Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bí ẩn những mạch nước ngầm ở khu phế tích Triền Tranh

Chúng tôi có dịp ghé khu di tích Triền Tranh (xã Duy Trinh, H. Duy Xuyên, Quảng Nam).Khu di tích này của người Chăm được phát lộ trong quá trình thi công cao tốc và đang được tiến hành trùng tu. Nhiều câu hỏi đặt ra vì sao khu tập giảng kinh này lại nằm cách xa kinh đô Trà Kiệu, tách rời ra khỏi các công trình kiến trúc khác và lại nằm ở một vị trí hẻo lánh như vậy? Câu hỏi này vẫn chưa được giải mã. Thế nhưng, một điều đặc biệt khác ít người biết đến là trong quá trình thi công, một nguồn nước nằm sát khu di tích cũng được phát lộ. Nhiều người đoán định rằng chính vì có mạch nước ngầm này mà khu di tích Triền Tranh có thể tồn tại xa trung tâm.

 

Nguồn nước ngầm phát lộ trong quá trình thi công cao tốc

Nắng rát, gió nam thổi thốc từng hồi cả khu vực xung quanh Triền Tranh giống như một hoang mạc. Những khoảnh đất được san ủi để thi công công trình cao tốc đỏ quạch và khô cứng. Dưới cái nắng tháng 7 khô nóng, lại ở trên một ngọn đồi cao khiến ai cũng cảm thấy ngộp thở. Đoàn chúng tôi gồm Chủ tịch UBND H. Duy Xuyên Nguyễn Công Dũng cùng các cán bộ phòng kinh tế hạ tầng, phòng văn hóa... phải tìm bóng mát dưới những nhánh bạc hà cắm tạm xuống đất. Vậy mà, khó có thể hình dung được người Chăm hàng ngàn năm trước chỉ bằng đôi bàn tay đã khéo léo nặn từng viên gạch làm nên cả một khu tập giảng kinh trên đồi. Điều kỳ lạ khiến chúng tôi chú ý nhất chính là một vũng nước trong nằm ngay bên cạnh khu di tích Triền Tranh. Đồng chí Nguyễn Công Dũng không giấu nổi ngạc nhiên: “Trên đỉnh một ngọn đồi, giữa một vùng mênh mông nắng cháy da như vậy mà vẫn có mạch nước dồi dào quả là kỳ diệu”. Anh Quý (phụ trách tại công trình) cho biết thêm, khi đơn vị thi công tới múc đất thì dòng nước cứ thế tuôn trào và lúc nào cũng đầy ăm ắp.

Khu di tích nằm trên quả đồi cách xa trung tâm

Mỗi người một ý kiến, ai cũng nêu ra những nhận định của mình nhằm lý giải về sự xuất hiện của mạch nước trên đỉnh đồi. Đồng chí Đặng Văn Minh (Phó Trưởng phòng văn hóa thông tin H. Duy Xuyên) nêu một ví dụ khác về sự trùng hợp thú vị này, đó chính là giếng nước cổ trên đỉnh nhà thờ Trà Kiệu. Giếng nước này cũng nằm trên đỉnh một ngọn đồi và dù trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt vẫn chưa bao giờ cạn nước. “Giếng nước rất trong và ngọt. Nhiều khách tham quan đến nhà thờ Trà Kiệu còn gọi nó là nguồn nước thánh”, anh Minh cho biết. Sự trùng hợp thú vị này tưởng có thể chỉ là ngẫu nhiên nhưng cũng có thể là cả một hành trình tìm tòi sáng tạo của người Chăm cổ.

Cũng giống như chất kết dính các viên gạch của người Chăm khiến giới khoa học mất nhiều năm tìm hiểu, những mạch nước ngầm bí ẩn của người Chăm cũng cần được lý giải một cách có hệ thống. Và biết đâu một ngày nào đó câu trả lời sẽ làm chúng ta thêm tự hào về thế hệ ông cha, về một dân tộc đầy sáng tạo đã khẳng định được sự tồn tại của mình trước bao biến cố lịch sử.