Nỗ lực trong chăm sóc bệnh nhân
Là Bệnh viện chuyên khoa hạng II được thành lập theo Quyết định số 1784/QĐ-UB ngày 27/6/2007 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Khi mới thành lập, bệnh viện có quy mô 70 giường, hiện tại quy mô là 120 giường kế hoạch, nhưng thực kê 180 giường mới đủ khả năng thu dung điều trị bệnh nhân.
Bệnh viện hiện có 167 cán bộ, viên chức (115 cán bộ biên chế và 52 cán bộ hợp đồng). Trong đó, có 32 bác sỹ với trình độ như sau: 3 bác sĩ chuyên khoa II, 3 thạc sĩ, 16 bác sĩ CKI và 10 bác sĩ, tỷ lệ bác sỹ có trình độ sau đại học là 68,75%; 3 Dược sĩ đại học, 20 cử nhân điều dưỡng, 16 đại học khác. Nhìn chung chất lượng đội ngũ cán bộ khá cao và đồng đều giữa các khoa, phòng, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân.
Cùng với sự nâng cao năng lực chuyên môn, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND và các Sở ban, ngành Bệnh viện đã được tầu tư mở rộng hơn, nâng cấp cả về cơ sở hạ tầng cũng như máy móc, trang thiết bị y tế. Đến nay Bệnh viện đã có một nhà 4 tầng, một nhà 7 tầng. Từ nguồn kinh phí của bệnh viện, của tỉnh, kinh phí đầu tư, Bệnh viện đã mua sắm thêm nhiều trng thiết bị máy móc hiện đại: máy holter huyết áp, holer điện tim, điện tim gắng sức, máy thở, máy gây mê, hệ thống X quang kỹ thuật hiện đại... và đặc biệt là bộ phẫu thuật nội soi tuyến giáp; về con người được đào tạo bài bản làm chủ các trang thiết bị đáp ứng tốt nhu cầu khám, điều trị cho nhân dân trong tỉnh cũng như trong khu vực. Mỗi năm, Bệnh viện đã khám và điều trị cho 60-80 nghìn lượt bệnh nhân; cấp cứu nhiều ca bệnh nặng như: hôn mê hạ đường huyết, tăng đường huyết, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim và các rối loạn nhịp; phẫu thuật cho hàng trăm bệnh nhân bị bệnh lý tuyến giáp và bệnh lý bàn chân do đái tháo đường.
Tăng cường công tác đào chuyên môn và nghiên cứu khoa học
Công tác dự phòng luôn được bệnh viện quan tâm hướng dẫn thường xuyên để nhân dân phòng, chống bệnh rối loạn chuyển hóa do thiếu hụt i ốt, đái tháo đường bằng tuyên truyên truyền, mít tinh kêu gọi toàn dân sử dụng muối i ốt, kiểm soát nồng độ i ốt trong muối ăn, vận động nhân dân tích cực luyện tập phòng chống bệnh đái tháo đường, tôt chức các câu lạc bộ nâng cao sự hiểu biết cho bệnh nhân, nhân dân, tổ chức khám sàng lọc cho tất cả các địa phương trong tỉnh.
Trong nghiên cứu khoa học, đào tạo luôn được bệnh viện quan tâm chú trọng. Hàng năm nhiều đợt huấn luyện nghiệp vụ cho các bác sĩ, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên, các lớp đào tạo cấp chứng chỉ cho bác sĩ tuyến huyện đã được tổ chức thực hiện. Bệnh viện đã có 2 đề tài khoa học cấp tỉnh, hàng chục đề tài cấp ngành và cấp bệnh viện. Đặc biệt kỹ thuật phẫu thuật mổ nội soi tuyến giáp nổi tiếng trong nước cũng như trên thế giới đã được PGS.TS Trần Ngọc Lương – Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương và Ths.Bs Phan Hoàng Hiệp cùng ê kíp mổ của Bệnh viện Nội tiết trung ương cầm tay chỉ việc, chuyển giao kỹ thuật cho các bác sỹ tại bệnh viện. Kỹ thuật chuyển giao đã được thực hiện thành công với 14 ca mổ khó, đây là một thành công lớn cho bệnh viện cũng như ngành y tế tỉnh Thanh Hóa. Qua đó, tiết kiệm được thời gian, tiền bạc cho người bệnh do không phải vận chuyển lên tuyến trên...
Năm 2019, Bệnh viện Nội tiết Thanh Hóa đã tiến hành khám chữa bệnh cho gần 77 nghìn lượt bệnh nhân, trong đó khám bệnh cho bệnh nhân tự do trên 10 nghìn người; hơn 66 nghìn lượt khám bệnh nhân bảo hiểm; Tổng số lượt người bệnh điều trị ngoại trú hơn 72.000.
Luôn là địa chỉ tin cậy của người bệnh
Ông Hà Khánh Dư, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Thanh Hóa cho biết: "Từ khi thành lập Bệnh viện đến nay, với sự nỗ lực không ngừng của tập thể, cán bộ nhân viên, bệnh viện đã đạt được một số thành tích nhưng chúng tôi xác định cần phải cố gắng nhiều hơn nữa để xứng đáng với niềm tin của các cấp lãnh đạo cũng như đông đảo bệnh nhân. Bệnh viện sẽ không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ và nhân viên bệnh viện, tiếp tục triển khai nhiều kỹ thuật mới để phục vụ ngày một tốt hơn trong chăm sóc, điều trị, giữ gìn sức khỏe cho nhân dân và góp phần giảm quá tải cho tuyến trung ương..."
"Bên cạnh đó, Thanh Hóa là tỉnh lớn, dân số đông, hiện nay các bệnh lý, nội tiết, tiểu đường, tuyến giáp...có tỷ lệ người mắc ngày càng gia tăng. Nhu cầu khám chữa bệnh của người dân là rất cấn thiết, trong khi đó cơ sở vật chất của bệnh viện còn quá chật hẹp, trang thiết bị còn yếu, nguồn nhân lực còn thiếu rất nhiều. Chúng tôi cũng rất mong muốn lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, các Sở, ban, ngành, Bệnh viện Nội tiết trung ương, Hội Nội tiết đái tháo đường Việt Nam quan tâm hơn nữa về chuyên môn cũng như nguồn lực để bệnh viện hoàn thành nhiệm vụ cao cả trong việc cứu chữa bệnh cho nhân dân…" – ông Dư chia sẻ.
Ông Dư cũng cho biết thêm: "Mặc dù đã được nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, tuy nhiên hiện trạng cơ sở vật chất như trên chưa đáp ứng với nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng tăng của nhân dân trong tỉnh. Vì vậy, ngày 25/9/2018 UBND tỉnh Thanh Hóa đã đồng ý cho phép mở rộng quy mô phát triển Bệnh viện Nội tiết Thanh Hóa giai đoạn 2018-2023, tầm nhìn đến 2030 tại công văn số 11549/UBND-VX và cấp Giấy phép quy hoạch số 13/GPQH ngày 12/01/2018 với tổng diện tích mở rộng là 15.476 m2 nằm ở phía Tây đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Quảng Thắng, thành phố Thanh Hóa. Sau khi bệnh viện hoàn thành đây sẽ là cơ sở khám chữa bệnh hàng đầu trong khu vực và trong cả nước…".