Biến chứng nguy hiểm do bị ong rừng đốt
Trẻ em miền núi vào ngày nghỉ cuối tuần hay các dịp nghỉ hè, nghỉ lễ thường vào rừng lấy củi, thả trâu bò, tham gia lao động phụ giúp gia đình. Không ít em nhỏ ở miền núi còn theo người nhà vào rừng lấy nhộng ong, mật ong. Thực tế đã có nhiều trường hợp trẻ em bị ong đốt gây biến chứng nguy hiểm.
Ở các làng, bản có địa hình đồi núi phức tạp, nhiều cây xanh nên thu hút các đàn ong đến làm tổ. Ong thường chọn những hốc đất, cành cây, bụi rậm xây tổ. Những đàn ong sinh sống gần các khu dân cư đang ngày càng trở nên hung dữ. Nguyên nhân một phần được cho là do không ít người dân có thói quen phá tổ lấy mật, lấy nhộng, hoặc chỉ đơn giản là thích chọc phá. Khi tổ ong bị vỡ thì chúng rất hung hãn tấn công người, càng bỏ chạy chúng càng đuổi theo.
Ở miền núi, thường gặp các loài ong hay đốt người là: ong vò vẽ, ong bầu, ong bắp cày, ong vàng, ong mật, ong đất... Các loại ong vò vẽ, ong bắp cày và một số loại ong vùng rừng núi rất độc và nguy hiểm. Khi bị quấy nhiễu, những đàn ong rừng sẽ chủ động tấn công người dù đang cách tổ của chúng một khoảng cách xa.
Tùy số nốt đốt và phản ứng của từng cá thể, bệnh nhân có thể bị phù mặt, phù thanh khí phế quản và thanh môn, khó thở, nói khàn; liệt thần kinh (mặt, ngoại biên, mắt), thậm chí bị tổn thương thần kinh lan tỏa rất nặng nề. Độc chất của nọc ong vò vẽ còn gây nhược cơ trầm trọng. Bị đốt 40-50 nốt (ở trẻ em là 30 nốt), bệnh nhân rất dễ tử vong nếu không được cứu chữa tích cực, đúng cách và triệt để.
Phòng ngừa, cứu chữa tích cực, đúng cách khi bị ong đốt
Theo các chuyên gia chống độc, nếu bị ong đốt nhiều nốt hoặc bị đốt ở các vị trí như đầu, mặt, cổ; bị dị ứng với nọc ong, bị sốc hoặc bị nhiễm độc… thì người bệnh, đặc biệt là trẻ em có thể nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, cần biết cách xử trí đúng cách và kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm.
Các bước xử trí khi bị ong đốt:
- Khi phát hiện nạn nhân bị ong đốt, cần nhanh chóng đưa ra khỏi khu vực có ong.
- Đặt nạn nhân nằm yên một chỗ, tránh cử động nhiều để hạn chế nọc độc lan truyền trong cơ thể.- Lấy vòi chích của ong ra bằng cách khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy ra, vì hầu hết sau khi đốt, ong đều để lại vòi chích và túi nọc ở vết đốt trên da. Tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra.
- Rửa sạch vùng da bị ong đốt bằng xà phòng và nước ấm. - Uống nhiều nước để loại thải độc tố.
- Chườm lạnh lên vết đốt để giảm đau và giảm sưng.
Sau khi xử trí như trên, người bị ong đốt cần được chăm sóc, theo dõi cẩn thận và đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra.
Sơ cứu ban đầu đúng cách sẽ tránh được bệnh diễn biến nặng dẫn tới suy đa tạng. Khi trẻ bị ong đốt, một số người nghĩ ngay đến việc bôi kem đánh răng, hồ nước lên vết đốt. Tuy nhiên, cách làm này chỉ có tính chất làm mát, dịu nốt đốt, không thể chữa trị tình trạng nhiễm độc.
Các bác sĩ khuyến cáo: Phải đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất khi có một trong các dấu hiệu sau: Số lượng vết đốt nhiều (trên 10 nốt); bị ong vò vẽ, ong bắp cày, ong mật và một số ong chưa rõ loại ở các vùng rừng núi; bị đốt vào các vùng mặt, cổ, miệng; nạn nhân có các biểu hiện khó chịu như: đau đớn, sưng nề nhiều vùng bị đốt, mẩn ngứa, khó thở, mệt nhiều… Tình trạng nguy hiểm nhiều khi không phụ thuộc vào số nốt bị đốt, bởi có trường hợp chỉ bị ong đốt 2 nốt song tình trạng nhiễm độc lại rất nặng. Nọc độc của ong có thể gây vỡ hồng cầu, tan máu, tổn thương cơ, tiêu cơ vân, rối loạn đông máu...
Cha mẹ cần hướng dẫn trẻ tuyệt đối không được chơi gần nơi có tổ ong và trêu chọc, phá tổ ong. Khi bị ong đốt, trẻ cần được sơ cứu và đưa ngay tới cơ sở y tế gần nhất để theo dõi, điều trị, tránh những biến chứng nguy hiểm.
Các biện pháp phòng tránh ong đốt
Tránh tiếp xúc với những nơi có ong. Không chọc phá tổ ong. Khi ong bay đến, không chạy, cần đứng hoặc ngồi im và không cử động (ong sẽ không bay theo nữa). Thường xuyên vệ sinh, phát quang bụi rậm quanh nhà để phòng ngừa ong đến làm tổ.
Khi đi vào rừng, đi dã ngoại, cần tránh mặc quần áo màu sặc sỡ. Không dùng nước hoa, dầu gội đầu, các loại mỹ phẩm… có mùi thơm và ngọt sẽ thu hút ong. Không đi chân đất, không mặc quần áo quá rộng. Đội mũ có lưới che, đi găng tay, mặc quần áo dày và kín.
Ở địa bàn miền núi, trẻ em bị ong rừng đốt phần lớn ở trong rừng, vắng người qua lại, xa nhà, xa trung tâm y tế nên rất nguy hiểm. Vì vậy, người lớn cần quan tâm và dặn dò trẻ phải tránh xa khi nhìn thấy tổ ong. Nhắc nhở trẻ em không ném, phá hay lấy que chọc tổ ong. Ong thường làm tổ ở cây, khó nhìn thấy, hoặc có loài ong làm tổ dưới đất, vì vậy không nên ra vườn, lên rừng vào buổi tối, khó phát hiện được tổ ong để tránh. Nếu bị ong tấn công, cần nhanh chóng trùm kín mặt và các phần da bị hở. Dùng giẻ tẩm dầu, quấn vào đầu gậy đốt, hoặc dùng bùi nhùi rơm rạ đốt để khói xua đàn ong ra khỏi nạn nhân. Cũng có thể dùng bình xịt thuốc diệt côn trùng để xua đuổi đàn ong.