Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bi hài vừa hát quan họ vừa...nhảy lambada

Tủi thân về cát sê đã đành, điều làm các liền anh, liền chị buồn còn là cách hành xử của một số khán giả.

 

Nhóm đang hát bài “Người ơi, người ở đừng về”, có thực khách yêu cầu liền anh, liền chị vừa mặc áo mớ ba, mớ bẩy nhảy kiểu lambada. Nhiều thực khách vẫn nghĩ những liền chị là một dạng gái nhậu thuê, gái gọi biến tướng... nên nhìn với ánh mắt soi mói, xem thường. Vì kế sinh nhai, những liền anh, liền chị phải đứng hát quan họ giữa đám nhậu người ăn, kẻ nhậu nhộm nhoạm, tiếng cười cợt nhả.

Hát cho những người… không nghe hát

“Trầu em têm mang bao tình nghĩa, thắm đỏ thắm qua những mùa đông/ Để mùa xuân tươi đẹp nắng hồng, trầu quan họ em lại chờ ai”- tiếng hát ngọt ngào của liền chị với chiếc áo mớ ba, mớ bẩy không át nổi tiếng zô zô ầm ĩ của những gương mặt đỏ gay chếnh choáng vì rượu.Ai hát cứ hát ai zô cứ zô. Không gian đặc quánh những mùi thức ăn pha trộn tiếng hát, tiếng gào thét ầm ĩ. Kết thúc bài hát “Đến hẹn lại lên”, thay vì những tràng vỗ tay tán thưởng, thay vì những bông hoa tặng liền chị tỏ sự ngưỡng mộ là những cái vỗ vai, những vại bia ép uống.

Liền chị tên là Nguyễn Hiền sinh ra tại làng quê huyện Yên Phong, Bắc Ninh. Trời phú giọng hát đạt tiêu chí vang, rền, nền nảy, Hiền muốn xin vào đoàn nghệ thuật tỉnh. Nhưng biên chế có hạn, Hiền đành ngậm ngùi dang dở giấc mơ gắn bó câu ca quan họ. Đang lúc buồn chán, Hiền được một bầu sô ghé tai mời ra Hà Nội hát quan họ. “Chết đuối” vớ được cọc”, Hiền không chần chừ mà đồng ý ngay. Ngỡ tưởng được hát tại những buổi biểu diễn lớn với những khán giả trân quý nghệ thuật, không ngờ, Hiền lại vào nhóm hát quan họ… rong.Định bắt xe khách về Bắc Ninh, bầu sô nài: “Hát ở các nhà hàng, quán nhậu, tuy ồn ào, nhưng bù lại, cô sẽ được lương hơn chục triệu đồng/tháng”. Trước sự động viên của bầu sô nhất là gia đình đang khó khăn, Hiền đã đồng ý ở lại.

Nhóm quan họ dạo của Hiền khoảng 4-5 người gồm 2-3 “liền anh, liền chị”, 2 nhạc công. Họ được bầu sô lo chỗ ăn, chỗ ở, trang phục, đạo cụ và là người lên kế hoạch lịch diễn, điểm diễn tại các quán nhậu A, nhà hàng B nào đó. Công việc của họ bắt đầu vào buổi trưa khi các quán nhậu bắt đầu có khách và kéo dài tới quá nửa khuya, khi quán xá vừa tàn cuộc. Bầu sô đảm nhiệm đánh ô tô đưa các liền anh, liền chị “chạy sô”. Tụ điểm để liền anh, liền chị hát thường ở các quán nhậu, nhà hàng ở các quận Tây Hồ, Cầu Giấy Hoàn Kiếm… Tất cả tiền cát sê của nhóm, bầu sô đứng ra nhận rồi trả lương tháng cho từng người, cao thấp tùy thuộc vào giọng ca. Với Hiền, bầu sô trả 12 triệu đồng/tháng. Có tháng được “bo” thêm 1-2 triệu đồng. So với công việc đồng ruộng, đồng lương này khá cao.Nhưng tính kỹ, so với nghiệp cầm ca số tiền này quá “hẻo” khi “bán giọng” suốt từ trưa cho tới đêm khuya, chạy không biết bao nhiêu tụ điểm.

“Trong sinh hoạt thường ngày tôi phải tằn tiện mới đủ cho cuộc sống của mình và gửi về cho mẹ nuôi em”- liền chị Nguyễn Hiền tâm sự. Nếu như Hiền được bầu sô trả lương, chỉ đi hát thuê thì không ít liền anh, liền chị lại tự lập nhóm, đi hát dạo xin tiền bo của khách. Nhóm quan họ dạo S.C là một ví dụ. Nhóm không bầu sô, không nhận được hợp đồng hát tại nhà hàng, quán nhậu nào.Cứ 6 giờ tối, cả nhóm 4 người rong ruổi trên hai chiếc xe máy. Họ đi dọc các tuyến phố, quan sát các quán nhậu, nhà hàng nào đông khách. Họ dừng xe, vào xin quản lý nhà hàng, quán nhậu hát: “Cho quán thêm phần khí thế, tăng nét văn hóa”.Nhận được sự đồng ý, họ vào hát. Ban đầu họ hát “mồi” 1-2 bài quan họ, sau đó đi từng bàn xin khách yêu cầu hát. Khách yêu cầu hát bài nào, nhóm lại hát bài đó và họ nhận được tiền bo. Hát khoảng 5- 7 bài, nhóm S.C nhận được khoảng 200-300 nghìn tiền bo. Họ lại từ giã khách để “chạy sô” sang các nhà hàng, quán nhậu khác. Cứ thế một tối, họ đi vài nơi. Hôm nhiều, hôm ít, trừ các khoản chi phí, một tháng họ cũng chia nhau được hơn chục triệu đồng.

Tủi hổ hát quan họ nhảy lambada


Hiền nhẩm tính, đến nay mình đã 3 năm hát quán rượu, nhà hàng. Chừng ấy năm, cô nếm biết bao sự cay đắng chỉ có ai hát ở đó mới hiểu. Những người hát quan họ dạo không chỉ sợ thái độ, hành vi khiếm nhã của khách hàng, mà còn sợ trời mưa, nhà hàng, quán nhậu vắng khách họ không có cơ hội được hát nhận tiền bo và còn sợ những yêu cầu “quái dị” của thực khách.Chị Thu Hồng, Trưởng nhóm S.C nghẹn ngào: “Có hôm chúng tôi bị thực khách yêu cầu hát bài “Không phải dạng vừa đâu” của một ca sĩ trẻ. Chúng tôi đâu thuộc bài đó, thực khách đưa Iphone ép tôi đọc lời hát theo. Lại có hôm nhóm đang hát bài “Người ơi, người ở đừng về”, có thực khách còn bắt chúng tôi vừa mặc mớ ba, mớ bẩy nhảy kiểu lambada. Tôi từ chối hát ngay lập tức có người chế nhạo: “Đã đi hát dạo còn bày đặt làm cao”. Nếu không nhảy, cả dãy bàn đó không bo một đồng nào. Làm ăn khó khăn, mấy ngày trời mưa bão chẳng kiếm đồng bo nào, chị đành uốn éo nhảy cho thực khách vui lòng mà mặt như muốn khóc”.

Quan họ bỗng dưng bị… tạp nham hóa! Tủi thân về cát sê đã đành, cái làm họ “đau” đó là cách hành xử của những khán giả. Cùng nghiệp hát, các liền anh, liền chị hát trên sân khấu với những khán giả yêu nhạc dân tộc thực sự, họ được trân trọng trong tràng pháo tay, những bông hoa tươi thắm. Còn những người như Hiền và đồng nghiệp, “sân khấu” là những bàn nhậu và khán giả là những thực khách đang trong cơn say chếnh choáng, hay trong đầu toan tính phi vụ làm ăn nào đó.Nhiều người khách vẫn nghĩ những liền chị như Hiền là một dạng gái nhậu thuê, gái gọi biến tướng... nên nhìn với ánh mắt soi mói, xem thường. Vì kế sinh nhai, Hiền phải đứng hát quan họ giữa đám nhậu người ăn, kẻ nhậu nhộm nhoạm, tiếng cười cợt nhả.

Hiền tâm sự: “Khi gặp khách đàng hoàng chỉ muốn nghe ca hát thì tôi rất vui vì đó là điều chúng tôi mong muốn. Nhưng nếu gặp khách muốn rượu bia làm chuyện bậy như đòi hôn hay cầm tay… thì chúng tôi cũng nhiều phen lao đao, khó xử. Những lúc đó chúng tôi thường phải nhẹ nhàng né đi chỗ khác hoặc lảng sang chuyện khác hoặc cầu cứu liền anh, nhạc công”.Hiền cho biết thêm, từng có những người khách bo một số tiền lớn nhưng nhét vào kẽ áo hay có thái độ coi thường, Hiền không bao giờ nhận. Có vị khách còn ghé tai, dúi vào tay Hiền tờ danh thiếp, đề nghị sau khi hát ở quán xong, sẽ hát ở… trên giường cho ông ta nghe. Những lúc ấy, Hiền chỉ muốn trào nước mắt. Cố nén nỗi tự ái, Hiền thường nhẹ nhàng từ chối khách, trên môi vẫn phải nở nụ cười.“Làm nghề này, mình phải mềm mỏng. Nếu từ chối không khéo, khách phật ý mắng mỏ và chủ quán không gọi mình tới hát nữa.”- Hiền cúi mặt giấu nỗi buồn.  Sau tiếng ồn ào nâng cốc, cụng ly của thực khách, các liền anh, liền chị lại lặng lẽ ra về với ít tiền bo và nỗi buồn sâu kín. Ngoài kia, thành phố đang về đêm…