Tổng cục quản lý Thị trường đã công bố kết quả điều tra và mức phạt 110 triệu đồng đối với công ty Công ty Cổ phần MHA (chủ quản thương hiệu thời trang SEVEN.am), liên quan đến sự việc này, ông Đặng Quốc Anh - Giám đốc MHA đã lên tiếng giải thích nhằm làm rõ hơn thắc mắc của dư luận vừa qua.
Ông Quốc Anh cho hay, qua kiểm tra của cơ quan QLTT từ 11/11/2019 đến 30/11/2019, lập biên bản xử phạt công ty MHA 04 lỗi. Trong đó, có lỗi "Không thực hiện công bố hợp quy đối với sản phẩm hàng hoá thuộc đối tượng phải công bố hợp quy". Ngay trong quá trình kiểm tra, ngày 15/11, SEVEN.am đã chủ động khắc phục lỗi này bằng việc bổ sung về tiêu chuẩn hợp quy sản phẩm.
Đối với lỗi thứ hai là "sản xuất kinh doanh hàng hoá có nhãn không ghi đủ nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hoá theo quy định", ông Quốc Anh chia sẻ, trước đây, công ty chỉ in trên thẻ bài nơi sản xuất "Made in Việt Nam" mà chưa ghi địa chỉ và tên đơn vị sản xuất tại Việt Nam.
Doanh nghiệp đã khắc phục bằng cách bổ sung tem phụ ghi tên địa chỉ đơn vị sản xuất tại Việt nam và dán bổ xung trên thẻ bài của từng sản phẩm.
Một trong những sơ xuất mà SEVEN.am gặp phải, dẫn đến án phạt cả trăm triệu đồng là nhân viên không gắn chính xác thẻ bài về thời gian sản xuất của 36 chiếc túi và 02 chiếc ví trong tổng số 9035 sản phẩm bị kiểm tra, số túi ví này đã được công ty dán bổ sung tem phụ.
"Chúng tôi bị phạt vì kinh doanh hàng hoá có nhãn bị sửa chữa làm sai lệch thông tin về hàng hoá theo quy định. SEVEN.am không thay tem mác sản phẩm Trung Quốc để gắn tem Việt Nam như trước đó có tin nghi vấn", ông Quốc Anh trần tình.
Hàng nghìn sản phẩm của SEVEN.am từng bị niêm phong để phục vụ điều tra nghi vấn về tem mác, xuất xứ sản phẩm hồi đầu tháng 11.
Theo ông chủ của thương hiệu SEVEN.am, chỉ có 01 mẫu sản phẩm đạt chỉ tiêu an toàn nhưng không đúng thành phần chất liệu ghi trên mác. Ngay sau đó, công ty đã loại bỏ sản phẩm này.
Liên quan đến nghi vấn vì sao SEVEN.am mở rất ít tờ khai hải quan nhập khẩu trong khi lượng hàng lớn, Giám đốc Công ty MHA Đặng Quốc Anh cho biết, phần lớn sản phẩm SEVEN.am được sản xuất trong nước và chỉ nhập khẩu một số lượng nhỏ phụ kiện như túi, ví từ Trung Quốc để bán kèm.
"Dòng hàng này số lượng rất ít lại bán chậm, do vậy Công ty chỉ mở ít tờ khai hải quan nhập khẩu", ông Đặng Quốc Anh nói.
Theo ông chủ SEVEN.am, mặc dù đã khắc phục được lỗi mắc phải và mở cửa hoạt động trở lại. tuy nhiên, ông thừa nhận phần quản lý của doanh nghiệp trong thời gian gần đây làm chưa tốt, cần phải chỉnh đốn và bổ sung nhân sự quản lý có trình độ để hoạt động hiệu quả hơn.
"Đây là bài học đau xót cho bản thân tôi và công ty. Chúng tôi đã có 10 năm hoạt động trong lĩnh vực thời trang Việt vì thế, vô cùng coi trọng quyền lợi của khách hàng", ông Quốc Anh nói.
Sau khi chịu án phạt 110 triệu đồng, ngày 3/12, cửa hàng SEVEN.am tại Hà Nội mở cửa hoạt động trở lại.
Theo Tổng cục Thị trường, tại thời điểm kiểm tra chưa phát hiện có dấu hiệu mua hàng dệt may của nước ngoài về để gắn nhãn hiệu và ghi nhãn theo phản ánh. Tuy nhiên, đơn vị đang tiếp tục giám sát, kiểm tra đối với hoạt động của Công ty cổ phần MHA và các đơn vị có liên quan.
Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cũng khuyến cáo các doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực bán lẻ thời trang, dệt may cần tuân thủ quy định pháp luật về nhãn hàng hóa, xuất xứ hàng hóa cũng như chất lượng hàng hóa.
"Trong thời gian tới, Tổng cục sẽ tăng cường kiểm tra các công ty, cửa hàng bán lẻ các mặt hàng này để chống các hành vi gian lận thương mại và bảo vệ người tiêu dùng", đại diện Tổng cục thị trường cho hay.