Dấu hiệu stress khi mang thai - Chớ coi thường! Ảnh minh họa
? Xin chào bác sĩ! Tôi đang mang bầu được 4 tháng. Không hiểu do nắng nóng kéo dài khiến cơ thể mệt mỏi hay do thay đổi hooc-môn mà tôi luôn dễ cáu gắt trước những sự việc không đáng. Nhìn ai tôi cũng thấy ghét. Tôi cũng hay đau đầu và đêm rất khó ngủ. Xin bác sĩ tư vấn giúp tôi cách khắc phục tình trạng này? (Phạm Thị Thanh, Sơn Tây, Hà Nội)
Trả lời:
Khi mang thai, vì nhiều nguyên nhân khác nhau dễ khiến sức chịu đựng của nhiều mẹ bầu kém hơn người bình thường. Vì thế, họ thường rơi vào tình trạng stress. Chị cần lưu ý những cách để giảm stress trong khi mang thai như sau:
- Ăn uống điều độ đầy đủ chất dinh dưỡng và uống nhiều nước.
- Nghỉ ngơi đầy đủ và khi cảm thấy mệt mỏi. Chú ý phòng ngủ yên tĩnh, tránh tiếng ồn. Có thể tắm mát trước ngủ, không nên ăn trong vòng 1 giờ trước khi ngủ.
- Tập thể dục thường xuyên, tập thể dục các môn thích ứng với tình trạng sức khỏe, có sự tư vấn của chuyên gia thể dục.
- Thư giãn bằng cách nghe nhạc, du lịch, xem kịch hài…
- Tránh xa những yếu tố gây stress nếu có thể được.
- Chia sẻ với người thân, bạn bè, nếu cảm thấy khó nói thì có thể chia sẻ với chuyên gia tâm lý. Việc giao tiếp thường xuyên và cởi mở với người khác giúp thai phụ cảm thấy tự tin hơn để đối phó với các thách thức của cuộc sống và công việc.
- Làm giảm khối lượng công việc bằng cách chia sẻ công việc cho đồng nghiệp và những người làm cùng.
- Khám thai tại các cơ sở có đầy đủ phương tiện chăm sóc tiền sản, đảm bảo thai phụ và thai nhi phát triển khỏe mạnh.
? Cháu năm nay 28 tuổi, mang thai lần đầu được 6 tháng. Vài tháng gần đây, cháu thấy cơ thể mình thường xuyên ra khí hư màu vàng khiến ngày nào cháu cũng phải dùng băng vệ sinh hàng ngày. Khí hư không hôi, không ngứa nên cháu cũng không đi khám. Nhưng vài ngày nay, cháu thấy ngứa ngáy khó chịu. Trời nắng nóng, cháu rất sợ đi bệnh viện, bác sĩ có cách nào giúp cháu? (Trần Thanh Lan, email: cucaido2018@gmail.com)
Trả lời:
Bệnh phụ khoa là một bệnh khá phổ biến ở phụ nữ, nhất là phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ. Vào ngày hè, bà bầu có nguy cơ nhiễm bệnh phụ khoa cao hơn so với bình thường do có sự thay đổi của các hoóc môn trong cơ thể dẫn đến sự thay đổi ở môi trường âm đạo, tạo điều kiện cho nấm và một số loại vi khuẩn yếm khí phát triển. Vì vậy, các bà bầu thường dễ bị nhiễm nấm âm đạo và những viêm nhiễm khác ở vùng kín.
Những bệnh phụ khoa mà bà bầu rất dễ mắc phải đó là: Viêm âm đạo do nấm; viêm âm đạo do loạn khuẩn; viêm âm đạo do trùng roi; viêm đường tiết niệu. Các triệu chứng khi mẹ bầu bị bệnh phụ khoa là: Ra khí hư nhiều bất thường; ngứa, đau rát, có mụn ở vùng âm đạo; cảm giác nóng khi đi tiểu và đau khi giao hợp.
Nếu không được chưa trị kịp thời, viêm nhiễm phụ khoa có thể làm tăng nguy cơ viêm nhiễm âm đạo mãn tính, ung thư cổ tử cung, âm đạo, sảy thai, sinh non, vỡ ối sớm, viêm màng ối, lây nấm và bệnh phụ khoa sang cho bé.
Để điều trị bệnh phụ khoa trong quá trình mang thai, cháu không được tự ý chữa trị mà cần tới ngay khoa sản tại các bệnh viện gần nhất để làm các xét nghiệm cần thiết và được điều trị bởi các bác sĩ có chuyên môn. Lưu ý: Môi trường âm đạo là một môi trường “đặc biệt” cần được bảo vệ, nếu can thiệp không đúng như tự ý ra hiệu thuốc mua viên đặt âm đạo về dùng không đúng loại bệnh sẽ dẫn tới mất cân bằng môi trường âm đạo, khiến bệnh càng nặng thêm.
Bên cạnh đó, việc giữ gìn vệ sinh vùng âm đạo là việc làm vô cùng cần thiết. Cháu nên tắm bằng vòi hoa sen thay bằng tắm bồn, không nên mặc quần quá chật và bó sát để vùng kín được thoải mái và khô thoáng hơn.
Mùa hè mẹ bầu nhất định phải bổ sung nhiều rau xanh và hoa quả. (Ảnh minh họa)
? Vợ tôi đang mang bầu ở tháng thứ 8, có hiện tượng bị rạn da đùi, da bụng, bị phù chân, hay bị chuột rút khi nằm ngủ. Xin bác sĩ chỉ giúp cách khắc phục tình trạng này? (Ngô Thanh Lâm, quận 7, TP. Hồ Chí Minh)
Trả lời:
Phụ nữ mang thai tháng thứ 8, vào thời gian mùa hè, nhiệt độ cao, nắng nóng kéo dài thì tình trạng phù chân có thể tăng lên đột ngột. Cách phòng tránh hiện tượng này là bà bầu nên nằm nghiêng khi ngủ, mặc quần áo rộng rãi, hạn chế đứng hoặc ngồi lâu một chỗ, đồng thời giảm bớt lượng muối trong khẩu phần ăn hàng ngày - điều này sẽ giúp chống lại việc giữ nước.
Mang thai ở gần cuối thai kỳ bị rạn da bụng, da đùi, bắp chân là điều khó tránh khỏi. Anh nên đưa vợ đến chuyên khoa da liễu để được tư vấn loại kem chống rạn da phù hợp với người đang mang bầu.
Về tình trạng chuột rút chân do nhiều nguyên nhân, có thể do thiếu can-xi hoặc tình trạng mẹ bầu dễ bị mất nước do thân nhiệt tăng cao trong quá trình mang thai vào những ngày hè nắng nóng.
Đối với thai phụ, tình trạng bị mất nước sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của mẹ và sự phát triển của bé. Cụ thể, mẹ không cung cấp đủ nguồn nước cho cơ thể sẽ gây ra nguy cơ sinh non, mệt mỏi, táo bón. Thai nhi vì thế có thể hoạt động ít và yếu đi. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn tới thai phụ có nguy cơ bị chuột rút, ngất xỉu đột ngột.
Anh nên bổ sung lượng nước đầy đủ cho vợ trong những ngày nắng nóng và theo dõi trong vòng 10 ngày xem có hết tình trạng chuột rút. Nếu không hết thì phải đến bệnh viện phụ sản khám cụ thể để tìm ra nguyên nhân chính xác.
Lưu ý: Để tránh tình trạng nguy hiểm có thể xảy tới cho bà bầu ngày nắng, nên uống đủ 2,5 - 3 lít nước mỗi ngày. Đặc biệt không nên ở ngoài nắng quá lâu, nhớ mang theo áo, mũ che nắng trong trường hợp buộc phải ra ngoài trời.
Minh Anh (thực hiện)/GĐTE