Tiêm vắc xin đầy đủ và đúng lịch để phòng bệnh cho trẻ
Ngày 8/3, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong năm 2018 và đầu năm 2019, tình hình dịch bệnh sởi diễn biến phức tạp, gia tăng tại nhiều quốc gia, trong đó xảy ra ở một số nước đã công bố loại trừ bệnh sởi (Ukraine, Đức, Nga, Hoa Kỳ…).
Khu vực châu Á dịch xảy ra ở nhiều quốc gia (Trung Quốc, Malaysia...), đặc biệt tại Philippines trong năm 2019 đã ghi nhận 12.736 trường hợp mắc sởi và 203 trường hợp tử vong.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam, bệnh sởi bắt đầu gia tăng từ tháng 10/2018, tính đến nay đã ghi nhận 18.078 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 2.924 trường hợp mắc sởi dương tính tại 56 tỉnh/thành phố. Hiện số mắc vẫn chưa có xu hướng giảm.
Các trường hợp mắc bệnh tập trung chủ yếu tại vùng núi, sâu, xa, vùng dân tộc thiểu số sinh sống và tại các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, mật độ dân cư cao, giao lưu đi lại lớn. Nguyên nhân chủ yếu là tiêm vắc xin phòng bệnh sởi chưa được thực hiện đầy đủ, cùng chu kỳ bùng phát bệnh thường xảy ra sau 4-5 năm.
Để chủ động ngăn chặn không để dịch bệnh sởi lan rộng, bùng phát mạnh, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành thống kê và triển khai tiêm đủ mũi vaccine phòng sởi cho trẻ đạt tỷ lệ ít nhất 95% theo quy mô xã, phường; đảm bảo kinh phí cho các hoạt động tiêm chủng gồm tiêm chủng thường xuyên, tiêm chủng chiến dịch phòng chống dịch sởi cũng như kinh phí mua vắc xin tiêm phòng sởi cho các đối tượng nguy cơ cao ngoài độ tuổi thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Tăng cường giám sát, kiểm soát chặt chẽ, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh trên địa bàn. Tổ chức cách ly, khoanh vùng và xử lý triệt để ổ dịch, ngăn chặn không để dịch bệnh lan rộng. Triển khai có hiệu quả tiêm chủng thường xuyên cho trẻ 9 tháng và 18 tháng tuổi, đặc biệt thực hiện chiến dịch tiêm chủng phòng chống dịch sởi.
Thực hiện tốt việc khám sàng lọc, phân luồng khám bệnh, thu dung, cách ly bệnh nhân, thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Phát hiện sớm và điều trị tích cực các trường hợp diễn biến nặng, chú ý các đối tượng có bệnh nền, giảm tối đa các trường hợp tử vong do mắc bệnh sởi.
Các đơn vị phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo, chỉ đạo các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học thực hiện rà soát tiền sử tiêm chủng của học sinh; thực hiện tuyên truyền về ý nghĩa, lợi ích của tiêm vắc xin sởi, vận động gia đình, học sinh tham gia tiêm đầy đủ vaccine phòng bệnh sởi và phối hợp tổ chức tốt việc tiêm vắc xin sởi tại các cơ sở giáo dục. Trẻ mắc bệnh cần được nghỉ học, không để dịch bệnh lây lan.