Các chuyên gia khuyến cáo, bảo vệ và giữ gìn sức khỏe cho trẻ thật tốt để có chuyến du lịch an toàn và vui vẻ. Ảnh minh họa
Cẩn trọng với các bệnh dễ gặp
Sau chuyến du lịch đảo Cô Tô 3 ngày 2 đêm vừa kết thúc cách đây ít ngày, cậu con trai gần 2 tuổi của vợ chồng chị Thanh, anh Bảo (ở Hưng Yên) “lăn đùng” ra ốm.
Chị Thanh cho biết, con trai chị có hiện tượng mệt mỏi, chán ăn ngay từ ngày đầu tiên đến đảo. Hai ngày sau, bé bắt đầu xuất hiện thêm tình trạng bị tiêu chảy nhẹ. Đến khi trở về nhà, bé chính thức “gục” luôn. Hiện tại, cu cậu bị sốt kèm tiêu chảy nên người cứ lả đi. Không những thế, dù mang tiếng được bố mẹ cho đi “nghỉ mát” tránh nóng nhưng cu cậu vẫn bị nổi rôm sảy khắp từ cổ xuống ngực khiến con thêm phần ngứa ngáy, khó chịu. Theo lời chị Thanh, đây là lần đầu tiên vợ chồng chị đưa con đi chơi xa nên chưa có nhiều kinh nghiệm dẫn đến sự việc đáng tiếc kể trên.
Theo các bác sĩ, trong quá trình đi du lịch, nhất là du lịch xa nhà, sự thay đổi đột ngột về môi trường tự nhiên, trong đó phải kể đến các yếu tố như địa lý, khí hậu phần nào sẽ khiến một số chức năng sinh lý của cơ thể trẻ tạm thời bị rối loạn. Bên cạnh đó, thực phẩm và cách chế biến món ăn ở mỗi vùng mỗi khác khiến cho trẻ nhỏ dễ phát sinh rối loạn tiêu hóa, đặc biệt ở những trẻ vốn có những bệnh lý về dạ dày, ruột. Ngoài ra, sự thay đổi về điều kiện sinh hoạt, phương tiện giao thông di chuyển liên tục, nhịp điệu sinh hoạt bị đảo lộn cũng dễ làm trẻ không kịp thích nghi dẫn đến tình trạng chán ăn, mệt mỏi và kéo theo nhiều hệ lụy khác.
Cụ thể, trẻ nhỏ mùa nắng nóng thường bị những bệnh về đường hô hấp, nên đi du lịch cũng dễ “dính” các bệnh này. Sốt cũng là một vấn đề hay gặp ở trẻ khi đi chơi xa. Nếu sốt không được điều trị kịp thời có thể gây nên những biến chứng nặng nề. Bên cạnh đó, trẻ em, đặc biệt trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi thường dễ bị tiêu chảy. Do đó, việc thay đổi thời tiết, thức ăn không phù hợp có thể gây ra nhiều bất lợi cho con. Ngoài ra, việc bị dị ứng với thời tiết, dị ứng thức ăn hoặc côn trùng đốt cũng là những mối đe dọa đến sức khỏe của trẻ trong quá trình đi du lịch.
Đặc biệt, theo BS Trần Thu Thủy (Bệnh viện Nhi Trung ương), với thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao bất thường như hiện nay, việc trẻ hoạt động quá nhiều ở ngoài trời, ở lâu dưới ánh nắng gay gắt, không uống đủ nước và mặc quần áo không thích hợp là những yếu tố khiến trẻ dễ mất nước và mắc các bệnh do nắng nóng. Trong đó, với những trẻ dưới 4 tuổi, tỷ lệ diện tích bề mặt cơ thể trên cân nặng cao hơn so với người lớn khiến lượng nhiệt hấp thu từ môi trường và lượng nhiệt sản sinh khi vận động đều cao hơn, do đó, nguy cơ mắc bệnh do nắng nóng tăng cao hơn. Bên cạnh đó, da trẻ em rất mỏng, dễ bị tổn thương trước ánh nắng mặt trời. Nếu thường xuyên phơi nắng mà không có các biện pháp bảo vệ thì làn da bé rất dễ bị cháy nắng, bỏng rát và bị tăng sắc tố da, dễ gây nhiều đột biến như ung thư da.
Bí quyết đảm bảo sức khỏe cho trẻ
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Với những gia đình đi du lịch có con nhỏ đi cùng, việc chuẩn bị đầy đủ tư trang cũng như đồ ăn thức uống dự phòng cho bé trong suốt chuyến đi là một khâu không thể thiếu. Theo đó, với những trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, bố mẹ cần mang theo sữa, bình sữa, bình nước nóng loại nhỏ, cháo, mì ăn liền, xúc xích, bánh, hoa quả để chủ động việc ăn uống cho con; mang theo bỉm, giấy vệ sinh khô, ướt, xà phòng khô, túi nilon để chủ động việc vệ sinh cho bé. Với những gia đình cho con đi du lịch biển, bố mẹ nên chuẩn bị đầy đủ các loại vật dụng cần thiết như: Mũ bơi, kính bơi, khăn bông, quần áo bơi, phao bơi…
Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cũng lưu ý, trong mùa hè nắng nóng, nền nhiệt độ cao, để tránh hiện tượng trẻ bị say nắng, mất nước khi đi du lịch, bố mẹ cần mang đầy đủ tư trang như mũ, nón, áo dài tay, kính râm và đặc biệt không quên kem chống nắng chọn loại phù hợp dành cho trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, trong khi chuẩn bị hành lý, không thể bỏ qua một số loại thuốc thiết yếu như: Thuốc giảm đau, thuốc hạ sốt, thuốc đi ngoài hoặc có thể mang theo bông băng y tế, dầu gió, thuốc chống côn trùng hoặc Oresol để bù nước kịp thời trong trường hợp trẻ bị tiêu chảy do không hợp thức ăn ở nơi đến.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, trong quá trình đi du lịch, nguyên tắc quan trọng trong việc giữ sức khỏe của trẻ vẫn là đảm bảo đủ các bữa ăn trong ngày, ít nhất là 3 bữa chính. Bên cạnh đó, cần tăng cường bổ sung Vitamin C cho trẻ thông qua các loại rau xanh và trái cây đồng thời uống đủ lượng nước cần thiết mỗi ngày, nhất là khi ra nắng và có nhiều hoạt động ngoài trời. Hạn chế cho trẻ uống các loại nước ngọt có gas, các loại nước có chất kích thích, càng làm cơ thể trẻ dễ mất nước nhiều hơn.
Bên cạnh đó, việc ngộ độc thực phẩm là tình trạng cũng hay xảy ra trong quá trình đi du lịch do ăn uống không đảm bảo vệ sinh. Do đó, bố mẹ cần cho con thực hiện nguyên tắc “ăn chín uống sôi”; không mua các thực phẩm bày bán tràn lan bên lề đường, nơi có đông người qua lại hoặc các loại thức ăn không được che đậy cẩn thận, có nhiều ruồi nhặng bâu xung quanh. Tốt nhất, nên tìm những nhà hàng, quán ăn có uy tín, sạch sẽ, chất lượng thực phẩm đảm bảo để tránh ăn phải thực phẩm bẩn gây hại sức khỏe cho trẻ.
Để đảm bảo sức khỏe cho trẻ trong suốt quá trình đi du lịch, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm khuyến cáo, bên cạnh các hoạt động vui chơi, tham quan và khám phá các điểm du lịch, bố mẹ cũng cần sắp xếp thời gian để trẻ được nghỉ ngơi cho hợp lý. Tránh việc trẻ phải di chuyển nhiều, nhất là trong những khung giờ cao điểm nắng nóng. Trong quá trình đi du lịch, nếu thấy trẻ có các triệu chứng như da đỏ ửng, nóng dần, mồ hôi ra nhiều, bố mẹ cần hạ thân nhiệt cho trẻ bằng cách cho con uống nước mát, lau người bằng khăn mát, đưa con tới nơi có quạt mát, điều hòa, mặc quần áo nhẹ nhàng, thấm hút mồ hôi. Trong trường hợp trẻ bị tăng nhiệt độ cơ thể đột ngột, chóng mặt, buồn nôn, mê sảng… bố mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Theo các chuyên gia y tế, trẻ nhỏ - nhất là trẻ dưới 2 tuổi - không nên di chuyển quá nhiều trong một thời gian ngắn. Do đó, những bậc phụ huynh có con ở tuổi này nên tạm gác những chuyến du lịch tham quan nhiều điểm hay những chuyến đi có yếu tố khám phá, thám hiểm, leo núi hay vào hang động… Những nơi này không chỉ không hấp dẫn bé mà còn gây mệt cho chính cha mẹ, khi vừa phải di chuyển nhiều, lại vừa phải trông con. Thay vào đó, hãy chọn những điểm du lịch gần nhà, đi lại thuận tiện, chơi trong ngày hoặc một buổi để đảm bảo cho sức khỏe của bé. Các điểm đến nên có không khí trong lành, không quá đông người tham dự để tránh tình trạng chen lấn, xô đẩy và làm trẻ bị thương.
Theo Mai Thùy/Giadinh.net.vn