Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bí ẩn hang Con Moong

(Dân sinh) - Có niên đại cách ngày nay hơn 240 triệu năm, mang trong mình nhiều bí ẩn khoa học và có giá trị văn hóa, lịch sử vô cùng to lớn, hang Con Moong ở xã Thành Yên, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) là một trong những hang động bí ẩn bậc nhất Đông Nam Á.

Ẩn chứa nhiều giá trị khoa học, lịch sử, văn hóa

Hang Con Moong (tiếng Mường nghĩa là con thú) thuộc địa phận bản Mọ xưa, nay là thôn Thành Trung, xã Thành Yên, huyện Thạch Thành. Hang nằm trong núi đá vôi ở độ cao 147m so với mặt nước biển, thuộc hệ tầng Đồng Giao có niên đại khoảng 240 triệu năm.

Bí ẩn hang Con Moong  - Ảnh 1.

: Lễ đón Bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt hang Con Moong và các di tích phụ cận.

Di chỉ hang Con Moong được phát hiện năm 1974 và tiến hành khai quật, nghiên cứu lần đầu tiên vào năm 1976. Năm 2008 - 2009, hang Con Moong tiếp tục được khảo sát và công bố kết quả nghiên cứu bước đầu. Từ năm 2010, Viện Khảo cổ học Việt Nam hợp tác với Viện Khảo cổ học - Dân tộc học Novosibirsk thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga, với sự tham gia của Sở VH-TT&DL tỉnh Thanh Hóa tiếp tục khai quật, nghiên cứu khảo cổ hang Con Moong và các di tích phụ cận. Sau nhiều năm khai quật, nghiên cứu, các nhà khoa học Việt - Nga đã xác định được: Hang có hình tang trống, hai cửa thông nhau, chiều dài 40m, chỗ rộng nhất lòng hang khoảng 9m, mặt bằng di chỉ hang rộng trên 250m2, có địa tầng dày trung bình từ 9,5m, gồm 10 lớp có cấu trúc khác nhau. Từ lớp 1 đến lớp 6 (có độ sâu từ 1 - 6m) tìm thấy nhiều công cụ lao động, xương cốt động vật, vỏ nhuyễn thể. Các lớp 7 - 10 không gặp dấu tích động thực vật, nhưng có nhiều công cụ mảnh tước chế tác bằng đá quartz tập trung nhất là ở lớp 10 (ở độ sâu từ 8,5 - 9,5m).

Bí ẩn hang Con Moong  - Ảnh 2.

Các nhà khoa học khai quật, nghiên cứu tại hang Con Moong

Theo nghiên cứu bước đầu, hang Con Moong trải qua 4 giai đoạn phát triển về văn hóa từ tiền Sơn Vi, Sơn Vi, Hòa Bình - Bắc Sơn đến Đa Bút. Đặc biệt ở đây còn tìm thấy các mộ táng theo kiểu "nằm co bó gối" - một trong những kiểu táng sớm nhất của con người. Kết quả nghiên cứu các bon phóng xạ (C14) các lớp trên, độ từ cảm, tập trầm tích ở Con Moong và so sánh tương thích văn hóa với các di chỉ khảo cổ khác cho thấy niên đại sớm nhất được dự đoán từ cách đây 40.000 - 60.000 năm. Hang Con Moong là một trong số rất ít di chỉ khảo cổ học có địa tầng dày và được bảo tồn tốt nhất hiện nay ở Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á.

Bí ẩn hang Con Moong  - Ảnh 3.

Vị trí phát hiện mộ táng

Song song với việc hoàn thiện khai quật hang Con Moong, đoàn nghiên cứu khảo cổ hợp tác Việt - Nga đã phát hiện, khảo sát, khai quật và nghiên cứu một số hang động xung quanh như các hang: Lai, Đắng, Mái đá Mộc Long, Mộc Long, Mang Chiêng, Diêm, Bố Giáo và Lý Chùn.

Hành trình tới Di sản văn hóa thế giới

Từ những kết quả khảo sát, nghiên cứu, các nhà khoa học xác định các di vật khai quật được ở hang Con Moong là những bằng chứng xác thực về truyền thống cư trú trong hang, truyền thống chế tác và sử dụng công cụ đá với sự thay đổi về loại hình và kỹ thuật chế tác công cụ, từ đó có thể nghiên cứu sự thay đổi về hành vi, ứng xử của người cổ trước những biến động của khí hậu và môi trường tự nhiên. Các di vật ở hang cho thấy quá trình thay đổi về chất liệu chế tác công cụ, từ đá quartz sang đá cuội, từ kỹ thuật mảnh tước đá quartz sang kỹ nghệ cuội ghè điển hình ở Đông Nam Á thuộc giai đoạn văn hóa Sơn Vi.

Bí ẩn hang Con Moong  - Ảnh 4.

Bí ẩn hang Con Moong  - Ảnh 5.

Khách du lịch tham quan hang Con Moong

Kết quả khai quật cho thấy con người đã có mặt ở hang Con Moong từ khoảng 60.000 năm trước, song không thường xuyên (ở lớp 8 và 9) khi mà khí hậu trở nên lạnh nhất. Ở các lớp văn hóa 5, 6, 7 con người thường xuyên lui tới hang, bởi lúc đó khí hậu khô lạnh, người ta săn bắt một số loài động vật nhỏ trong thung lũng, các loài nhuyễn thể cạn chưa xuất hiện. Từ khoảng 25.000 - 20.000 năm trước, khí hậu ấm dần, có thời kỳ xen kẽ ấm và lạnh, người ta cư trú trong hang thường xuyên hơn và chuyển dịch dần về phía cửa đông của hang. Người cổ ở đây tiến hành săn bắt, hái lượm trong thung lũng, đặc biệt là thu lượm các loài ốc núi, họ đã biết chế biến bằng cách nướng, đốt qua lửa. Họ sử dụng các công cụ cuội kích thước nhỏ và mảnh tước để thu hái các loài thảo mộc, chế biến các loài nhuyễn thể. 

Từ sau 20.000 năm là thời kỳ nóng ẩm mưa nhiều khiến các loài ốc núi, ốc suối và nhuyễn thể xuất hiện ngày càng nhiều, do đó trở thành nguồn thức ăn thường xuyên của con người, bằng chứng là vỏ nhuyễn thể chất đầy cửa hang, có chỗ dày tới 4m. Từ 11.400 năm đến 8.000 năm cách ngày nay là thời kỳ mưa nhiều, người tiền sử ở Con Moong cũng như ở khắp Bắc Việt Nam hầu hết chuyển vào cư trú trong các hang động. Giai đoạn này người ta liên tục cư trú ở cửa hang. Tại khu vực này đã thu được trong địa tầng rất dày toàn vỏ ốc với hàng trăm công cụ lao động bằng đá, xương, sừng, vỏ nhuyễn thể… với kỹ nghệ chế tác công cụ phát triển từ văn hóa Sơn Vi đến văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn. Từ 7.000 năm cách ngày nay là thời kỳ biển lùi, mưa ít, do đó con người bắt đầu rời hang động dần chiếm lĩnh đồng bằng, ven biển, xác lập các nền văn hóa biển đầu tiên trong thời kỳ tiền sử. Những dấu tích lớp văn hóa trên cùng ở Con Moong gồm những chiếc rìu mài bộ phận và gốm văn đập thô sơ tương thích với lớp sớm nhất của văn hóa Đa Bút cho thấy sự chuyển cư của cư dân hang Con Moong đã tiến dần xuống đồng bằng ven biển, lập nên văn hóa Đa Bút…

Với những giá trị khoa học, lịch sử, văn hóa nổi bật, các tài liệu nghiên cứu về hang Con Moong được các nhà khoa học công bố bằng 3 thứ tiếng Việt - Nga - Anh, là những tư liệu cơ bản để hình thành bộ hồ sơ khoa học đệ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Tháng 11/2016, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức lễ đón bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt hang Con Moong và các di tích phụ cận. Tháng 9/2020 Sở VH-TT&DL tỉnh Thanh Hóa phối hợp với UBND huyện Thạch Thành tổ chức lễ công bố quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích khảo cổ hang Con Moong và các di tích phụ cận huyện Thạch Thành. Theo quy hoạch tổng thể giai đoạn 2021 - 2030, tổng diện tích khu Di tích khảo cổ hang Con Moong và các di tích phụ cận là 977,568 ha thuộc địa phận các xã: Thành Yên, Thạch Minh (huyện Thạch Thành), gồm khu vực bảo vệ di tích có diện tích gần 500 ha với các hang: Con Moong, Lai, Diêm, hang và mái đá Mộc Long, Lý Chùn, Bố Giáo, thành đất đắp Đầu Voi… và khu vực mở rộng phát huy giá trị di tích. Đây là thành công có ý nghĩa quan trọng trong hành trình đưa Di tích hang Con Moong trở thành Di sản văn hóa thế giới.