Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Đời sống

Bệnh nhi 6 tuổi bị đột quỵ: Căn bệnh rất hiếm gặp ở trẻ nhưng cha mẹ không được xem thường

Đột quỵ rất hiếm gặp ở trẻ em. Nếu xảy ra, hậu quả thường rất nặng nề và để lại di chứng cả về thể chất và tinh thần cho người bệnh.

Đột quỵ rất hiếm gặp ở trẻ em

Mới đây, khoa Y học cổ truyền Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã tiếp nhận chăm sóc và điều trị thành công cho bệnh nhân Hồng Qu., 6 tuổi bị đột quỵ.

Cách đây 2 tháng, Hồng Qu. nhập viện khoa Y học cổ truyền trong tình trạng liệt nửa người trái, tay chân trái khó khăn trong cử động, cơ lực tay và chân ở mức 1/5 (tay và chân chỉ mấp máy cử động, không thể giơ lên so với mặt sàn).

Bé Hồng Qu. là một trường hợp hiếm gặp bởi chỉ sau 2 tháng điều trị tại khoa, cơ lực tay và chân đã lên được mức 4/5 (bệnh nhân có thể giơ tay, chân lên cao ngang mặt và cử động, cầm nắm tốt). Mặc dù đi lại chưa hoàn toàn bình thường nhưng mọi cử động ở nửa trái đã trở lên nhanh nhẹn, linh hoạt. Ở những vận động đơn giản thường ngày như khi vui chơi trên giường hoặc ngồi thực hiện các hoạt động, nếu không để ý kỹ thì sẽ thấy cử động của Hồng Qu. gần như không có gì bất thường. Đến nay, tình hình tiến triển tốt, bệnh nhi khỏe mạnh, tăng 4kg so với thời gian đầu vào viện. Qu. được ra viện sớm về với gia đình và tiếp tục việc học còn dang dở.

Bệnh nhi 6 tuổi bị đột quỵ được phục hồi, một căn bệnh rất hiếm cha mẹ không được xem thường - Ảnh 1.

Bệnh nhân Hồng Qu. đang được phục hồi chức năng tại bệnh viện.

Sau khi vào viện và vượt qua được giai đoạn cấp, Hồng Qu. được tập phục hồi chức năng theo phác đồ điều trị gồm các giai đoạn thụ động và chủ động. Giai đoạn thụ động, bệnh nhân được tập khi cơ lực còn kém. Việc luyện tập này giúp tránh hiện tượng viêm khớp và biến chứng về khớp. Điều này cũng có ý nghĩa quan trọng nhằm tránh các biến chứng như viêm loét, sặc đờm, hay bệnh phổi thường xuất hiện ở những bệnh nhân nằm lâu không vận động.Giai đoạn hai, bệnh nhân được hướng dẫn tập chủ động. Các y bác sĩ hỗ trợ bệnh nhân tập các động tác thăng bằng, đi, đứng, nằm ngồi, ăn uống, tập nói.

Bác sĩ Nguyễn Anh Đức, khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình - bác sĩ điều trị chính cho bệnh nhân Hồng Qu. chia sẻ, để phục hồi hiệu quả, sự chủ động, tích cực của bệnh nhân và người nhà người bệnh rất quan trọng nhằm giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng hơn, tập vừa sức với người bệnh tránh tình trạng bệnh nặng lên. Điều quan trọng nhất đối với bệnh nhi sau khi đã vượt qua giai đoạn cấp là bệnh nhân cần phải sử dụng thêm các thuốc tây y để tăng tái tạo tế bào não; kết hợp sử dụng thêm các biện pháp đông y như châm cứu, thủy châm và đặc biệt quan trọng là tập phục hồi chức năng.

Đột quỵ hoàn toàn có khả năng bị lại

Cũng theo bác sĩ Đức, đột quỵ hoàn toàn có khả năng bị lại. Do đó, người bệnh cần sử dụng thuốc thường xuyên nhằm dự phòng bệnh tái phát.

Bệnh nhi 6 tuổi bị đột quỵ được phục hồi, một căn bệnh rất hiếm cha mẹ không được xem thường - Ảnh 3.

Đối với các trường hợp đột quỵ, sau quá trình cấp cứu, người bệnh nhất thiết phải được tập phục hồi chức năng để có thể thực hiện được các hoạt động thể chất bình thường.

Bác sĩ CKI Đàm Thành Long (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình) cho biết, đột quỵ là tình trạng xảy ra khi dòng máu cung cấp cho não bồng nhiên gián đoạn do mạch máu não bị tắc (đột quỵ nhồi máu não) hoặc vỡ (đột quỵ xuất huyết não). Khi một phần não không nhận được oxy và các chất dinh dưỡng từ máu, những tế bào não sẽ dần hoại tử gây mất chức năng não bộ.

Do đó, đối với các trường hợp đột quỵ, sau quá trình cấp cứu, người bệnh nhất thiết phải được tập phục hồi chức năng để có thể thực hiện được các hoạt động thể chất bình thường. Đối với trẻ em, khả năng phục hồi cao nhất là trong vòng 6 tháng đầu và rất có thể sẽ tiếp tục diễn ra trong khoảng 2-3 năm sau. Vì vậy, sau xuất viện, người nhà vẫn cần đồng hành cùng người bệnh để hỗ trợ quá trình phục hồi chức năng sau này.

Bác sĩ Thành Long khuyến cáo, người dân cần nhận biết được những dấu hiệu sớm của đột quỵ để có biện pháp xử lý kịp thời như: Mặt có biểu hiện không cân xứng, miệng méo, nhân trung lệch; Thị lực giảm, mắt mờ, không nhìn rõ (biểu hiện này thường biểu hiện không rõ rệt nên rất khó nhận biết); Tê mỏi chân tay, cử động khó, khó cử động, tê liệt một bên cơ thể; Rối loạn trí nhớ, không nhận thức được, gặp khó khăn trong việc suy nghĩ từ để nói, không diễn đạt được, có cảm giác mơ hồ; Khó phát âm, nói ngọng bất thường, môi lưỡi tê cứng; Đau đầu dữ dội, cơn đau đến nhanh, có thể gây buồn nôn hoặc nôn.