Ê-kíp ghép gan cho người bệnh tại BV ĐHYD TP.HCM.
Với việc thực hiện thành công ca ghép thứ 10 và 11 (từ người chết não và người cho sống), BV ĐHYD TP.HCM đã trở thành một trong những bệnh viện đầu tiên của phía Nam có thể tự thực hiện kỹ thuật ghép gan, góp phần mang lại cơ hội sống, chất lượng sống ngày càng cao cho người bệnh xơ gan, ung thư gan cũng như giúp người dân thụ hưởng một phương pháp điều trị hiện đại, hiệu quả.
Trong suốt hành trình 2 năm vừa qua, 11 ca ghép là 11 câu chuyện cảm động và đầy tính nhân văn từ người hiến và người nhận gan tại BV ĐHYD TP.HCM. Những tấm lòng cao cả của người hiến cùng nỗ lực của các y bác sĩ đã giúp giành lại sự sống cho nhiều người bệnh xơ gan, ung thư gan. Người được ghép gan có thể là một người thân yêu trong gia đình, nhưng cũng có thể là một người hoàn toàn xa lạ đối với người hiến. Sau phẫu thuật, nỗi đau bệnh tật hay sự lo sợ phải đối diện với tử thần đã qua đi, chỉ còn lại niềm hạnh phúc vỡ òa cho người bệnh, người nhà người bệnh và cho cả đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện.
“Chẳng lời nào có thể diễn tả hết cảm xúc của tôi lúc này. Tôi muốn gửi lời cảm ơn người phụ nữ đã hiến gan, cảm ơn các y bác sĩ đã hồi sinh sự sống cho tôi, cảm ơn gia đình đã động viên, hỗ trợ tôi trong suốt quá trình điều trị. Đó là một điều kỳ diệu, một sự may mắn quá lớn. Từ nay trở về sau, tôi đã có thể sống khỏe mạnh như người bình thường, có thể báo hiếu cho cha mẹ, cùng vợ mình chăm sóc hai đứa con thơ. Đối với tôi, chẳng có niềm hạnh phúc nào lớn hơn thế. Bất ngờ được nhận một món quà quá lớn, tôi cũng sẽ cho đi những điều mình có thể, sống ngày một có ích hơn cho gia đình và xã hội”. Đó là chia sẻ đầy xúc động của anh H.V.L. (37 tuổi, ngụ tại TPHCM) – ca ghép gan thứ 10 tại BV ĐHYD TP.HCM. May mắn được nhận trọn vẹn lá gan từ một người chết não tại Hà Nội. Với sự nỗ lực của các y bác sĩ, anh L. được thực hiện ghép gan ngay trong đêm lá gan được chuyển đến BV ĐHYD TP.HCM. Sau phẫu thuật, sức khỏe anh L. hồi phục thần kỳ. Chỉ 5 ngày sau, anh đã được chuyển từ phòng Hồi sức sau ghép đến Khoa Ngoại Gan - Mật - Tụy BV ĐHYD TP.HCM để tiếp tục theo dõi. Tại đây, mọi hoạt động sinh hoạt của anh L. nhanh chóng trở lại bình thường. Và chỉ 2 tuần sau đó, anh L. đã có thể xuất viện trở về với gia đình.
Với nụ cười rạng rỡ trên môi, bà H.T.P. (61 tuổi, ngụ tại TP.HCM) dành cái nắm tay thật chặt cho con trai út của mình tại Phòng Hồi sức sau ghép: “Tôi rất vui, rất tự hào vì có những người con hiếu thảo. Trong suốt quá trình điều trị, các con luôn ở bên cạnh động viên tôi chiến thắng bệnh tật. Và may mắn thay, con trai út đã có thể hiến gan và giúp tôi khỏe mạnh trở lại…”. Bà P. là trường hợp ghép gan thứ 11 tại BV ĐHYD TP.HCM. Bà có tiền sử viêm gan C dẫn đến xơ gan giai đoạn nặng. Một tháng trở lại đây, bà P. có vài lần rơi vào hôn mê, tình trạng nhiễm trùng, rối loạn trong máu tăng và nguy cơ xuất huyết não dẫn đến tử vong. Các bác sĩ đánh giá, nếu không được ghép gan kịp thời, tỉ lệ tử vong trong vòng 3 tháng có thể lên đến 50%. Với tình huống cấp bách như trên, ghép gan là phương pháp tốt nhất để bà có thể sống khỏe mạnh. Bằng sự hiếu kính dành cho mẹ của mình, cả 3 người con của bà P. đều mong muốn được hiến gan, nhưng chỉ người con út là anh T.H.N. (28 tuổi, ngụ tại TP.HCM) phù hợp với các tiêu chuẩn về y học.
Sau phẫu thuật ghép gan, anh L. nhanh chóng bình phục sức khỏe.
Ngày 15/06/2020, với sự nỗ lực của ê-kíp ghép gan BV ĐHYD TP.HCM, ca phẫu thuật thành công tốt đẹp. Sau phẫu thuật 5 ngày, anh N. đã có thể ăn uống, sinh hoạt bình thường. Anh N. cùng anh chị của mình đến thăm mẹ tại Phòng Hồi sức sau ghép. Tại đây, cả gia đình anh N. đã cùng các y bác sĩ BV ĐHYD TP.HCM kỷ niệm sinh nhật của người cha đã mất cách đây 16 năm, đồng thời lấy ngày này làm sinh nhật thứ hai của người mẹ để cùng nhau ghi nhớ ngày cả gia đình đã trải qua một cơn “thập tử nhất sinh”. Sau phẫu thuật 1 tuần, anh N. đã được xuất viện. Hiện sức khỏe bà P. ngày càng ổn định, có thể ăn uống và sinh hoạt bình thường.
TS.BS. Trần Công Duy Long – Phó Trưởng khoa Ngoại Gan - Mật - Tụy BV ĐHYD TP.HCM chia sẻ, ghép gan là biện pháp triệt để cho các trường hợp người bệnh bị xơ gan, ung thư gan giai đoạn sớm và chức năng gan kém. Ghép gan giúp người bệnh có chất lượng sống tốt hơn. Đối với người hiến, sau khi hiến gan, các tế bào gan có thể tái tạo, phục hồi để đảm bảo chức năng hoạt động của gan giống với người bình thường.
Sau khi BV ĐHYD TP.HCM được Bộ Y tế cho phép triển khai kỹ thuật lấy, ghép gan từ người cho sống và từ người cho chết não (ngày 21/03/2018), Bệnh viện đã không ngừng nâng cao trình độ nhân lực chuyên môn, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và năng lực tổ chức, phối hợp giữa các Khoa, Phòng, Đơn vị có liên quan như Phòng Kế hoạch tổng hợp, Phòng Điều dưỡng, Phòng Vật tư thiết bị, Khoa Ngoại Gan - Mật - Tụy, Khoa Gây mê hồi sức, Khoa Xét nghiệm, Khoa Hồi sức tích cực, Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Khoa Dược…
GS.TS.BS. Trương Quang Bình – Phó Giám đốc BV ĐHYD TP.HCM cho biết: “Bệnh viện đã tiến hành đào tạo hơn 30 nhân sự bao gồm bác sĩ chuyên khoa, điều dưỡng, phẫu thuật viên, chuyên viên chẩn đoán hình ảnh, chuyên viên gây mê – hồi sức… Trong suốt quá trình thực hiện đề án, Bệnh viện còn liên tục tổ chức và tham gia các hội nghị, hội thảo về lĩnh vực gan mật tụy nói chung và ghép tạng nói riêng, với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế từ Hàn Quốc, Đài Loan, Hoa Kỳ… nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ ghép tạng. Với sự hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật của Bệnh viện Asan Hàn Quốc, Bệnh viện đã thực hiện thành công 9 ca ghép gan. Sau đó, trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19, Bệnh viện đã có thể thực hiện kỹ thuật phức tạp này với minh chứng rõ nét nhất là sự thành công của 2 ca ghép số 10 và 11, mang lại lợi ích thiết thực về sức khỏe, kinh tế cho người bệnh và người nhà bệnh nhân”.
Can Khương/TC GĐ&TE