Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bí quyết biến bò "hết đát" thành bò thịt cho thu nhập cao

Thức ăn cho bò rất đơn giản, rơm rạ, cỏ voi kết hợp với thức ăn tinh bột và hèm rượu. Nhưng có lẽ, hèm rượu chua giúp bò tiêu hóa tốt. Hơn nữa, bò ăn hèm rượu vào thấy ngủ li bì như say rượu, thức ăn được hấp thụ hết nên bò tăng trọng nhanh.

 

Từ những con bò già “hết đát”, nhưng qua bàn tay chuyên vỗ béo bò ở làng Cù Lâm, xã Nhơn Lộc,(thị xã An Nhơn, Bình Định) đã biến thành những con bò thịt chất lượng cao cho mức lãi bình quân từ 50 - 100 triệu đồng/hộ.

Biến bò “hết đát” thành bò thịt

Thôn Cù Lâm nức danh cả nước, bởi làng nghề rượu Bàu Đá, nay còn biết đến là thôn nuôi bò vỗ béo bằng công nghệ rất “đặc biệt”. Người dân thôn Cù Lâm cho biết, nuôi bò vỗ béo rất đơn giản, thời gian chăm sóc ngắn nhưng lại cho thu nhập cao.

Theo nhẩm tính, hàng năm mỗi hộ nuôi từ 4-5 lứa, mỗi lứa 3-4 con, thời gian vỗ béo khoảng 2 - 3 tháng. Sau khi trừ chi phí vẫn lãi từ 3-4,5 triệu đồng/con, trong khi chi phí thức ăn một con bò từ khi vỗ béo đến khi bán khoảng 1,2 – 1,5 triệu đồng. Tính ra, mỗi năm thu nhập từ nuôi bò vỗ béo đạt 50 – 60 triệu đồng, thậm chí có gia đình lãi trên 100 triệu đồng.

Đàn bò vỗ béo của gia đình ông Đỗ Văn Sửu 

Tuy nhiên, để vỗ béo bò nhanh xuất chuồng cũng có bí quyết riêng mà chỉ có người làng Cù Lâm mới có. Vừa mới xuất bán một con bò đạt 48 triệu đồng, ông Đỗ Văn Sửu (57 tuổi, thôn Cù Lâm) cho biết, muốn cho bò nhanh béo, quan trọng nhất vẫn là khâu chọn giống phải bò lai, không bệnh tật, bộ khung xương to, vai rộng, đùi ngay thẳng, mông, bản lưng lớn, độ tuổi của bò không quá già,… Khi mua bò về phải tiêm vắc xin phòng dịch bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng, bên cạnh đó chuồng trại phải luôn được vệ sinh sạch sẽ.

“Lúc mua con bò giá 41 triệu, chỉ hơn 2 tháng bán được 48 triệu, trừ chi phí lãi gần 5 triệu đồng. Nuôi 3-4 con thì có con béo nhanh, con béo chậm nên bù qua bù lại, nhưng bình quân kiếm lãi 2-3 triệu/con là dễ. Nhà nông, hai vợ chồng già tháng kiếm mấy triệu lấy đâu ra. Tôi thấy nuôi bò khỏe re, có thời gian ngồi đàm đạo với mấy ông hàng xóm”, ông Sửu sảng khoái nói.

Nhờ vào nuôi bò vỗ béo, vợ chồng ông Sửu có điều kiện nuôi 2 người con trai ăn học trong Sài Gòn, hiện đã có công việc làm ổn định.

Ngoài chọn giống bò tốt thì nguồn thức ăn phải phong phú, đầy đủ chất dinh dưỡng. Ngoài cỏ tươi tự nhiên, rơm rạ sẵn có, người dân trồng thêm cỏ voi cho bò ăn. Đặc biệt, tận dụng bã hèm từ nghề nấu rượu kết hợp với bột mì, bột bắp là “bí kíp” để vỗ béo bò nhanh nhất mà người dân làng Cù Lâm chuyền tay nhau kinh nghiệm này.

Biến bò già "hết đát" thành bò béo mập cho chất lượng thịt đạt.

Bò ăn hèm rượu giúp tiêu hóa và hấp thụ thức ăn tốt.

Chia sẻ về bí kíp vỗ béo bò nhanh, chị Từ Thị Yến (43 tuổi), chồng là Đinh Văn Quốc, phó nhóm nuôi bò cùng sở thích của New Zealand hỗ trợ tại xã Nhơn Lộc nói: "Thức ăn cho bò rất đơn giản, rơm rạ, cỏ voi kết hợp với thức ăn tinh bột và hèm rượu. Nhưng có lẽ, hèm rượu chua giúp bò tiêu hóa tốt. Hơn nữa, bò ăn hèm rượu vào thấy ngủ li bì như say rượu, thức ăn được hấp thụ hết nên bò tăng trọng nhanh". Thương lái mua bò của làng Cù Lâm đều đánh giá chất lượng thịt bò rất tốt, bò vừa to vừa mập, chắc thịt, thịt đỏ tươi được khách hàng ưa chuộng…

Vẫn khó tìm đầu ra

Xã Nhơn Lộc với trên 2.500 hộ dân chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa và chăn nuôi bò, trong đó, có hơn một nửa số hộ dân nuôi bò vỗ béo và sinh sản. Riêng thôn Cù Lâm có trên 400 hộ thì có hơn 300 hộ chuyên nuôi bò vỗ béo. Nghề nuôi bò vỗ béo đang trở thành thế mạnh của xã Nhơn Lộc.

Thế nhưng, gần đây thị trường có thêm nhiều nguồn cung khác, khiến đàn bò Nhơn Lộc bị tiêu thụ chậm lại, chưa kể người nông dân bị ép giá, làm hiệu quả cũng giảm.

Nuôi bò vỗ béo rất đơn giản mà hiệu quả cao.

Theo ông Trương Thanh Liêm, cán bộ Khuyến nông xã Nhơn Lộc cho biết, khó khăn lớn nhất vẫn là tìm đầu ra cho đàn bò thịt của địa phương. Những năm trước, bò thịt của Nhơn Lộc là số một không chỉ khu vực miền Trung mà có mặt cả thị trường TP.Hồ Chí Minh, bởi bò to mập, đạt thịt, thịt tươi ngon hơn so với bò vùng khác. Trước đây, mỗi tuần đi 1 chuyến xe 33 con bò đưa vào tiêu thụ ở TP. Hồ Chí Minh, nhưng giờ hai tuần mới gom đủ một chuyến xe. Bình quân một con bò giờ bán mất giá từ 2-3 triệu đồng so với trước đây.

Thường mỗi hộ dân làng Cù Lâm, xã Nhơn Lộc lúc nào cũng nuôi 2-3 con bò thịt.

Ông Dương Văn Khanh, Chủ tịch UBND xã Nhơn Lộc cho biết, để nghề nuôi bò vỗ béo phát triển thành thế mạnh của địa phương, UBND xã sẽ phối hợp với các ngành chức năng tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn vay lãi suất thấp. Đồng thời, tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường, ổn định và tăng đàn bò.