Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

BHXH nâng cao ứng dụng CNTT trong công tác thanh tra, kiểm tra

BHXH Việt Nam cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng phần mềm trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo là hết sức cần thiết, nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động.

 

Tại Hội nghị tập huấn nghiệp vụ tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và ứng dụng CNTT trong công tác thanh tra, kiểm tra BHXH vừa diễn ra tại TP.HCM, ông Trần Đức Long - Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra (BHXH Việt Nam) nhấn mạnh về sự cần thiết phải đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào thực tiễn hoạt động nghiệp vụ thanh tra, tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo (KNTC). Theo ông Long, năm 2017-2018, ngành BHXH tiếp tục đẩy mạnh triển khai ứng dụng CNTT vào các mảng nghiệp vụ, hiện đại hóa hoạt động quản lý của ngành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử. Đến nay, các nội dụng nghiệp vụ của Ngành như: Thu - sổ thẻ, chính sách BHXH, chính sách BHYT, tài chính kế toán đã được quản lý bằng phần mềm, đem lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân và giải quyết KNTC vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Việc quản lý hoạt động của các đoàn thanh tra, kiểm tra cũng như quản lý việc giải quyết đơn thư tốn nhiều thời gian và chưa khoa học. Đồng thời, nhiều đơn vị đóng sai đối tượng, trốn đóng, đóng thiếu mức, giải quyết hưởng sai chế độ cho NLĐ với số lượng lớn, nếu không ứng dụng CNTT sẽ tốn kém nhiều thời gian và cho kết quả rất hạn chế. Vì vậy, việc nghiên cứu ứng dụng CNTT, xây dựng phần mềm trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân và giải quyết KNTC là hết sức cần thiết.

Cũng theo ông Long, hiện nay, Vụ Thanh tra - Kiểm tra đã nghiên cứu và xây dựng các tiêu chí, yêu cầu quản lý nghiệp vụ. Từ đó, phối hợp với Trung tâm CNTT và Công ty Tecapro thiết kế phần mềm ứng dụng nhằm mục tiêu hiện đại hóa công tác. Theo đó, phần mềm sẽ giải quyết hai vấn đề, đó là: Hiện đại hóa công tác quản lý, giảm tải sử dụng văn bản giấy và sổ sách ghi chép tay; tiết kiệm thời gian cho cán bộ trong công tác báo cáo, tổng hợp, hỗ trợ các tiện ích để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC.

Ảnh minh họa

Là địa phương trực tiếp ứng dụng phần mềm trên, ông Dương Văn Hào - Giám đốc BHXH tỉnh Khánh Hòa cho biết, chỉ bằng vài thao tác đơn giản và với thời gian chỉ vài phút, ông có thể kiểm tra tất cả hồ sơ, biên bản thanh tra, đơn thư KNTC mà các bộ phận nghiệp vụ chuyển đến. “Về cơ bản, bước đầu phần mềm đã giúp Phòng Thanh tra - Kiểm tra cũng như Giám đốc BHXH tỉnh xử lý nhanh chóng các tình huống. Về lâu dài, trong quá trình áp dụng, nếu có phát sinh vướng mắc, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi để có báo cáo, đề xuất khắc phục nhằm đảm bảo thực hiện tốt nhất nhiệm vụ” - ông Hào chia sẻ.

Hay như ông Đàm Lực Sĩ -  Giám đốc BHXH tỉnh Sóc Trăng cho biết, qua một số thao tác ban đầu cho thấy sự thuận tiện, hiệu quả rõ rệt. Trước đây, mỗi khi rà soát, kiểm tra, đối chiếu hồ sơ giấy mất cả một công đoạn dài, cán bộ nghiệp vụ phải tập hợp, sao chép rất mất thời gian. Nay, chỉ cần một thao tác, từ Giám đốc cho đến lãnh đạo Phòng Thanh tra - Kiểm tra có thể kiểm tra toàn bộ hồ sơ, các công đoạn đã xử lý; từ đó có những chỉ đạo xử lý kịp thời, đúng quy định pháp luật… Đồng quan điểm, ông Nguyễn Minh Hiếu - Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Tháp cho biết, trước đây BHXH tỉnh Đồng Tháp cũng đã ứng dụng CNTT trong công tác thanh tra, kiểm tra, nhưng ở dạng nhỏ lẻ. Còn hiện nay, việc ứng dụng phần mềm mới toàn diện, bao quát và đồng bộ hơn từ BHXH huyện, thị cho đến BHXH tỉnh và BHXH Việt Nam…

Tại hội nghị, các ý kiến cũng đều cho rằng, công tác thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT là nhiệm vụ còn rất mới mẻ, nên rất nhiều BHXH tỉnh, thành gặp không ít khó khăn, trở ngại. Do đó, đại diện BHXH các tỉnh, thành đã mạnh dạn nêu ý kiến để cùng với Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH và Vụ Thanh tra - Kiểm tra (BHXH Việt Nam) bàn cách tháo gỡ. Dẫn chứng cho những vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Nam - Trưởng phòng Thanh tra - Kiểm tra (BHXH TP.HCM) cho biết, hiện đang có tình trạng nhiều DN sau khi thanh tra BHXH vào cuộc đã đóng phần nghĩa vụ nợ BHXH, BHYT trước đó, nhưng lại để chây ỳ khoản lãi chậm nộp. Bên cạnh đó, nhiều DN trước đây bị khởi kiện, bị thanh tra, nhưng khó xác định mốc thời gian làm căn cứ xử lý; hoặc có nhiều DN cố tình lánh mặt, né tránh không tiếp đoàn thanh tra… Bà Quách Thị Bích Phượng -  Phó Giám đốc BHXH tỉnh Hậu Giang cũng cho biết, tại Hậu Giang cũng có rất nhiều DN dùng “chiêu” này để đối phó. Khi đoàn thanh tra BHXH đến thì họ lánh mặt không tiếp, nên rất khó lập biên bản vi phạm, làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác này…

Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cho biết, trong thời gian tới, ngành BHXH phải đối mặt với rất nhiều thách thức liên quan các vấn đề, như: Diện bao phủ đối tượng tham gia; việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT; kỳ vọng của người dân ngày càng cao; việc thực hiện chăm sóc sức khỏe dài hạn, già hóa dân số và biến động thị trường lao động… Vì vậy, BHXH các tỉnh cần chú trọng rà soát, kiện toàn và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là thanh tra chuyên ngành đóng BHXH và sử dụng quỹ KCB BHYT; tăng cường công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư KNTC. Đặc biệt, cần phối hợp với các địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra; tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh và BHXH Việt Nam về việc xử lý các DN vi phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự, nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho NLĐ, người dân.