
Mâm cơm thừa thịt, thiếu rau của nhiều gia đình Việt
Trong khi tỷ lệ rau quả rất thấp trong bữa ăn người Việt thì một con số đáng chú ý là lượng tiêu thụ muối của một người Việt trung bình là 9,4g muối trong 1 ngày, cao gần gấp đôi so với khuyến cáo của WHO (dưới 5 g một người 1 ngày). Ăn nhiều muối là yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp, đột quỵ, ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và một số bệnh tim mạch khác. Quá trình điều tra cho thấy, phần lớn người được hỏi biết rằng ăn nhiều muối sẽ có tác động không tốt đến sức khỏe và cũng phần lớn đến 70% cho rằng họ chỉ ăn lượng muối vừa phải mà không hề biết rằng mình ăn quá nhiều muối. Trong khi thực tế, lượng “vừa phải” này đã cao gấp đôi so với khuyến cáo, kéo theo một loạt nguy cơ các bệnh lý kể trên.
1/3 dân số lười vận động
Bên cạnh đó, về hoạt động thể lực thì có đến gần 1/3 dân số thiếu hoạt động thể lực so với khuyến cáo của WHO (có hoạt động thể lực cường độ trung bình ít nhất 150 phút 1 tuần hoặc tương đương). Tỷ lệ thiếu hoạt động thể lực ở nam giới 20,2% thấp hơn so với nữ 35,7%. Con số này có giảm so với năm 2010 nhưng chỉ trong nhóm nam giới.
Lối sống ít vận động, dành thời gian nhiều cho xem tivi, đọc báo, làm việc bằng máy vi tính, nói chuyện qua điện thoại, lái xe, ăn uống, ngồi lì trong văn phòng… đang ngày càng phổ biến trong đại bộ phận người dân nước ta, gây ra những căn bệnh nguy hiểm. Đặc biệt, đối với những người thường xuyên làm công việc văn phòng, lười vận động còn là nguyên nhân của những chứng bệnh phổ biến như đau khớp, đau vai gáy, stress thường xuyên… dẫn đến sức khỏe suy giảm, tinh thần căng thẳng, ảnh hưởng trầm trọng đến chất lượng cuộc sống. Hoạt động thể lực ngày càng ít đi, con người càng trở nên lười nhác hơn. Bệnh tật là nguy cơ nhãn tiền.
Kết quả là sự gia tăng của tình trạng thừa cân, béo phì ở cả hai giới là trên 15,6%, tăng hơn gần 3% so với kết quả điều tra năm 2010. Trong đó, béo phì ở thành thị là 21,3%, vùng nông thôn là 12,6%.
Thiếu hoạt động thể lực cũng là yếu tố nguy cơ đứng hàng thứ tư của tử vong, gây tăng các bệnh tim mạch, đái tháo đường và một số loại ung thư. Tăng cường hoạt động thể lực không chỉ giúp kiểm soát cân nặng mà còn để phòng, chống các bệnh không lây nhiễm.
Bệnh không lây nhiễm- kẻ giết người thầm lặng
Kết quả một nghiên cứu mới đây của Trường Đại học Y Hà Nội cho thấy, hiện có hơn 7 triệu người bị tăng huyết áp, 5% dân số bị đái tháo đường, 2,8% dân số bị trầm cảm. Nguyên nhân được xác định có liên quan nhiều đến lối sống: ít hoạt động thể lực, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, dinh dưỡng bất hợp lý ( dư thừa chất béo, đạm), môi trường ô nhiễm.
Bệnh cao huyết áp ngày càng gia tăng
Theo Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, bệnh không lây nhiễm đang có xu hướng tăng, chiếm 60,6% bệnh nhân đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế. Đặc biệt bệnh không lây nhiễm chiếm tỉ lệ cao nhất trong tổng gánh nặng bệnh tật của Việt Nam (71%). Vì đây là một loại bệnh dịch vô hình, không có tác nhân gây bệnh rõ rệt, thường xuất hiện do các yếu tố nguy cơ khác các bệnh dịch thông thường... nên nhiều người dân, kể cả nhân viên y tế không biết hoặc không quan tâm. Do phải sống chung lâu dài với bệnh không lây nhiễm, nhiều người lâm vào tình trạng khi bệnh bột phát thì đã vào giai đoạn nghiêm trọng, điều trị khó, tốn kém mà vẫn không thoát khỏi tử vong.
Mặc dù được đánh giá là hơn một số nước vì có chính sách y tế dành cho người nghèo, người thu nhập thấp, nhưng trên bình diện chung Việt Nam vẫn còn thiếu một chiến lược đối phó với các loại bệnh mạn tính không lây nhiễm. Công tác phòng chống, điều trị các bệnh này còn yếu về chuyên môn, thiếu trang thiết bị. Đặc biệt, Việt Nam chưa xây dựng được hệ thống giám sát bệnh không lây nhiễm, chủ yếu dựa vào báo cáo của hệ thống các bệnh viện. Vì vậy không có các số liệu thống kê hàng năm trên phạm vi toàn quốc cũng như sự thay đổi những yếu tố nguy cơ.
Trong khi đó nguồn nhân lực, tài chính quá thiếu, khiến các mô hình can thiệp dự phòng tại cộng đồng chỉ được thực hiện ở qui mô nhỏ, không có mô hình lồng ghép, riêng từng nhóm bệnh. Nguy cơ bệnh không lây nhiễm tăng dần theo tuổi thọ do sự phơi nhiễm trong thời gian dài của các cơ quan bộ phận chức năng của cơ thể và giảm khả năng hệ thống miễn dịch. Điều này đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Gần 70% người bệnh khi được phát hiện cùng một lúc đã có nhiều biến chứng nguy hiểm (tai biến mạch máu não, suy tim, suy thận, cao huyết áp, hoại tử chi, mù lòa), thậm chí nhiều người tử vong trước khi được điều trị (61%).
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đã đến lúc cần tăng cường can thiệp phòng chống các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm, đồng thời tăng cường dịch vụ y tế ở các tuyến cơ sở để giám sát, phát hiện sớm, điều trị sớm các bệnh không lây nhiễm mắc phải như kiểm soát huyết áp, đái tháo đường, tăng cường tầm soát ung thư… để giảm nguy cơ tử vong.