Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bị bắt trái luật sẽ được bồi thường?

Theo cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm bồi thường, chậm trễ trong giải quyết bồi thường, thủ tục giải quyết bồi thường bất cập… là những hạn chế chủ yếu sau năm năm thi hành luật này.

 

Ông Trương Bá Nhàn, người được Viện KSND TP.Hồ Chí Minh tổ chức xin lỗi và bồi thường oan gần 296 triệu đồng hồi tháng 8/2015. Ảnh: H.GIANG

Sáng 15/10, Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) đã tổ chức hội thảo bàn về định hướng trong việc sửa đổi, bổ sung Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước tại Đồ Sơn (Hải Phòng).

Không cần quyết định thừa nhận sai

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện hành quy định người bị thiệt hại chỉ có quyền yêu cầu bồi thường khi có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phạm Quý Tỵ nhận xét: Đây là trở ngại lớn nhất của cá nhân, tổ chức khi yêu cầu bồi thường bởi họ phải khiếu nại để có được kết luận của cơ quan có thẩm quyền về hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ.

Theo quy định hiện hành, thời gian giải quyết hành chính lần đầu là 45 ngày (vùng sâu, vùng xa là 60 ngày), lần hai cũng mất khoảng thời gian tương tự; thời hạn xét xử sơ thẩm hành chính là bốn tháng, phúc thẩm là 60 ngày. Ông Tỵ tính toán, một người khiếu nại sẽ mất ít nhất chín tháng, chưa kể thời gian chuyển hồ sơ từ cơ quan hành chính cấp dưới lên cấp trên và từ cơ quan hành chính sang tòa. Sau đó người bị thiệt hại mới chính thức bắt đầu thủ tục yêu cầu bồi thường và thủ tục này cũng trần ai không kém.

Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước Trần Việt Hưng thừa nhận: Để có được văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật, trong nhiều trường hợp, người bị thiệt hại phải bỏ ra nhiều chi phí đi khiếu nại, tố cáo, khởi kiện… Tuy nhiên, những chi phí này chưa được xác định là một loại thiệt hại được bồi thường. Còn nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên nói không loại trừ khả năng người bị thiệt hại phải mất cả chi phí “bôi trơn”.

“Tại sao đặt vấn đề phải có một quyết định của cơ quan nhận mình có lỗi? Sai lầm của chúng ta trong luật này chính là ở chỗ đó” – ông Liên thẳng thắn. Theo ông Liên, kết luận thanh tra có phê chuẩn của thủ trưởng, quyết định của cơ quan tố tụng, của tòa án chính là căn cứ để khẳng định Nhà nước có lỗi mà không cần thêm bất cứ quyết định nào khác nữa.

Chỉ cần một đầu mối giải quyết bồi thường

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng chính mô hình cơ quan giải quyết bồi thường phân tán là nguyên nhân dẫn đến tình trạng né tránh, đùn đẩy hoặc tranh chấp trách nhiệm giữa các cơ quan nhà nước với nhau… khiến các vụ việc bồi thường kéo dài.

“Không ai tự nhận cơ quan, tổ chức của mình sai cả” – ông Đinh Công Sỹ (Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội) nói. “Dù là công an, VKS hay tòa án làm sai thì trách nhiệm bồi thường cũng đều thuộc về Nhà nước” – Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình Phạm Xuân Thường bổ sung. “Không nên để cơ quan làm oan, làm sai đứng ra thương lượng, thỏa thuận với người dân mà cần có một cơ quan đứng ngoài hệ thống đó” – ông Hoàng Thế Liên nói thêm.

Ông Liên đề xuất cần cải tiến thủ tục bằng cách nếu người dân yêu cầu bồi thường thì yêu cầu tại một đầu mối. Phải có cơ quan thường trực của Nhà nước, cứ có đơn là cơ quan đó phải ra tòa. Cơ quan này muốn nắm tình hình thì phải làm việc với các cơ quan có liên quan. Còn việc xác định trách nhiệm là việc nội bộ của các cơ quan nhà nước với nhau.

Nhóm nghiên cứu của Cục Bồi thường nhà nước cũng đề xuất chuyển mô hình cơ quan giải quyết bồi thường phân tán hiện nay sang mô hình cơ quan chuyên trách giải quyết bồi thường. Cụ thể, về bộ máy, cơ quan giải quyết bồi thường được tổ chức theo hai cấp gồm cơ quan ở trung ương và các cơ quan ở khu vực. Về chức năng, cơ quan trung ương quản lý và giải quyết bồi thường trong một số trường hợp phức tạp; cơ quan khu vực giải quyết bồi thường trong phạm vi khu vực mà mình được giao.

Bị bắt trái pháp luật: Được bồi thường

Theo Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước Trần Việt Hưng, nhóm nghiên cứu của Cục đề xuất mở rộng phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với thiệt hại gây ra khi thực hiện Chương trình tiêm chủng mở rộng. Bởi lẽ khoản 6 Điều 30 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước khi thực hiện tiêm chủng mở rộng, trong khi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước lại chưa quy định.

Trong hoạt động tố tụng, nhóm nghiên cứu đề xuất bổ sung trường hợp bồi thường do bị bắt trái pháp luật. Trong tố tụng dân sự, hành chính, nhóm nghiên cứu đề xuất bổ sung trường hợp bồi thường khi ra bản án, quyết định trái pháp luật hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ án do lỗi vô ý. Ngoài ra, còn bồi thường đối với trường hợp người có nghĩa vụ thực hiện việc cấp, tống đạt văn bản, giấy tờ hoặc thông báo nhưng không làm đúng trách nhiệm của mình mà gây thiệt hại…

Cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng dự kiến đề xuất bổ sung quy định về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với thiệt hại do hành vi quản lý tài sản của cơ quan nhà nước gây ra trong một số trường hợp, bao gồm quản lý cây xanh đô thị, công trình đang xây dựng do Nhà nước làm chủ đầu tư.

Theo nhóm nghiên cứu, thực tế hiện nay có nhiều thiệt hại do hành vi quản lý, sử dụng tài sản của cơ quan nhà nước gây ra đã làm ảnh hưởng một cách trực tiếp hoặc gián tiếp đến quyền công dân. Chẳng hạn như chăm sóc, quản lý cây xanh không đúng quy trình, không có các biện pháp thích hợp để đề phòng trường hợp cây đổ gây thiệt hại hoặc các công trình xây dựng không bảo đảm chất lượng, không áp dụng các biện pháp phòng ngừa, cảnh cáo… dẫn đến những tai nạn bất ngờ.

Cân nhắc quy định về thủ tục xin lỗi

Trao đổi với Pháp Luật TP.Hồ Chí Minh, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước Trần Việt Hưng nói một trong những nhiệm vụ quan trọng khi sửa đổi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là giải quyết dứt điểm những vấn đề thực tiễn tồn tại, trong đó có vấn đề tổ chức xin lỗi người bị thiệt hại. Nếu thống nhất được một đầu mối cơ quan giải quyết bồi thường thì cơ quan này sẽ trực tiếp tổ chức xin lỗi công khai, tất nhiên có mời cơ quan gây ra oan, sai đến dự…

Lập quỹ bồi thường nhà nước?

Người dân vi phạm thì bị xử phạt, thậm chí phạt rất nặng để thu nộp ngân sách. Vậy tại sao không lấy ngân sách đó lập quỹ để chi trả lại cho người dân khi Nhà nước sai? Như vậy mới là sòng phẳng. Xử phạt vi phạm hành chính một tỉnh một năm mấy trăm tỉ đồng, trong khi bồi thường cho người dân cả nước trong năm năm chỉ có 65 tỉ đồng là quá ít.

                                                               Ông HOÀNG THẾ LIÊN, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp